Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng

05/05/2020 08:13

(Pháp lý) - Những năm qua, việc thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng đã đạt được nhiều thành tựu, từ đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung ở nước ta. Nhưng cũng còn đó những tồn tại cần khắc phục trong cả việc tổ chức phát triển phong trào thi đua cho đến thực hiện công tác khen thưởng.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn và trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; phát huy truyền thống thi đua ái quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới cần triển khai theo hướng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thi đua, khen thưởng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”.

Việc thực hiện pháp luật nói chung và pháp luật thi đua, khen thưởng nói riêng phải phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Từ đó yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng cũng phải có những thay đổi để thích ứng. Để đạt được điều đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1. Nhóm các giải pháp trong công tác lãnh đạo thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng

1.1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Cần chú ý khắc phục những biểu hiện buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Trong mọi lĩnh vực, thi đua đã hòa vào công việc hằng ngày, từ những công việc giản đơn cho đến phức tạp, từ tập thể nhỏ cho tới tập thể lớn. Do đó, công tác thi đua, khen thưởng phải được sự quan tâm, lãnh đạo cụ thể, sâu sát, kịp thời và thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu. Cần triệt để chống các biểu hiện quan liêu, hình thức, ngại khó khăn trong tổ chức thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng trong cơ quan, tổ chức mình quản lý. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên phải tích cực vận động quần chúng tham gia các phong trào thi đua và phải gương mẫu đi đầu tham gia phong trào thi đua do cơ quan, đơn vị tổ chức.

Công tác khen thưởng phải thực hiện theo hướng “khen trúng, thưởng xứng”, “đúng người, đúng việc”, từ đó mới có tác động tích cực ngược trở lại tới phong trào thi đua. Cần kết hợp giữa khen thưởng bằng vật chất với tinh thần nhằm động viên, khuyến khích quần chúng nhân dân, người lao động phát huy sức mạnh cá nhân, tạo nên môi trường thi đua lành mạnh, là nơi mọi cá nhân có thể phát triển được những sở trường, những điểm mạnh của mình.

Ngoài ra, cấp ủy Đảng cũng cần hết sức quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng vừa đủ về số lượng, vừa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập quốc tế. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, quyết định chất lượng công tác tham mưu và kết quả triển khai tổ chức thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng trong từng cơ quan, tổ chức cũng như trong cả nước nói chung.

1.2. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức trong thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng

Việc bảo đảm thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng cũng như chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong cơ quan, tổ chức là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó. Tuy nhiên trên thực tế, do nhận thức về vai trò công tác thi đua, khen thưởng chưa được chính xác, nên sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chưa đầy đủ, toàn diện. Biểu hiện điển hình đó là công tác thi đua, khen thưởng trong cơ quan, đơn vị chủ yếu được giao quyền cho cấp phó (nhiều nơi, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng đơn vị là cấp phó chứ không phải thủ trưởng đơn vị). Điều đó một mặt không thực hiện đúng quy định pháp luật, mà thể hiện sự quan tâm chỉ đạo không đúng mức, chưa đầu tư thời gian tương xứng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các phong trào thi đua. Nhiều nơi còn tình trạng khoán cho bộ máy và cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng; không có quy chế, quy định về công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị. Công tác thi đua, khen thưởng chỉ đơn thuần là thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, từ đó làm cho công tác này mang nặng tính hành chính.

Vì vậy, để công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện theo đúng pháp luật, đòi hỏi thủ trưởng cơ quan các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi đua, khen thưởng. Cần coi kết quả và chất lượng công tác thi đua, khen thưởng là một tiêu chí đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hằng năm. Đặc biệt, cần quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp.

1.3.Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng

Trong việc bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng còn xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực như chủ quan, cảm tính, nể nang….Từ đó đã có một số cá nhân, tập thể lợi dụng những khoảng trống trong quy định, cũng như năng lực quản lý của người thực hiện nhiệm vụ để kê khai gian dối thành tích để được khen thưởng, ngược lại, có những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích thì không được xem xét đề nghị khen thưởng. Do đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng công tác giám sát, kiểm tra thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng, cần có cơ chế giám sát của xã hội. Đó là phải công khai trình tự, thủ tục về tổ chức triển khai thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng trong phạm vi quản lý. Danh sách các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cần phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức để lấy ý kiến của nhân dân. Lưu ý các khâu trong xét khen thưởng từ cấp cơ sở đến cấp khen thưởng phải được công khai lấy ý kiến, chứ không chỉ lấy ý kiến ở cấp có thẩm quyền khen thưởng. Nhiều trường hợp cấp cơ sở bỏ qua việc lấy ý kiến mà đã tiến hành thẩm định, trình xét khen thưởng lên cấp trên, tới khi cấp trên lấy ý kiến mới phát hiện ra sai sót.

2. Nhóm các giải pháp về đội ngũ cán bộ

2.1 Nâng cao nhận thức trong thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng

Để mọi người thực hiện tốt pháp luật thi đua, khen thưởng, trước hết phải chú trọng vào hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để hình thành ý thức pháp luật cho mọi người. Ý thức pháp luật thi đua, khen thưởng là tiền đề tư tưởng trực tiếp nhất cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng là một công việc quan trọng cơ bản trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Một mặt, qua công tác tuyên truyền, làm cho quần chúng nhân dân, người lao động hiểu được vai trò, nội dung, tác dụng của thi đua, khen thưởng, từ đó tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao nhận thức về mặt pháp lý, ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành góp phần ổn định xã hội. Mặt khác, qua công tác tuyên truyền còn giúp cơ quan, tổ chức thu nhận những thông tin ngược chiều, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, ý kiến của quần chúng nhân dân, người lao động trong quá trình thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Đây là căn cứ thực tiễn quan trọng để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật và là cơ sở để xây dựng những chính sách thi đua, khen thưởng.

2.2. Nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng

Củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trong việc tham mưu cho thủ trưởng đơn vị tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện công tác khen thưởng theo quy định của pháp luật. Quan tâm kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của các bộ, ngành, địa phương.

Cần tập trung kiện toàn, xây dựng đội ngũ đảm bảo số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng các đơn vị, địa phương nêu cao trách nhiệm trong công tác tham mưu, đề xuất với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua; thực hiện công tác khen thưởng đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu; phát hiện và đề nghị khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các phong trào thi đua. Có nhiều biện pháp nắm bắt thông tin dư luận quần chúng để tham khảo khi thẩm định và xét khen thưởng, nhất là đối với doanh nhân, doanh nghiệp, đảm bảo tính ổn định và phát triển.

2.3. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ

Thực hiện Thông báo số 120-TB/TW ngày 18/01/2013 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng: “Đồng ý đưa các nội dung về thi đua, khen thưởng vào chương trình giảng dạy trong các trường chính trị cấp tỉnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh”, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn chương trình đào tạo về công tác thi đua, khen thưởng để giảng dạy trong chương trình Cao cấp lý luận chính trị và Trung cấp lý luận chính trị. Hiện nay, công tác thi đua, khen thưởng đã được đưa vào giảng dạy từ năm học 2017-2018 trong chương trình Cao cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 do Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức

3. Hạn chế các yếu tố tác động đến tính độc lập của việc khen thưởng

Thứ nhất, yếu tố quyền lực. Đây là yếu tố xuất phát từ chủ thể có quyền lực. Là áp lực do ý chí chủ quan của cá nhân có quyền lực tạo ra đối với bộ phận làm công tác khen thưởng. Đó có thể là khen đối với đối tượng chưa đủ điều kiện, thậm chí không đúng đối tượng hoặc có thể là không khen đối với người đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn. Hoặc có thể đưa ra một chính sách khen thưởng không đúng với pháp luật, không phù hợp với tình hình thực tế của môi trường lao động trong cơ quan, đơn vị. Quyết định, sự chỉ đạo của người lãnh đạo trong trường hợp này thường dựa trên sự cảm tính, chủ quan của cá nhân.

Thứ hai, yếu tố “sính khen thưởng” hay còn gọi là bệnh thành tích. Yếu tố này xuất phát từ chủ thể yêu cầu được khen. Cá nhân, tổ chức nào cũng thích khen, đó là tâm lý chung của xã hội. Nhưng cần phải “khen trúng”, cần phải khen “đúng người, đúng thành tích”. Nhưng do tâm lý của người lao động, tập thể khi đề nghị khen, họ muốn “lần sau phải khen cao hơn lần trước”, “kỷ niệm ngày thành lập đơn vị không có khen không được”… Do đó, họ tìm cách để được khen. Điều này gây khó khăn rất nhiều đối với người làm công tác khen thưởng.

Thứ ba, yếu tố “chính trị”. Yếu tố này do sự đánh giá tính “có lợi” và “có hại” của bộ phận khen thưởng xác định và tham mưu cho lãnh đạo trong trường hợp khen hoặc không khen; trong việc đề xuất chính sách khen thưởng mới hoặc hủy bỏ chính sách khen thưởng hiện hành. Có thể tuy không đúng đối tượng, không đủ tiêu chuẩn, nhưng bộ phận khen thưởng nhận thấy nếu không khen thì sẽ ảnh hưởng không tốt tới quyền lợi của đơn vị, ảnh hưởng tới quan hệ với các đơn vị khác, ảnh hưởng đến môi trường lao động… Từ đó họ cân nhắc để tham mưu cho thủ trưởng ra quyết định.

4. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng

Thứ nhất, làm rõ chế độ trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể, giữa người ra quyết định và bộ phận tham mưu trong việc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng. Điều đó đòi hỏi phải có sự phân công, phân cấp rõ ràng, trước hết được quy định trong quy chế, quy định công tác thi đua, khen thưởng ở cơ quan, tổ chức.

Thứ hai, phân tách được các chủ thể và chế tài áp dụng tương ứng trong xử lý vi phạm thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng bằng thủ tục hành chính và thủ tục tư pháp. Các chủ thể tham gia các khâu trong công tác khen thưởng chủ yếu là: Người kê khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; Người xác nhận vào tính chính xác của hồ sơ đề nghị khen thưởng; Người thẩm định hồ sơ khen thưởng; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trình khen thưởng; Người có thẩm quyền quyết định khen thưởng.

Thứ ba, hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định trách nhiệm pháp lý và hậu quả pháp lý mà các chủ thể phải gánh chịu nếu vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng. Quy định thành những điều khoản cụ thể trong hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật hình sự các vi phạm trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng. Các quy định này cần dựa vào sự phân nhóm chủ thể như trên và hình thức chế tài tương ứng với các vi phạm.

Thứ tư, công khai các vi phạm và tăng cường giám sát việc xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng, khắc phục tình trạng né tránh trong việc xác định và xử lý các hành vi vi phạm. Các kết luận thanh tra và kết quả giám sát thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng phải được công khai trong đơn vị và việc xử lý các vi phạm đó cần phải được giám sát thực hiện chặt chẽ.

ThS. Nguyễn Thế Anh
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Bạn đang đọc bài viết "Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin