(Pháp lý) - Ông Vũ Mão nguyên là Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội. Nhận mình là người “từ trong lòng Quốc hội mà ra”, ông nổi lên với những nhận xét chân thực về hoạt động của Quốc hội. Ông cũng nghiêm khắc chấm điểm các hoạt động của Quốc hội và cho rằng “mới chỉ đạt từ 60 đến 70%” hiệu quả hoạt động cũng như mong muốn của cử tri. Trước thềm Quốc hội khóa XIV, Ban Biên tập Tạp chí Pháp lý trân trọng đăng tải những chia sẻ góp ý rất thẳng, rất tâm huyết của ông Vũ Mão về chất lượng Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nói chung và hiến kế để xây dựng một Quốc hội chất lượng , hoạt động hiệu quả hơn, thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất .
>> Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri
>> Luật xa cuộc sống – Nói mãi nhưng chưa khắc phục được
>> Hạn chế của Quốc hội khóa XIII nhìn từ chất lượng một số đại biểu dân cử
>> Chọn lựa Đại biểu QH và những góp ý tâm huyết của vị Tướng tham gia Quốc Hội 3 khóa
>> Tăng hay giảm ĐBQH chuyên trách không quan trọng…, quan trọng là…
>> Hướng tới một Quốc hội chất lượng, đáp ứng mong mỏi của cử tri (Kỳ 3)
Cơ chế để ĐBQH hoạt động còn hạn chế
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý về vấn đề chất lượng ĐBQH, ông Vũ Mão cho hay: Qua theo dõi một số khóa Quốc hội gần đây, tôi nhận thấy hoạt động của ĐBQH đã được cải thiện theo hướng ngày một tốt lên. Hoạt động của đại biểu đã đạt được một số yêu cầu theo quy định của pháp luật. Trong Quốc hội có nhiều đại biểu tâm huyết, hết lòng với công việc và cử tri. Điều kiện, cơ chế để ĐBQH và Đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động đã tốt hơn trước.
[caption id="attachment_139869" align="aligncenter" width="410"] Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội[/caption]
Tuy nhiên không thể phủ nhận hoạt động của ĐBQH còn nhiều hạn chế. Cụ thể, nhiều ĐBQH chưa chuyên tâm cho hoạt động của Quốc hội vì nhiều lý do khác nhau, thời gian ĐBQH tiếp xúc với cử tri tại địa phương còn ít. Hạn chế đó của đại biểu Quốc hội có phần chính là do chủ quan và có một phần là do khách quan. Về khách quan là do ta chưa tạo ra được đầy đủ những điều kiện cần thiết cho hoạt động của họ. Ở các nước thì đại biểu Quốc hội có Văn phòng và có thư kí riêng, có chuyên gia tư vấn…. Còn ở ta có thể nói hơi quá một chút là vẫn trong tình trạng “tay không bắt giặc”.
Nói về tiêu chuẩn để trở thành một người ĐBQH tiêu biểu, đại diện cho dân, ông Vũ Mão cho rằng: Quy định của Luật Tổ chức Quốc hội đã đặt ra 5 tiêu chuẩn để trở thành ĐBQH. Bản thân một người đứng ra ứng cử hoặc tự ứng cử để thành ĐBQH – tức là họ đã muốn trở thành nhà chính trị, yêu cầu bắt buộc với họ phải là người có đạo đức, chiều sâu tư duy, khả năng hùng biện… Tóm lại, ĐBQH phải là người nói được và làm được nhưng hiện nay ta chưa có cơ chế để những người thực sự đạt những tiêu chuẩn này vào Quốc hội và làm tốt công việc của mình. Ông lấy ví dụ, quy định tiêu chuẩn ĐBQH phải là người không tham nhũng nhưng hiện nay lại không có quy định cụ thể và có hiệu quả để kiểm tra, kiểm soát đại biểu có tham nhũng hay không. Quy định ĐBQH phải kê khai tài sản nhưng lại không có cơ chế để kiểm tra, giám sát những bản khai đó, kê khai xong chỉ để đó. Quy định ĐBQH phải đáp ứng được yêu cầu công việc nhưng lại không có những cơ chế, hỗ trợ để ĐBQH làm việc. Yêu cầu ĐBQH phải có mối quan hệ, liên hệ mật thiết với cử tri nhưng chưa có quy định cụ thể và cũng không có cơ chế kiểm tra chặt chẽ nên không ít đại biểu dễ viện cớ bận việc nên ít tiếp xúc cử tri. Các đại biểu làm việc ở Trung ương thường bận nhiều việc nên còn nhiều “cách trở” với cử tri và địa phương.
Cần đòi hỏi cao hơn vai trò của các cơ quan của Quốc hội
Chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội là quan trọng nhất, nhưng ông Vũ Mão cho rằng: Còn có rất nhiều hoạt động khác làm nên chất lượng hoạt động của Quốc hội. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những “khoảng trống” trong hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Quốc hội ta từng có tranh cử. Trong giai đoạn đó, nhiều báo chí quốc tế cho rằng đó là một dấu hiệu dân chủ mới ở Nghị trường. Là người đóng góp trực tiếp trong vấn đề này, nên ông Vũ Mão giữ mãi những ấn tượng sâu sắc về sự kiện đó. Trong cuốn sách “Dấu Son Nghị Trường” viết trước thềm bầu cử Quốc hội khóa XIV, ông Vũ Mão ghi lại:
Tại kì họp giữa năm 1988, Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới thay thế đồng chí Phạm Hùng vừa từ trần. Theo quy định của Hiến Pháp năm 1980, Hội đồng Nhà nước giới thiệu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để Quốc hội bầu. Việc giới thiệu của Hội đồng Nhà nước là trên cơ sở kết quả thảo luận và biểu quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị lần ấy đã giới thiệu đồng chí Đỗ Mười để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Thảo luận tại Quốc hội khi ấy, các đoàn đồng ý giới thiệu đồng chí Đỗ Mười, đồng thời lại giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt. Đây là một tình huống bất ngờ vì từ trước tới nay khi Đảng đã giới thiệu nhân sự thì các ĐBQH thường không có ý kiến khác.
Cuộc họp của Hội đồng Nhà nước thảo luận vấn đề này rất sôi nổi. Bộ Chính trị, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhất trí với đề xuất của các vị ĐBQH là để 2 ứng cử viên để bầu. Thế là lần đầu tiên, có 2 ứng cử viên để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đây được coi là một dấu son trong hoạt động Nghị trường vì lần đầu tiên ở Quốc hội có tranh cử.
“Trong nhiệm kì Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm được nhiều việc đáng ghi nhận nhưng nói là đã làm tốt được các chức năng, nhiệm vụ của mình theo Hiến pháp và quy định của Luật tổ chức Quốc hội thì theo cá nhân tôi, là chưa. Thường vụ Quốc hội mới chỉ hoàn thành 60 đến 70 % nhiệm vụ trong hoạt động lập pháp và giám sát”, ông Vũ Mão thẳng thắn. Cụ thể, theo Luật Tổ chức Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Tất cả các nội dung và phương thức hoạt động tại kỳ họp Quốc hội đều do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình ra. Ví dụ như, việc nhiều Luật được Quốc hội thông qua vẫn mang tính “luật khung, luật ống” dẫn đến tình trạng phải chờ đợi các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của các Bộ thì Luật mới có thể đi vào cuộc sống là điều không thể chấp nhận được. Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, không ít vấn đề, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn thụ động chờ đợi Chính phủ trình sang. Tình trạng Bộ máy cồng kềnh, cách thức làm việc của công chức thì quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu; vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp; vấn đề nợ công quá lớn…là nỗi đau của cả xã hội, nhưng sự quan tâm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa phải là nhiều.
Trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban có vai trò rất quan trọng. Hiệu quả hoạt động của các cơ quan này có liên quan chặt chẽ đến chất lượng hoạt động của Quốc hội. Theo ông Vũ Mão, hiệu quả của các cơ quan này cũng chỉ đạt từ 60 đến 70% theo quy định của pháp luật. Vai trò của Hội đồng và các Ủy ban trong những vấn đề nóng bỏng của đất nước đôi khi còn mờ nhạt. Các vấn đề về ngân sách, nợ công, cổ phần hóa, “4 nhà” thì tiếng nói của các cơ quan hữu quan của Quốc hội chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Trong nhiệm kì tới, mong rằng các cơ quan này cải thiện hơn nữa chất lượng hoạt động của mình, đưa ra những kiến nghị sắc sảo để giải quyết dứt điểm những vấn đề cử tri quan tâm.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là phương thức hoạt động của Quốc hội còn nhiều hạn chế, một số vấn đề về thủ tục và trình tự làm việc chưa hợp lý. Việc điều hành thảo luận, tranh luận tại nghị trường cần được cải tiến hơn nữa. Ta thường nói: Thảo luận ở Quốc hội phải đi đến cùng các vấn đề nóng bỏng của đất nước để có những giải pháp khắc phục, nhưng trên thực tế thì lại chưa có. Chất vấn và trả lời chất vấn là một nội dung then chốt trong hoạt động của Quốc hội, vấn đề này đã được nhân dân ủng hộ nhưng vẫn đòi hỏi cải tiến nhiều hơn nữa. Trong các vấn đề đặt ra ở Quốc hội, điều quan trọng nhất là tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm và đưa ra các giải pháp thì vẫn chưa làm được đến nơi đến chốn.
Nghị trường cần những “dấu son” mới
Nói về công tác nhân sự ở Quốc hội vừa qua, ông Vũ Mão cho rằng: Sau Đại hội Đảng, Quốc hội đã kịp thời kiện toàn các chức danh Nhà nước. Đây là việc làm cần thiết. Để làm tốt hơn vấn đề quan trọng này và tạo sự đồng tình cao của nhân dân, tôi kiến nghị một số vấn đề sau:
Một là, nên nghiên cứu để vấn đề nhân sự Nhà nước chỉ làm một lần chứ không phải làm 2 lần trong một thời gian quá ngắn (chỉ là 3 tháng: Tháng 4/2016 kiện toàn, tháng 7/2016 bầu mới). Có nghĩa là, thời gian tiến hành Đại hội Đảng và thời gian bầu Quốc hội mới nên gần nhau (chỉ nên là 2 tháng, chứ không phải là 7 tháng như hiện nay).
Hai là, Các nhân sự do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, sau khi được giới thiệu cần báo cáo chương trình hành động với Quốc hội. Sau đó các vị ĐBQH thảo luận và đóng góp ý kiến. Chương trình hành động này sẽ được Quốc hội xem xét, đánh giá hàng năm.
Ba là, các nội dung về nhân sự như nêu ở trên được truyền hình, phát thanh trực tiếp cho nhân dân cả nước theo dõi.
Tuấn Anh (ghi)