Bất cập trong qui định pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện và kiến nghị hoàn thiện

20/12/2022 11:09

(Pháp lý). Tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chính sách nhân đạo được áp dụng đối với đối tượng biết hối cải, cải tạo tốt…Tuy nhiên thực tế áp dụng có một số bất cập trong các qui định của pháp luật cần hoàn thiện.

anh-minh-hoa-1-1671421718.jpg

Những tháng ngày sau song sắt trại giam, nhiều phạm nhân biết ăn năn hối cải và cải tạo tốt để mong được tha tù trước hạn.

 

Bất cập

Thứ nhất, việc chưa đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thời điểm tính thời gian thử thách. Theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tha tù trước thời hạn như sau: “3. Theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù”.

Điều luật quy định Tòa án quyết định áp dụng biện pháp này theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền. Khi quyết định tha tù trước thời hạn, Tòa án ấn định thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù chưa chấp hành và buộc người bị kết án phải thực hiện các nghĩa vụ nhất định. Do vậy, thời điểm được bắt đầu tính thời gian thử thách là thời điểm người phải chấp hành án chính thức được thả tự do từ cơ sở giam giữ, tức là ngày tổ chức công bố quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án cho phạm nhân biết.

Tuy nhiên trong quá trình áp dụng đã có sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật với nhau. Cụ thể, tại mục 2 Công văn số 170/TANDTC-PC ngày 01/8/2018 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thực hiện quy định của BLHS năm 2015, Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP của TANDTC hướng dẫn áp Điều 66 và Điều 106 BLHS. Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP quy định như sau: “Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách kể từ ngày quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao và quy định của BLHS và BLTTHS năm 2015 chưa có sự thống nhất với nhau, từ đó sẽ dẫn đến việc hiểu và áp dụng quy định này của các cơ quan tư pháp ở địa phương không thống nhất.

Ngoài ra, trong trường hợp kháng nghị thì quyết định có hiệu lực pháp luật phải đủ 15 ngày theo quy định của pháp luật. Nên việc tính thời gian thử thách là ngày tổ chức công bố quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án cho phạm nhân biết, nhưng sau đó bị kháng nghị và tòa án cấp trên chấp nhận kháng nghị. Điều này dẫn đến Tòa án cấp trên tiến hành hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Việc hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ gây ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật vì sẽ tiến hành bắt giữ lại để tiếp tục chấp hành hình phạt tù hay trở về cộng đồng. Hiện nay, quy định pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong quá trình áp dụng thực tiễn.

Thứ hai, về quy định xét tha tù trước thời hạn có điều kiện “không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội”. Theo quy định khoản 7, Điều 2 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP, hướng dẫn việc áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện như sau: “Khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện phải xem xét thận trọng, chặt chẽ để bảo đảm việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội,…”. 

Việc xác định phạm nhân nếu được tha tù trước thời hạn có điều kiện có ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự hay không hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức của chính quyền địa phương nơi người nếu được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú, mà chưa có những căn cứ pháp lý cụ thể nên dẫn đến thiếu chặt chẽ gây khó khăn trong việc áp dụng. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể trách nhiệm đối với cơ quan nào có trách nhiệm và thẩm quyền xác minh các điều kiện theo luật định như “không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội” gây ra rất nhiều bất cập.

Thứ ba, bất cập trong việc xác định thời gian mở phiên họp quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo quy định tại khoản 4 Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện.
 Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu phải ra văn bản thể hiện quan điểm về việc đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan đề nghị. Trong trường hợp, Tòa án yêu cầu cơ quan lập hồ sơ bổ sung tài liệu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan lập hồ sơ phải bổ sung tài liệu và gửi cho Viện kiểm sát, Tòa án.

Việc quy định thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu để bổ sung tài liệu thì có năm trong khoảng 15 ngày nêu trên hay không? Bổ sung xong thì thời hạn Tòa án mở phiên họp khi nào? Hiện nay, vẫn chưa được quy định cụ thể dẫn đến có thể gây ảnh hưởng đến quá trình họp xét quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện theo hướng đồng bộ giữa các văn bản pháp luật. Cần đưa ra thống nhất về thời gian tính thử thách đối với phạm nhân có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân. Do đó, tác giả đề xuất sửa khoản 9 Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

9. Ngay sau 15 ngày kể từ ngày được nhận quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật, cơ sở giam giữ phải tổ chức công bố quyết định này và thực hiện các thủ tục thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Thời gian thử thách tha tù trước thời hạn có điều kiện tính từ ngày cơ sở giam giữ tiến hanh tha cho phạm nhân…”.

Thứ hai, về điều kiện “không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” quy định tại Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP. Quy định này chưa thực sự rõ ràng, cụ thể còn mang tính tùy nghi, chưa có các căn cứ cụ thể để đánh giá các điều kiện trên nên sẽ dẫn đến việc đánh giá mang tính chất chủ quan, cảm tính và không đảm bảo được sự khách quan.

Cần có hướng dẫn cụ thể như thế nào là người được tha tù trước thời hạn có điều kiện “không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” và đồng thời quy định thẩm quyền cụ thể cho cơ quan nào tiến hành xác minh nội dung này.

Thứ ba, về việc xác định thời gian mở phiên họp xét quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Cần quy định rõ thời gian 03 ngày có nằm trong thời gian 15 ngày hay không. Ngoài ra, quy định cụ thể thời gian mở lại phiên họp xét quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Việc quy định cụ thể từng mốc thời gian mở phiên họp quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng và đảm bảo thời gian quá trình xét quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện./.

Nguyễn Phi Hùng

(Tòa án Quân sự Quân khu 4)

Bạn đang đọc bài viết "Bất cập trong qui định pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện và kiến nghị hoàn thiện" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin