Câu chuyện Đà Nẵng - Câu chuyện khác của Nguyễn Bá Thanh

Đây là chân dung tiểu thuyết, được nhìn từ những nhân vật tiểu thuyết và nhìn từ tác giả là một tiểu thuyết gia.

[caption id="attachment_141420" align="aligncenter" width="410"]Bìa cuốn tiểu thuyết Bìa cuốn tiểu thuyết[/caption]

Khi chưa đọc sách, tôi cũng không biết nhân vật Ba Danh trong tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng của Thái Bá Lợi (NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2016) có phải lấy nguyên mẫu từ ông Nguyễn Bá Thanh? Nhưng dẫu có biết, thì tiểu thuyết vẫn có nguyên tắc của tiểu thuyết, nó không hẳn 100% là chuyện đời thực. Xin trích một câu trong sách này: “Tất nhiên anh ta chưa phải là bạo chúa. Xuất thân nông dân trong gia đình cách mạng nòi, được đào tạo chính quy ngoài bắc, từng làm chủ nhiệm hợp tác xã, giám đốc nông trường, phó chủ tịch huyện, giám đốc sở nông nghiệp trước khi làm chủ tịch thành phố. Quyết đoán, làm việc gì cũng phải nhanh gọn, không cù nhầy. Táo bạo nhưng tính toán”. Như vậy là đã rõ. Vì ở Đà Nẵng chỉ có một nhân vật giống như vậy, và nhân vật đó chính là ông Nguyễn Bá Thanh - người đứng đầu TP.Đà Nẵng, người đã đưa Đà Nẵng thay hình đổi vóc để trở thành một “thành phố đáng sống” như hôm nay.

Ông Nguyễn Bá Thanh đã mất, và tiểu thuyết của Thái Bá Lợi dù được anh chuẩn bị từ rất nhiều năm rồi, nhưng chỉ sau khi ông Thanh qua đời, tiểu thuyết này mới được viết. Tôi nghĩ, nếu ông Thanh còn sống, nếu ông tiếp tục giữ những trọng trách trong guồng máy quyền lực, thì chưa chắc anh Thái Bá Lợi đã viết quyển tiểu thuyết này. Đó là sự tự trọng của nhà văn. Và cũng chưa chắc ông Nguyễn Bá Thanh đã ủng hộ để quyển sách ra đời ngay lúc ông còn tại chức, thậm chí lúc đang còn sống. Đó là sự tự trọng của một người có quyền lực nhưng biết cái gì mới là “giá trị cốt lõi” trong cuộc đời. Giá trị cốt lõi ấy đã được viết lên trong quyển sách này. Đời một con người là hữu hạn, nhưng nếu biết sống vì quê hương, vì cộng đồng, biết làm những việc tốt cho dân, thì tiếng thơm sẽ còn nối dài ngay sau khi mình đã chết.

Câu chuyện Đà Nẵng không chỉ là câu chuyện một con người, nó là câu chuyện về mục đích, về lý tưởng sống ở đời, nó là câu chuyện về những cái được của một người đã mất. Nếu không có một tầm nhìn, không có những quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm, thì Đà Nẵng dù đầy “tiềm năng và triển vọng” vẫn không thể có được như ngày hôm nay. Ông Nguyễn Bá Thanh đã làm được những điều lớn lao từ cương vị một người lãnh đạo thành phố, và từ chỗ đứng của một thường dân, một công dân bình thường của thành phố. Bởi phải yêu thành phố mình tới mức nào và phải từ chỗ đứng của một lãnh đạo, một “phó thường dân” mới có cái nhìn đa chiều và toàn diện, mới dám chịu trách nhiệm, mới quyết được, làm được những việc như ông Thanh đã làm.

Câu chuyện Đà Nẵng của Thái Bá Lợi được viết theo phong cách “tiểu thuyết bình dị”, theo kiểu một câu chuyện kể đôi lúc rề rà, đôi lúc ngẫu hứng và không hẳn đặt trọng tâm vào nhân vật chính. Đó là lối viết không theo kiểu “xưng tụng”, mà viết như chính cái nhìn tản mạn, đầy bất ngờ của cuộc sống. Chân dung của nhân vật chính cứ hiện dần lên qua cách viết ngỡ như tản mạn này. Đây là một cuộc đấu tranh nhiều khi thật căng thẳng giữa những cách nhìn nhận khác nhau về những công việc, về một con người, về một chiếc cầu mới xây, một vụ trọng án kinh tế… Tất cả đã có thể trở thành thảm họa. Nhưng rồi cuộc sống đã chứng minh: những việc làm tốt đẹp, những ý tưởng tốt đẹp khi được thực hiện vì dân vì nước sẽ có sức thuyết phục dữ dội như thế nào! Tất cả người dân Đà Nẵng hôm nay đều biết những điều đó, đều nhớ tới một con người đã khuất với lòng biết ơn, với sự kính trọng giản dị và sâu sắc.

Theo TNO

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin