Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về hành vi VPHC về mua bán, xử lý nợ của tổ chức tín dụng và công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Để bảo đảm phù hợp với quy định về đối tượng tại Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) và bảo đảm tính thống nhất trong toàn ngành Ngân hàng cũng như bảo đảm công bằng cho các đối tượng xử phạt, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung Điều 2 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể đối tượng xử phạt vi phạm hành chính.Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về hành vi VPHC về mua bán, xử lý nợ của tổ chức tín dụng và công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về mức phạt tiền tại Điểm b Khoản 3 Điều 3 theo hướng quy định liệt kê cụ thể các trường hợp có quy định trực tiếp đối tượng vi phạm là tổ chức làm rõ chỉ trong các trường hợp được loại trừ mới áp dụng trực tiếp mức phạt tại Chương II Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, còn các trường hợp không được loại trừ trực tiếp thì cho dù hành vi vi phạm chỉ tổ chức mới có thể thực hiện vẫn phải áp dụng nguyên tắc nhân đôi mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 96/2014/NĐ-CP.
Về mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm, Dự thảo Nghị định đã bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo đối với một số hành vi vi phạm hành chính không nghiêm trọng như: hành vi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; hành vi mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; hành vi không cập nhật thông tin về việc lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian, chấm dứt hoạt động máy giao dịch tự động trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;...
Đồng thời, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngoại hối và kinh doanh vàng căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi, ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng bị xử phạt, bảo đảm tính khả thi.
Ngoài các nguyên tắc đã quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, căn cứ vào thực tiễn thực hiện quản lý nhà nước và thực tế xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, tại dự thảo Nghị định đề nghị bổ sung vào Điều 3 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính 03 nguyên tắc.
Ngoài ra, căn cứ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, trên cơ sở trách nhiệm, nghĩa vụ và điều cấm tại các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành từ khi Nghị định 96/2014/NĐ-CP đến nay, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các hành vi vi phạm theo nguyên tắc sau: (1) Bãi bỏ các hành vi vi phạm trong Nghị định 96/2014/NĐ-CP nhưng pháp luật đã quy định không còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và điều cấm; (2) Sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm là trách nhiệm, nghĩa vụ và điều cấm đã được sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới tại các VBQPPL; (3) Rà soát các quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP và các Nghị định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để loại trừ các VPHC đã được quy định tại các lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng; đồng thời, căn cứ tính chất vi phạm đặc thù để quy định tại dự thảo Nghị định với mức xử phạt phù hợp.
Theo Thời báo ngân hàng
Nguồn bài viết: http://antt.vn/bo-sung-hanh-vi-vi-pham-trong-mua-ban-xu-ly-no-cua-tctd-vao-xu-phat-hanh-chinh-262699.htm