Sáng 27/2, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã đưa vụ án nghiêm trọng gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – chi nhánh Minh Hải ra xét xử. Bên cạnh sai phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại chi nhánh, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của VDB cũng là vấn đề cần quan tâm.
Giải ngân nghìn tỷ từ hồ sơ khống
Kết quả điều tra cho thấy, một nhóm 7 doanh nghiệp (DN) đã lập hồ sơ không đúng sự thật nhằm mục đích vay vốn tín dụng xuất khẩu tại VDB Minh Hải. Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền thiệt hại mà các DN này gây ra cho VDB là 1.400 tỷ đồng.
Các DN này đều hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, nợ nần ngân hàng. Vào các năm 2009, 2010, 2011, Nhà nước có chính sách tín dụng hỗ trợ xuất khẩu, lợi dụng chính sách này, 7 DN đã làm hồ sơ gian dối, ký các hợp đồng xuất khẩu khống để được vay vốn. Số tiền giải ngân được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau không đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng, số vốn mua nguyên liệu rất ít.
Đơn cử, DN tư nhân (DNTN) Ngọc Sinh đã lập báo cáo tài chính, phương án kinh doanh không đúng với tình hình sản xuất kinh doanh để vay vốn VDB Minh Hải. Báo cáo gửi ngân hàng là lãi nhưng báo cáo gửi cơ quan thuế lại lỗ. Từ ngày 9/7/2009 đến ngày 9/6/2010, DNTN Ngọc Sinh đã được giải ngân 40 lần với tổng số tiền 303 tỷ đồng. Số tiền này, DNTN Ngọc Sinh không dùng phục vụ kinh doanh xuất khẩu như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng, dẫn đến không có tiền trả nợ vay cho VDB Minh Hải.
Tại Công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Việt Hải, hoạt động kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, mất cân đối tài chính, dư nợ tại các ngân hàng lên cao. Do khó khăn về tài chính, Nguyễn Tấn Hải (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) đã làm hồ sơ gian dối, ký khống hợp đồng xuất khẩu để vay vốn tín dụng xuất khẩu tại VDB Minh Hải lấy tiền duy trì hoạt động và trả nợ ngân hàng. Từ tháng 9/2009 đến tháng 6/2010, Công ty Việt Hải được giải ngân 101 tỷ đồng nhưng thực tế số tiền bỏ ra mua nguyên liệu đầu vào chỉ có 16,1 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, tổng thiệt hại của Ngân hàng là 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực hiện theo Đề án xử lý nợ xấu tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại VDB, ngân hàng này sẽ xóa lãi phạt cho các DN trong vụ án với tổng số tiền hơn 300 tỷ đồng. Việc này đã được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận và xác định số thiệt hại là 1.069 tỷ đồng
Chi nhánh buông lỏng, trách nhiệm hội sở ở đâu?
Theo cơ quan công tố, thiệt hại xảy ra tại VDB Minh Hải là do cán bộ ngân hàng này thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình, quy định trong hoạt động tín dụng xuất khẩu.
VDB là ngân hàng 100% vốn nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Ngân hàng này có nhiệm vụ hỗ trợ vốn cho các DN trong lĩnh vực tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu. VDB Minh Hải được thành lập trên cơ sở sáp nhập VDB Cà Mau và Bạc Liêu. Từ trước năm 2009, hoạt động cho vay tín dụng xuất khẩu của Chi nhánh đã có dấu hiệu mất an toàn nguồn vốn, các DN vay vốn sử dụng không đúng mục đích, không có khả năng trả nợ. Cuối năm 2009, đầu năm 2010, VDB Việt Nam đã tiến hành kiểm tra xác định dư nợ tại VDB Minh Hải là 1.173 tỷ đồng, nợ quá hạn 1.055 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, nợ quá hạn đã được Trụ sở chính kết luận là do sai phạm trong hoạt động cho vay của một số cán bộ Chi nhánh.
Theo cơ quan công tố, thiệt hại xảy ra là do cán bộ VDB Minh Hải đã buông lỏng quản lý, thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình, quy định trong hoạt động tín dụng xuất khẩu. Chi nhánh Minh Hải đã vi phạm quy định về thẩm định hồ sơ vay, không kiểm tra, đối chiếu nên không phát hiện việc DN lập khống báo cáo tài chính.
Sai phạm lớn nhất là ông Trịnh Tuấn Mẫn (61 tuổi, Giám đốc VDB Minh Hải từ khi thành lập đến tháng 2/2011). Bị can này bị cáo buộc không chỉ đạo, yêu cầu Phòng Tín dụng xuất nhập khẩu thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật như thẩm định, kiểm tra tình hình tài chính, khả năng sản xuất kinh doanh thực tế của các DN xin vay vốn.
Trong gần 3 năm làm lãnh đạo VDB Minh Hải, ông Mẫn ký 70 hồ sơ thẩm định cho vay trên 376 tỷ đồng, ký 90 hợp đồng tín dụng xuất khẩu cho vay gần 672 tỷ đồng (ký 61 hồ sơ giải ngân 240 tỷ đồng).
Mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng xác định VDB Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy định về cho vay, có công văn trong đó yêu cầu tuyệt đối không được phát sinh nợ quá hạn và giải ngân đảo nợ, nghiêm cấm cho vay đảo nợ..., trách nhiệm của các sai phạm thuộc về các lãnh đạo, cán bộ Chi nhánh. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, không thể không nhắc tới trách nhiệm kiểm tra giám sát của VDB khi để chi nhánh xảy ra nhiều sai phạm, thiệt hại.
Theo Đấu Thầu