Bộ Tư pháp đang rà soát, đánh giá Bộ luật Hình sự để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp

22/04/2020 10:26

Ngày 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, thảo luận và nhất trí với tờ trình. Trong đó, trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 thì Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình.

Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua 10 Dự án Luật, cho ý kiến về 6 Dự án Luật

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 44, thừa uỷ quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Về nội dung đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2021, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2021 gồm 08 dự án, cụ thể như sau: Tại Kỳ họp thứ 11, là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 02 dự án vào Chương trình thông qua là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), đây là dự án thuộc Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 của Quốc hội; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đây là dự án Chính phủ đang đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2020.

Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án vào Chương trình kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – Ảnh: QH.VN

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chương trình thông qua gồm 01 dự án được gối từ Chương trình năm 2020 sang theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 (Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV). Chương trình cho ý kiến, gồm 05 dự án: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo. Cụ thể như sau: Bổ sung vào Chương trình 08 dự án, dự thảo, trong đó có 02/08 dự án, dự thảo đã được Chính phủ đề nghị bổ sung theo Tờ trình số 49/TTr-CP ngày 14/02/2020; 06/08 dự án được bổ sung theo Tờ trình này. Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với 03 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Đưa ra khỏi Chương trình 01 dự án là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Điều chỉnh phạm vi sửa đổi, từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án, dự thảo thuộc Chương trình năm 2020 sẽ là 24 dự án, tăng 07 dự án so với Nghị quyết số 78/2019/QH14. Số lượng dự án như trên là tương đương với các năm 2017, 2018, 2019 và có thể bảo đảm tính khả thi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết một số thông tin về các dự án đã rút ra khỏi Chương trình giai đoạn 2016 – 2019; Các dự án luật, pháp lệnh cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và triển khai thi hành Hiến pháp; Các dự án luật cần phải sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Ảnh: QH.VN

Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đang tiến hành việc rà soát, đánh giá các quy định của Bộ luật Hình sự để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Qua kết quả rà soát sơ bộ cho thấy, về cơ bản, pháp luật của Việt Nam đã đảm bảo phù hợp với quy định của Hiệp định liên quan đến xử lý hành vi nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa sao lậu quyền tác giả và quyền liên quan trong phạm vi hành vi phân phối, xử lý trách nhiệm của pháp nhân. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Chính phủ xem xét để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 để thực thi Hiệp định, Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình.

Thảo luận sôi nổi

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. Qua thẩm tra, nhiều ý kiến Ủy ban Pháp luật đánh giá trong việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế như: tính dự báo không cao; việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung thêm dự án vẫn diễn ra phổ biến, trong đó không ít dự án được đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; tình trạng xin lùi, rút dự án do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn; việc lấy ý kiến nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp, đối tượng lấy ý kiến chưa đầy đủ; việc rà soát để nhận diện các quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo để dự kiến sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo trong một số trường hợp chưa được chú trọng; tình trạng chậm gửi hồ sơ dự án vẫn còn.

Thảo luận về Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, các thành viên đã thảo luận sôi nổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá năm 2019 Chính phủ đã rất cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu cuộc sống; có nhiều Luật khó nhưng đã hoàn thành được các mục tiêu; số Dự án Luật rút ra so với các Kỳ trước tương đối ít. Tuy nhiên, đề nghị cần làm tốt những dự án Luật đã được đưa vào trong Chương trình, cân nhắc kỹ những luật mới đưa vào, kiểm soát, đảm bảo chất lượng và về thời gian, không thể vội vàng, đảm bảo độ chín của các Dự án Luật. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về đề nghị đưa vào Chương trình Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề nghị Chính phủ xem lại nội dung này về tên và một số vấn đề thuộc nội dung của Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh cần đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh một Luật mới được ban hành lại có xung đột với những luật hiện hành; cần có điều kiện, thời gian rà soát để xây dựng hệ thống phải luật đảm bảo bám sát với đời sống. Đồng thời đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ càng sớm càng tốt để cùng chung tay giảm thiểu tai nạn an toàn giao thông, đảm bảo trật tự giao thông tốt hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị đối với mỗi Dự luật thì cơ quan trình cần làm rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Dự án. Đề nghị cần có sự nghiêm túc hơn nữa trong sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, không chỉ đơn thuần là cơ quan trình Dự án Luật; ít nhất là Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp cần có sự tham gia sát sao với tất cả các Dự án Luật. Ngoài ra, cần đẩy nhanh hơn lộ trình của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để phát huy tốt năng lực của ngành y nước ta.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020; đồng thời đề nghị các Dự án Luật trình cần phải đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với những đánh giá về tình hình thực hiện về tình hình thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2019, đầu năm 2020; tán thành nguyên tắc lập đề nghị về Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tại Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua 10 Dự án Luật; cho ý kiến về 6 Dự án Luật.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/bo-tu-phap-dang-ra-soat-danh-gia-bo-luat-hinh-su-de-de-xuat-bien-phap-xu-ly-phu-hop

Bạn đang đọc bài viết "Bộ Tư pháp đang rà soát, đánh giá Bộ luật Hình sự để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin