Truyền thông quốc tế dẫn nhận định của chuyên gia cho rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có thương mại và Biển Đông, trong chuyến thăm chính thức Mỹ.
Lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Mỹ
Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đêm 28/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Mỹ từ ngày 29/5 đến 31/5. Như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm chính thức Mỹ và hội đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm nay.
Trên trang chủ, trong thông cáo về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nhà Trắng nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump “mong muốn thảo luận các phương cách nhằm củng cố mối quan hệ song phương và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khu vực với một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Nam Á”.
Tạp chí National Interest của Mỹ nhấn mạnh, chuyến thăm đánh dấu trao đổi quan trọng cấp cao thứ ba giữa chính phủ Việt Nam và Mỹ trong 3 năm trở lại đây, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là nhà lãnh đạo thứ ba của châu Á có cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, sau Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Điều này ít nhiều phản ánh mong muốn của cả Việt Nam và Mỹ trong việc thắt chặt quan hệ song phương, cũng như ưu tiên dành cho mỗi nước trong chương trình nghị sự của nước kia”, National Interest viết.
Báo Asia Times cũng đánh giá, “đây là chuyến thăm đáng chú ý về nhiều khía cạnh” đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Trump thể hiện quan điểm “Nước Mỹ trên hết” kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm.
Các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định, trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ đạt được một số thỏa thuận và các biện pháp cụ thể nhằm củng cố, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Kỳ vọng từ chuyến thăm
Trong khi đó, nhận định về chủ đề chính của chuyến thăm, Asia Times nhận định, hai vấn đề sẽ được ưu tiên gồm vấn đề hợp tác thương mại Việt-Mỹ cũng như vấn đề căng thẳng ở Biển Đông.
Vấn đề hợp tác thương mại được cho là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Trump ngay sau khi nhậm chức đã ký sắc lệnh sẽ rút Mỹ khỏi các cuộc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một trong những thành viên. Asia Times dẫn số liệu thống kê cho thấy, với thặng dư thương mại song phương 32 tỷ USD, Việt Nam là một trong 6 nước đạt thặng dư lớn nhất với Mỹ.
Tạp chí Forbes nhận định: "Khi thăm Mỹ vào đầu tuần này, Thủ tướng Việt Nam sẽ nỗ lực hối thúc thương mại tự do với Mỹ. Một thỏa thuận như vậy sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhờ đóng góp quan trọng từ hoạt động xuất khẩu sang các nước phát triển".
Trong chuyến thăm lần này, các doanh nghiệp Việt Nam được cho là có thể sẽ ký kết các thỏa thuận liên doanh với các đối tác Mỹ.
Giới phân tích nhận định, một vấn đề quan trọng có thể được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo đó là tình hình tranh chấp ở Biển Đông cũng như các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm. Ông Murray Hiebert, chuyên gia tại CSIS, nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể giúp Việt Nam hiểu rõ hơn chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Theo Dantri