(Pháp lý) - Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đối tượng áp dụng là người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động và có HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động (NSDLĐ) tại Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/12/2018. Riêng các chế độ quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Mức đóng, phương thức đóng BHXH và thời gian thực hiện
Từ ngày 01/01/2022, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động: 3% vào quỹ ốm đau thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/2022. Căn cứ vào khả năng cân đối quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng từ ngày 01/01/2020.
Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc thì người lao động - người sử dụng lao động chỉ đóng BHXH đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên. Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải đóng theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.
Các chế độ BHXH người lao động được hưởng
Chế độ ốm đau: Điều kiện hưởng thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH. Thời gian hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật BHXH. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật BHXH. Mức hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật BHXH. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật BHXH.
Chế độ thai sản: Điều kiện hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH. Thời gian hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 36, 37 Luật BHXH. Mức hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại các Điều 38, 39 Luật BHXH. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật BHXH. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật BHXH. Thời gian hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 36, 37 Luật BHXH.
Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại các Điều 45, 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Người lao động được giám định mức suy giảm khả năng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Mức hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại các Điều 48, 49, 51, 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động;
Thời điểm hưởng trợ cấp thực hiện theo quy định tại Điều 50 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Trợ cấp khi người lao động chết tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP.
Ngoài ra, người lao động được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Điều 7, 8 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP.
Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Điều 11, 12, 15, 16, 19, 20, 23, 24 của Nghị định số 37/2016/NĐ-CP.
Chế độ hưu trí: Người lao động được hưởng lương hưu khi đáp ứng điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 Luật BHXH và Điều 6 Nghị định số 11/2015/NĐ-CP.
Mức lương hưu hàng tháng thực hiện theo quy định tại các Điều 56, 58, 59, 62, 63 Luật BHXH; Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Mức hưởng BHXH một lần thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH. Thời điểm tính hưởng BHXH một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan BHXH, việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH để tính hưởng BHXH một lần căn cứ vào thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan BHXH.
Chế độ tử tuất: Trợ cấp mai táng thực hiện theo quy định tại Điều 66 Luật BHXH. Trợ cấp tuất hằng tháng thực hiện theo quy định tại các Điều 67, 68 Luật BHXH; Trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại Điều 69 Luật BHXH; trường hợp người lao động chết mà có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng cư trú ở Việt Nam được giải quyết trợ cấp tuất 01 lần; mức trợ cấp tuất 01 lần thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật BHXH.
Thành Nguyễn