Các quốc gia đã hành động thế nào để chống lại “tin giả” trong thời đại kỷ nguyên số?

(Pháp lý) - Để chống lại “tin giả” trong thời đại kỷ nguyên số, nhiều nước trên thế giới đã ban hành luật để xử lý nghiêm đối với những người tung tin đồn thất thiệt đe dọa tới trật tự công cộng hoặc gây phương hại lợi ích cũng như uy tín quốc gia.

Những vụ tung “tin giả” gây chấn động trên thế giới

Trên thực tế, tin tức giả đã có từ lâu, nhưng chỉ trong khoảng vài năm trở lại đây, cùng với sự xuất hiện của mạng xã hội, nó mới trở thành “tâm bão”. Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái về tình trạng thông tin giả do BBC World Service thực hiện, cho thấy người dùng mạng trên thế giới ngày càng lo ngại về thông tin giả mạo. Trong bản nghiên cứu được thực hiện trên 18 quốc gia, 79% số người tham gia nói rằng họ lo ngại do không thể phân biệt thông tin thật, giả trên Internet.

Một nghiên cứu tương tự cũng từng được BBC thực hiện trong năm 2010. Vào thời điểm bấy giờ, chỉ có 15 quốc gia được lựa chọn để khảo sát ý kiến người dân. Kết quả là 51% người được hỏi cho rằng chính quyền không nên kiểm duyệt thông tin trên Internet, trong khi con số trong nghiên cứu mới nhất là 59%. Nghiên cứu này đã thực hiện trên 16.000 người lớn và được phối hợp thực hiện với hãng Globescan trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2017. Chủ tịch của hãng Globescan, ông Doug Miller, nói rằng: Các con số thống kê này cho thấy rằng kỷ nguyên của "thông tin giả mạo" có thể làm giảm sự đáng tin của thông tin trực tuyến.

Trên thế giới thời gian qua đã chứng kiến vô số “tin vịt” ở nhiều lĩnh vực khác nhau khiến “khổ chủ” của những tin đồn điêu đứng, thậm chí tiêu tan sự nghiệp và gia đình. Một trong những vụ gây thiệt hại khủng khiếp là bản tin giả được đăng trên mạng xã hội Twitter của hãng tin AP hồi tháng 4/2013. "Hai vụ nổ xảy ra ở Nhà Trắng và Tổng thống Barack Obama bị thương", dòng chữ vỏn vẹn này ngay lập tức lan truyền chóng mặt và khiến Phố Wall mất khoảng 200 tỷ USD chỉ trong 3 phút. AP sau đó thông báo tài khoản của họ bị đánh cắp và không có vụ nổ nào. Dù thị trường nhanh chóng hồi phục ngay sau đó nhưng giới đầu tư vẫn hoang mang trước sức phá hoại khủng khiếp của một mẩu tin giả.

Một vụ “tin thất thiệt” điển hình nữa khiến cả thế giới bị cuốn theo là tấm ảnh các nguyên thủ nhóm G20 dự hội nghị thượng đỉnh ở Đức hồi tháng 7/2017. Trong tấm ảnh xuất hiện trên Twitter, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi chính giữa, với các nhà lãnh đạo khác vây quanh nhìn chăm chú vào ông, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bức hình sau đó được xác định là sản phẩm của Photoshop nhưng không rõ ai là người đầu tiên đăng lên mạng. Trong tấm ảnh thật, vị trí của ông Putin là chiếc ghế trống vốn dành cho Thủ tướng Anh, dựa theo bảng tên để trên bàn.

Bức ảnh giả chế cảnh các nguyên thủ thế giới vây quanh Tổng thống Nga Putin.
Bức ảnh giả chế cảnh các nguyên thủ thế giới vây quanh Tổng thống Nga Putin.)

Cộng đồng mạng thế giới còn biết nhiều đến cái tên Paul Horner, một nhà văn chuyên tung tin giả trên mạng xã hội Facebook trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Horner từng tuyên bố mình chính là lý do khiến tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Washington Post cùng năm, Horner nêu lên một thực tế là những người ủng hộ ông Trump không cần kiểm tra thông tin anh ta đưa là giả hay thật mà vẫn chia sẻ khắp nơi. Ngay cả người quản lý chiến dịch Trump khi đó là Corey Lewandowski và Eric, con trai ông Trump, cũng chia sẻ nội dung sai sự thật mà Hornet tạo ra.

Vào tháng 10/2017, trang web tin bịa Your News Wire đăng bài phỏng vấn diễn viên nổi tiếng Morgan Freeman với các trích dẫn hoàn toàn "hư cấu". Trong đó, nam diễn viên 80 tuổi đề nghị ông Trump bỏ tù bà Hillary Clinton để khôi phục niềm tin vào chính quyền Mỹ.Your News Wire cho biết Freeman đã nói như vậy khi tham gia quảng bá bộ phim tài liệu The Story of Us của National Geographic nhưng lại không trưng được bằng chứng. Thực tế Freeman là một người ủng hộ nhiệt tình của cựu Ngoại trưởng Mỹ và toàn bộ câu chuyện của Your News Wire là bịa đặt. Trước đó, Morgan Freeman từng bị tung tin đồn đã chết trên facebook, và tài khoản mang tên R.I.P Morgan Freeman (Hãy an nghỉ, Morgan Freeman) lập tức thu hút 727.000 lượt thích. Rất nhiều người vào bình luận bày tỏ sự thương tiếc dành cho một tài năng lớn của nền điện ảnh, không cần biết thông tin có thật hay không. Thời gian diễn ra bầu cử Mỹ còn có vô số các tin giả khác xuất hiện, chẳng hạn như Đức Giáo hoàng ủng hộ Donald Trump, Hillary Clinton chi 137 triệu USD mua vũ khí bất hợp pháp hoặc bà tậu biệt thự giá 200 triệu USD ở Maldives…

Tin tức giả không chỉ lũng đoạn chính trường Mỹ mà còn "gây bão" ở nhiều quốc gia khác. Vào tháng 9/2016, một video diễn văn tranh cử của ông Basuki Tjahaja Purnama, Thống đốc Jarkata, bị chỉnh sửa bằng cách tắt tiếng và ghi phụ đề bịa đặt rồi đưa lên Facebook, dẫn đến cáo buộc từ những người Hồi giáo bảo thủ rằng quan chức này phỉ báng kinh Koran. Ba cuộc biểu tình khổng lồ sau đó đã nổ ra ít ngày sau đó, khiến 1 người chết và 250 người bị thương. Purnama cũng phải hầu tòa vì cáo buộc báng bổ. Cảnh sát Indonesia sau đó nói rằng đoạn video "được làm ra để truyền bá thông tin mà có thể gây ra sự chống đối và thù hận". Thủ phạm đã bị buộc tội và anh ta khai mục đích chỉ để giải trí chứ không lường được tác động khủng khiếp của thông tin mình tung ra.

Nhiều quốc gia đã Luật hóa để xử lý hình sự hành vi tung “tin giả”

Cuộc chiến chống tin thất thiệt đã có bước chuyển mình rõ ràng, khi ngày càng có nhiều nước ban hành luật nhằm xử phạt những người tung “tin giả” và cả các trang mạng cho phép đăng tải loại thông tin đó. Tại châu Âu, Đức là quốc gia đi đầu trong việc luật hóa các quy định chống tin tức giả. Tháng 6/2017, Quốc hội Đức đã thông qua luật nhằm ngăn chặn nạn tung thông tin thù địch, phạm pháp và tin tức giả trên mạng xã hội. Động lực cho việc này có lẽ một phần xuất phát từ hiện trạng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google và Twitter đã từng trở thành "chiến địa" cho những tranh cãi nảy lửa và thù địch trước việc chính phủ Đức tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn trong cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu năm 2015.

Luật chống tin giả của Đức quy định mức phạt tiền lên tới 50 triệu euro với các mạng xã hội không loại bỏ tin giả hoặc nội dung thù địch trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo. Các trang mạng xã hội cũng được yêu cầu phải chặn các nội dung vi phạm pháp luật khác trong vòng 7 ngày. Ngoài mức phạt "khủng" với các công ty, luật cũng quy định mức phạt tới 5 triệu euro với cá nhân được công ty ủy thác trách nhiệm giải quyết vấn đề, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, cứ 6 tháng một lần, các mạng xã hội cũng phải công bố báo cáo cho biết họ đã nhận được bao nhiêu khiếu nại và giải quyết chúng như thế nào.

Bộ trưởng Tư pháp Đức, ông Heiko Maas, người thúc đẩy việc thông qua luật này cho biết: các số liệu thống kê chính thức cho thấy số vụ phạm tội gây ra vì lòng thù hận đã tăng hơn 300% tại Đức trong hai năm, trước khi Luật chống tin giả được ban hành. Sau khi Đức phê chuẩn Luật mới, Facebook cho biết sẽ phải tuyển thêm 3.000 nhân viên cùng với 4.500 nhân viên đã có của họ để tham gia công tác thẩm định, kiểm duyệt nội dung trên Facebook.

Cùng với Đức, Malaysia là một trong số không nhiều quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức ban hành và cho thực thi Luật chống tin giả. Luật của Malaysia có hiệu lực với "tin tức, thông tin, dữ liệu và các bài báo có nội dung sai hoàn toàn hoặc một phần" và bao gồm mọi dạng thức thông tin hình ảnh, âm thanh…. Theo luật này, người phạm tội tung tin giả trong và ngoài lãnh thổ Malaysia sẽ đối mặt với mức phạt lên tới 500.000 ringgit (123.000 USD) và tối đa 6 năm tù. Đáng chú ý, luật này còn áp dụng cả với người nước ngoài nếu tin giả họ phát tán gây ảnh hưởng tới Malaysia hoặc công dân Malaysia.

Salah Salem Saleh Sulaiman, công dân Đan Mạch, người đầu tiên bị xử phạt theo Luật chống tin giả của Malaysia, bị cảnh sát dẫn giải tới tòa tại Kuala Lumpur
Salah Salem Saleh Sulaiman, công dân Đan Mạch, người đầu tiên bị xử phạt theo Luật chống tin giả của Malaysia, bị cảnh sát dẫn giải tới tòa tại Kuala Lumpur)

Thái Lan cũng đã có Luật An ninh mạng, trong đó có điều khoản quy định những người gieo rắc tin giả sẽ đối mặt với án tù lên tới 7 năm. Cùng với đó, chính phủ quân đội Thái Lan cũng áp dụng những biện pháp trừng phạt mạnh tay với các trường hợp xúc phạm hoàng gia Thái Lan trên mạng hay ở những nơi khác. Ngoài ra tháng 12/2017, Bộ Y tế Cộng đồng Thái Lan đưa vào hoạt động một ứng dụng mới trên smartphone có tên "Media Watch" nhằm giúp công chúng có công cụ thể thông báo về những tin tức theo họ là giả hoặc gây nhiễu dư luận mà họ đọc được trên mạng.

Tháng 12/2017, đảng cầm quyền Ireland, Fianna Fail, đã đệ trình lên Quốc hội Ireland dự luật nhằm giải quyết tình trạng tin tức giả trên mạng xã hội. Dự luật có tên Dự luật (về sự minh bạch) của mạng xã hội và quảng cáo online. Trong đó nêu rõ việc sử dụng các "bot" (tài khoản tự động trên mạng xã hội) để thao túng các cuộc tranh luận chính trị và gây ảnh hưởng cho các chiến dịch tranh cử là phạm pháp. Dự luật đề nghị mức phạt cao nhất lên tới 10.000 euro hoặc 5 năm tù với trường hợp vi phạm. Trong những vi phạm nhẹ hơn, mức phạt là 500 euro hoặc 6 tháng tù.

Tại Anh, mặc dù cơ quan quản lý truyền thông nước này (OFCOM) đã xác định những doanh nghiệp như Google và Facebook cần được xếp loại là đơn vị truyền thông và phải có trách nhiệm với tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ, nhưng cho tới nay Anh vẫn chưa có luật cụ thể nào giải quyết vấn đề tin giả.
Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron cũng là người có tiếng nói lên án mạnh mẽ với tin giả thời gian qua, và dư luận đồ rằng nước Pháp cũng sẽ sớm công bố một luật mới để giải quyết vấn đề này. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xúc tiến các kế hoạch ngăn chặn, trấn áp tin giả để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019. Tuy nhiên cho tới nay, Brussels vẫn chưa có một dự luật cụ thể nào chống tin giả.

Sau những bước đi mạnh mẽ của Malaysia và Thái Lan trên mặt trận chống tin giả, tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia cũng đang đẩy mạnh các thủ tục lập pháp để sớm có một luật chính thức giải quyết vấn đề này. Tại Singaproe, một ủy ban quốc hội đã và đang đánh giá các biện pháp luật khả thi để ngăn chặn nạn cố ý tung tin giả trên mạng. Tại Philippines, việc truyền bá các thông tin giả mạo bị coi là phạm tội hình sự. Theo đạo luật được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký ngày 31/8 năm ngoái, hình phạt tối đa đối với đối tượng vi phạm có thể lên tới 6 tháng tù giam, kèm khoản nộp phạt 200.000 peso (khoảng 3.900 USD). Đạo luật bổ sung Bộ Luật hình sự sửa đổi trước đó cũng đã được Quốc hội Philippines thông qua, với nhiều quy định xử phạt nghiêm ngặt hơn. Theo nội dung đạo luật mới, bất kỳ tin đồn thất thiệt nào đe dọa tới trật tự công cộng hoặc gây phương hại lợi ích cũng như uy tín quốc gia đều sẽ bị xử phạt. Đối tượng vi phạm sẽ chịu án tù giam từ hơn 1 tháng cho tới 6 tháng, đồng thời phải nộp phạt từ 40.000 peso tới 200.000 peso.

 Các cuộc biểu tình phản đối Basuki Purnama ở Jakarta xuất phát từ video bịa đặt.
Các cuộc biểu tình phản đối Basuki Purnama ở Jakarta xuất phát từ video bịa đặt.)

Kết quả khảo sát do Cơ quan quản lý viễn thông quốc gia AgCom của Italy thực hiện năm 2017 đối với 14.000 người cho thấy 80% số người được hỏi có xem tin tức hàng ngày, trong đó 70% nắm tin tức qua xem ti vi, 42% trên mạng Internet, 25% nghe đài và 17% đọc báo hằng ngày.

Trong số những người Italy lên mạng Internet, ngày càng nhiều người tìm kiếm thông tin qua cái gọi là "nguồn algorithmic", ví dụ các công cụ tìm kiếm, blogs, các phương tiện truyền thông xã hội. Số người này đã tăng từ 62% hồi tháng 6/2015 lên 70% trong tháng 4/2017. AgCom đã phải cảnh báo rằng việc tìm kiếm tin tức từ "nguồn algorithmic" là rất nguy hiểm bởi nó dẫn tới những "dạng bệnh lý" như thái độ phân cực, từ đó gây nên ảo tưởng về tư tưởng và dẫn tới sự lan tràn tin giả, những phát ngôn mang tính hận thù... trên các trang mạng.

Việt Nam xử phạt người đưa tin giả, tin độc như thế nào?

Tại Việt Nam, những loại tin tức giả cùng với các thông tin xấu độc trên mạng trực tuyến nằm trong những loại tin tức bị cấm theo nghị định 72/2013/NĐ-CP, ban hành ngày 15-7-2013, được quy định cụ thể tại điểm d và e, khoản 1, điều 5.

Các hành vi bị cấm bao gồm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hành vi phát tán tin tức giả sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định 174. Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 122 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ ba tháng đến bảy năm về tội vu khống.

H.Dương (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin