Chính phủ điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ nghỉ hưu giai đoạn 2018-2021

14/12/2018 12:51

Ngày 7/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng. Như vậy, lao động nữ bắt đầu nghỉ hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 sẽ được điều chỉnh cách tính lương hưu mới. Theo đó, mức lương hưu mới sẽ cao hơn so với cách tính trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[caption id="attachment_202429" align="aligncenter" width="400"]Lao động nữ được điều chỉnh lương hưu bắt đầu từ 2018 – 2021(ảnh minh họa) Lao động nữ được điều chỉnh lương hưu bắt đầu từ 2018 – 2021(ảnh minh họa)[/caption]

Hướng tới mục tiêu thực hiện tốt hơn chính sách bình đẳng giới

Nghị định 153/2018/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 là do quy định mới của Luật BHXH năm 2014 có sự thay đổi về công thức tính lương hưu đối với cả lao động nam và lao động nữ theo hướng tăng số năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ lương hưu tối đa (75%). Theo đó, lao động nam sẽ tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng tối đa 75% từ đủ 30 năm lên đủ 35 năm; lao động nữ tăng từ đủ 25 năm lên đủ 30 năm. Việc sửa đổi này là phù hợp với xu hướng quốc tế với một số ưu điểm là tiệm cận gần hơn với nguyên tắc đóng - hưởng; hướng tới bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất.

Tuy nhiên, việc thay đổi đột ngột công thức tính lương hưu của lao động nữ và áp dụng ngay quy định mới từ ngày 01/01/2018 trở đi, trong khi không có quy định thực hiện theo lộ trình như đối với lao động nam, đã dẫn đến có một số lao động nữ khi nghỉ hưu trong thời điểm này bị giảm tỷ lệ hưởng lương hưu từ 1% đến 10% so với thời điểm nghỉ hưu tại năm 2017 (tùy theo thời gian đóng BHXH và thời điểm nghỉ hưu của từng trường hợp). Do đó, so với lao động nam thì quy định này chưa phù hợp nên cần phải có phương án xử lý nhằm khắc phục những bất lợi do tác động của việc thay đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021và hướng tới thực hiện tốt hơn chính sách bình đẳng giới.

Những căn cứ pháp luật và nhóm đối tượng thụ hưởng

Nghị định 153/2018/NĐ-CP nhằm mục đích hỗ trợ nhóm đối tượng lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014 so với Luật BHXH năm 2006.

Nghị định cũng quy định rõ đối tượng được bù chênh lệch lương hưu là những lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày31/12/2021 mà bị tác động giảm lương hưu do cách tính lương hưu theo quy định mới tại Luật BHXH năm 2014 chưa phù hợp và không tương ứng với cách tính lương hưu đối với lao động nam có cùng thời gian đóng BHXH như nhau, cùng bắt đầu hưởng lương hưu tại một thời điểm.

Xây dựng mức bù chênh lệch vào lương hưu đối với lao động nữ

Nghị định 153/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ, Nhà nước sẽ căn cứ vào mức lương hưu sau điều chỉnh dựa theo bảng trên để tính toán ở những lần điều chỉnh lương hưu sau này cho người lao động, theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH.

Đồng thời, người lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng và bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/6/2018 thì thực hiện điều chỉnh lương hưu theo quy định theo hai bước: Một là sẽ tính theo quy định như trên trước, sau đó, người lao động nữ sẽ được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Để bảo đảm nguyên tắc công bằng và phù hợp giữa cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và lao động nữ có thời gian đóng BHXH như nhau (từ đủ 20 năm đến dưới 30 năm), bắt đầu hưởng lương hưu tại cùng một thời điểm trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021, mức bù tỷ lệ % lương hưu cho những lao động nữ bị tác động bất lợi do cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 2 Ðiều 56 và Khoản 2 Ðiều 74 Luật BHXH năm 2014 được bù chênh lệch lương hưu. Mức bù chênh lệch lương hưu được tính bằng tỷ lệ % được bù chênh lệch nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu. Trong đó, tỷ lệ % được bù chênh lệch lương hưu cụ thể:

Mức lương hưu mới = Mức lương hưu tính theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 + Mức điều chỉnh. Trong đó, Mức điều chỉnh = Mức lương hưu tính theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 (tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu) x Tỷ lệ điều chỉnh.

Tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, cụ thể theo bảng sau:

image002

Nghị định 153/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ, mức lương hưu sau điều chỉnh là mức lương tính toán ở những lần điều chỉnh lương hưu sau này cho người lao động.

Đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày nhận lương hưu mới theo quy định tại Nghị định này, sẽ được truy lĩnh phần lương hưu chênh lệch tăng thêm giữa mức lương hưu trước và sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định.

Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm kinh phí để điều chỉnh cách tính lương hưu. Theo BHXH Việt Nam, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018-2021 và có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là khoảng trên 91.000 người./

Thành Chung

Bạn đang đọc bài viết "Chính phủ điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ nghỉ hưu giai đoạn 2018-2021" tại chuyên mục Chính sách mới. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin