Theo TI, công lý và pháp quyền hiệu quả là điều cần thiết để ngăn ngừa và chống tham nhũng ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Cả hai đều là nền tảng của nền dân chủ và thể hiện quan niệm về sự công bằng, trách nhiệm giải trình.
Miễn trừ trừng phạt tham nhũng - nơi những người lạm dụng quyền lực không phải đối mặt với hậu quả cho những tổn hại mà họ gây ra - là bản chất của sự bất công và sự thất bại của pháp quyền.
TI nhận định, công lý và pháp quyền trên toàn cầu đã suy giảm kể từ năm 2016. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài ở một số quốc gia góp phần vào xu hướng này, và ngay cả trong bối cảnh dân chủ, các cơ chế kiểm soát chính phủ đã yếu đi...
CPI năm nay cho thấy, chỉ 28 trong số 180 quốc gia được đánh giá đã cải thiện mức độ tham nhũng khu vực công của họ trong 12 năm qua và 34 quốc gia đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể. Bất chấp những tiến bộ đã đạt được trên khắp hành tinh trong việc hình sự hóa tham nhũng và thành lập các tổ chức chuyên trách để giải quyết vấn đề này, mức độ tham nhũng vẫn báo động trên toàn cầu.
Top 5 các quốc gia trong sạch nhất và tham nhũng nhất, theo đánh giá điểm CPI của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Nguồn: TI
Đánh giá về tham nhũng trong khu vực công của các quốc gia
CPI xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ theo mức độ tham nhũng trong khu vực công, theo nhận định của các chuyên gia và doanh nhân. Chỉ số dựa trên 13 nguồn dữ liệu độc lập và sử dụng thang điểm từ 0 đến 100, trong đó 0 có mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch.
Hầu hết các quốc gia không ngăn chặn được tham nhũng - với hơn 80% dân số thế giới sống ở các quốc gia có chỉ số CPI dưới mức trung bình toàn cầu là 43.
Ngoài ra, 25 quốc gia dẫn đầu về chỉ số này chỉ chiếm hơn 10% tổng dân số. Do đó, tham nhũng vẫn là một thách thức trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn hại cho hầu hết người dân.
Trong khi đó, các quốc gia đang trải qua xung đột hoặc có quyền tự do bị hạn chế cao và thể chế dân chủ yếu kém có xu hướng bị xếp hạng thấp.
Năm nay, Somalia (11 điểm), Venezuela (13 điểm), Syria (13 điểm) và Nam Sudan (13 điểm) đứng cuối bảng xếp hạng.
Yemen (16), Nicaragua (17), Triều Tiên (17), Haiti (17), Guinea Xích Đạo (17), Turkmenistan (18) và Libya (18) là những quốc gia có điểm số thấp tiếp theo.
Ở phía ngược lại, Đan Mạch (90), Phần Lan (87), New Zealand (85), Na Uy (84), Singapore (83), Thụy Điển (82), Thụy sĩ (82), Hà Lan (79), Đức (78), và Luxembourg (78) đứng đầu bảng xếp hạng.
Nhìn lại điểm CPI giai đoạn 2012-2023
Trong số 34 quốc gia đã suy giảm điểm CPI đáng kể kể từ năm 2012, có một số cái tên đáng chú ý như Thụy Điển (82) và Vương quốc Anh (71), cũng như Myanmar (20) và Venezuela (13).
28 quốc gia có cải thiện đáng kể bao gồm Seychelles (71), Guyana (40) và Ukraine (36).
Những vấn đề đáng quan tâm
Trước tiên, đó là vấn đề tham nhũng và miễn trừ trừng phạt.
Theo TI, sự hạn chế trong công cuộc chống tham nhũng trên toàn cầu hầu như không gây ngạc nhiên khi xét đến những điểm yếu "kinh niên" của hệ thống tư pháp nhằm phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng.
Việc tiếp tục thiếu nguồn lực của cơ quan tư pháp, cảnh sát và các tổ chức tư pháp khác, kết hợp với mức độ độc lập không đủ từ các nhánh khác của chính phủ khiến tham nhũng thường không bị trừng phạt. Đổi lại, sự miễn trừ rộng rãi sẽ khuyến khích những hành vi sai trái hơn nữa ở mọi cấp độ. Điều này bao gồm từ hối lộ, tham ô cho đến các âm mưu tham nhũng lớn có tổ chức, phức tạp, đó là lạm dụng quyền lực cấp cao gây ra hậu quả nghiêm trọng và lan rộng trong xã hội.
Những kẻ phạm tội tham nhũng lớn thường được hưởng lợi từ việc không bị trừng phạt, do hệ thống tư pháp trong nước “không thể hoặc không muốn” truy tố, cho dù vì bị bắt, bị can thiệp hay do thiếu quyền lực, nguồn lực và năng lực. Những kẻ lạm dụng quyền lực trốn tránh trách nhiệm giải trình và sự tổn hại lan rộng đối với các nạn nhân vẫn chưa được khắc phục.
Theo ông François Valérian, Chủ tịch TI, "tham nhũng sẽ tiếp tục phát triển mạnh cho đến khi hệ thống tư pháp có thể trừng phạt những hành vi sai trái và kiểm soát các chính phủ. Khi công lý bị mua chuộc hoặc bị can thiệp về mặt chính trị, người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả. Các nhà lãnh đạo cần đầu tư đầy đủ và đảm bảo tính độc lập của các thể chế, tuân thủ luật pháp và giải quyết tham nhũng. Đã đến lúc phải chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt cho tham nhũng".
Tiếp theo là vấn đề tham nhũng, bất bình đẳng và phân biệt đối xử.
Tham nhũng góp phần làm xói mòn công lý bằng cách hạn chế quyền tiếp cận và đe dọa nguyên tắc cơ bản về bình đẳng trước pháp luật. Khi tham nhũng chiếm lĩnh hệ thống tư pháp, những người nắm quyền lực và giàu có có thể thoát khỏi bị truy tố, kết án.
Đồng thời, nhiều bộ phận trong xã hội có thể bị loại khỏi khả năng tiếp cận công lý hoặc phải đối mặt với những chi phí bổ sung để làm được điều đó.
Trong giai đoạn từ năm 2012-2023, có 28 quốc gia cải thiện điểm CPI, 34 quốc gia bị suy giảm và 118 quốc gia "dậm chân tại chỗ". Nguồn: TI
Nghiên cứu cho thấy tác động của tham nhũng đến khả năng tiếp cận công lý không được cảm nhận đồng đều ở các nhóm xã hội. Thông thường, những nhóm nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội phải gánh chịu nhiều nhất nạn tham nhũng khi tìm kiếm công lý. Những người dễ bị tổn thương cũng thấy mình gặp bất lợi khi phải hối lộ hoặc các mối quan hệ chính trị làm ảnh hưởng đến kết quả pháp lý.
Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng có mối quan hệ củng cố lẫn nhau giữa tham nhũng và bất công xã hội. Tham nhũng thường dẫn đến sự phân biệt đối xử, vì những ưu đãi hoặc đặc quyền mà chính phủ dành cho các nhóm, cá nhân hoặc công ty cụ thể có xu hướng dẫn đến tước đoạt cơ hội của những người khác có thành tích tương tự.
Bất bình đẳng giới và mất cân bằng quyền lực khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương hơn trước một số loại hình tham nhũng, chẳng hạn như “sextortion” - lạm dụng quyền lực vì lợi ích tình dục. Các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội có nhiều khả năng trở thành mục tiêu của những kẻ tham nhũng và nhận thấy rằng chính quyền không bảo vệ họ cũng như không trừng phạt thủ phạm.
Giám đốc điều hành TI Daniel Eriksson cho rằng: "Tham nhũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất công xã hội và ảnh hưởng nặng nề đến những người dễ bị tổn thương nhất. Ở nhiều nước, những trở ngại đối với công lý dành cho nạn nhân tham nhũng vẫn tồn tại. Đã đến lúc phá bỏ các rào cản và đảm bảo mọi người có thể tiếp cận công lý một cách hiệu quả".
Làm thế nào để tạo ra một thế giới công bằng hơn?
TI cho rằng, cần tăng cường tính độc lập của hệ thống tư pháp. Bảo vệ hệ thống tư pháp khỏi sự can thiệp là điều tối quan trọng. Thúc đẩy việc bổ nhiệm dựa trên thành tích thay vì chính trị và đảm bảo rằng hệ thống có nhân sự có trình độ và được cung cấp nguồn lực phù hợp.
Làm cho công lý minh bạch hơn. Sự minh bạch có thể giúp làm sáng tỏ hoạt động của hệ thống tư pháp và khiến hệ thống này có trách nhiệm hơn. Đảm bảo dữ liệu liên quan về các phán quyết, giải quyết ngoài tòa án và việc thực thi cũng như thủ tục pháp lý, quy tắc hành chính được cung cấp công khai, có thể được công chúng xem xét kỹ lưỡng. Điều này có thể giúp ngăn chặn tham nhũng, đảm bảo luật chống tham nhũng được áp dụng và quản lý đúng đắn.
Đưa vào cơ chế giám sát và liêm chính. Đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ đặc biệt mà các thành viên của hệ thống tư pháp yêu cầu để thực hiện chức năng không bị lạm dụng. Việc lạm dụng có thể được ngăn chặn thông qua các kênh báo cáo và tố giác chuyên dụng, cũng như yêu cầu thẩm phán, công tố viên và các bên liên quan khác tiết lộ tài sản, lợi ích, đồng thời đảm bảo rằng mức lương tương xứng với công việc.
Thúc đẩy hợp tác trong hệ thống tư pháp. Các hệ thống tư pháp rất phức tạp, nhưng việc đảm bảo các thành phần khác nhau của chúng có thể hợp tác một cách hiệu quả là cần thiết. Xác định trách nhiệm rõ ràng và bổ sung là rất quan trọng để đạt được mục tiêu này...
Cải thiện khả năng tiếp cận công lý. Bảo vệ quyền tiếp cận công lý của người dân là bước đầu tiên chống lại tình trạng miễn trừ trừng phạt và tham nhũng. Các chiến lược để theo đuổi mục tiêu này bao gồm đơn giản hóa các thủ tục phức tạp, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có thể tiếp cận các thủ tục pháp lý, mở rộng định nghĩa về nạn nhân của tham nhũng để bao gồm cả các nạn nhân ngoài nhà nước và trao cho các tổ chức xã hội dân sự đủ điều kiện quyền khởi kiện, đưa ra các vụ việc tham nhũng - dù là hình sự, dân sự hay hành chính - và đại diện cho lợi ích của nạn nhân tham nhũng.
Mở rộng con đường trách nhiệm giải trình trong các vụ tham nhũng lớn. Theo TI, khi các âm mưu tham nhũng lớn được thực hiện ở những quốc gia có hệ thống tư pháp “không muốn hoặc không thể” thực thi pháp luật chống lại những kẻ phạm tội, thì các thể chế tư pháp ở các khu vực pháp lý nước ngoài có nền pháp quyền mạnh mẽ hơn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại việc miễn trừ...