(Pháp lý) - Nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng: Số lượng ĐBQH chuyên trách tăng hay giảm chỉ một phần quyết định chất lượng hoạt động QH. Quan trọng là tâm, tầm và dũng khí của đại biểu.
>> Chọn lựa Đại biểu QH và những góp ý tâm huyết của vị Tướng tham gia Quốc Hội 3 khóa
>> Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri
>> Hạn chế của Quốc hội khóa XIII nhìn từ chất lượng một số đại biểu dân cử
>> Luật xa cuộc sống – Nói mãi nhưng chưa khắc phục được
>> Hạn chế của Quốc hội nhìn từ một số hoạt động đặc thù
Chuyện danh sách các ứng cử viên bầu ĐBQH của Đà Nẵng không có tên 3 lãnh đạo chủ chốt của TP hiện nay là ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư Thành ủy, ông Võ Công Trí, phó bí thư thường trực Thành ủy và ông Huỳnh Đức Thơ, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã thu hút và nhận được nhiều bình luận tích cực từ dư luận và cử tri cả nước. Lý giải của Đà Nẵng cho rằng, họ làm như vậy vì lãnh đạo của họ đã có quá nhiều chức vụ đồng nghĩa là có quá nhiều việc tại địa phương cần giải quyết, khó có thể chuyên tâm làm việc cho Quốc hội.
[caption id="attachment_138943" align="aligncenter" width="410"] ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan là đại biểu kiêm nhiệm hiếm hoi thẳng thắn chất vấn trước QH[/caption]
Hầu như các ý kiến hoan nghênh cách làm của Đà Nẵng, bởi cách làm đó sẽ giúp nghị trường có những đại biểu chuyên tâm hơn cho QH, đi họp đầy đủ, khách quan, có trách nhiệm, công tâm… và không vì một lý do ABC nào đó mà không làm tốt nhiệm vụ của mình.
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, mới đây, ông Huỳnh Nghĩa (Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng) đã có nhiều ý kiến rất thẳng thắn: Cơ quan dân cử của chúng ta lâu nay mang tính chất đại diện nhiều quá nên xem nhẹ chất lượng đại biểu mà nặng về cơ cấu. Đầu tiên là do đại biểu không đủ trình độ để thực hiện nhiệm vụ mà cử tri giao phó. Thực tế, các báo cáo của Chính phủ và các bộ ngành cũng nêu rất nhiều thành tích, ít khi đề cập đến khiếm khuyết nên đại biểu không đủ trình độ, lơ mơ, không có tư duy phản biện thì đọc xong rồi cho qua luôn. Tiếp đến là đại biểu không có chính kiến. Nhiều đại biểu ngồi ở QH, anh ngồi đó, thấy người ta bấm nút đồng ý thì anh cũng hùa bấm theo, không dám phản biện gì. Từ đó ông này cho rằng, là ĐBQH đại diện cho dân thì anh phải có trí tuệ, bản lĩnh và nhất là chính kiến.
Một lý do khiến đại biểu không phát biểu thẳng thắn là do “vị trí mà đại biểu kiêm nhiệm”. Lâu nay chúng ta có qui định trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh thành phải là cán bộ chủ chốt ở tỉnh thành. Vì vậy thường thì ông bí thư hoặc chủ tịch UBND ở các tỉnh thành phố nắm chức trưởng đoàn. “Tôi xin nói thật là các vấn đề mà Chính phủ, bộ ngành báo cáo, trình ra Quốc hội thì các anh bí thư hoặc chủ tịch ở các địa phương biết rất rõ, nắm rất chắc nhưng anh không dám nói. Vì sao? Là vì anh sợ, anh không dám phát biểu phản biện vì anh muốn mối quan hệ của anh (của địa phương) với Chính phủ, bộ ngành tốt. Tôi tham gia nhiều khóa Quốc hội nên quan sát đây trở thành một hiện tượng mà chúng ta nên nhanh chóng thay đổi. Lãnh đạo tỉnh thành làm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ít khi phát biểu lắm, rất hạn hữu, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh trưởng đoàn không dám phát biểu thì các đoàn viên họ cũng ngại không dám qua mặt anh”, đại biểu Nghĩa nói.
Nhìn thẳng vào những hạn chế đó, ông Nghĩa chỉ ra rằng: Quốc hội khóa 14 sắp tới sẽ có 500 đại biểu, trong đó có 114 đại biểu chuyên trách. Việc tăng thêm số đại biểu Quốc hội chuyên trách là rất cần thiết. Tuy nhiên, ta cũng cần lựa chọn được các đại biểu chuyên trách xứng đáng, chứ không thể lấy bừa. Không thể lấy người không làm được việc hoặc bị kỷ luật tại các địa phương rồi kéo lên làm đại biểu chuyên trách. Ông này kiến nghị, qua 13 nhiệm kỳ Quốc hội cũng như HĐND các cấp, phải nói rằng chúng ta nặng cơ cấu quá nên chất lượng đại biểu quá thấp. Chúng ta nên mở rộng dân chủ, xóa bớt rào cản để ngày càng kéo được nhiều hơn các đại biểu “đủ tầm” vào Quốc hội".
Từ câu chuyện của Đà Nẵng và những phát biểu thẳng của Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng cũng như thực tế đã chứng minh: ĐBQH phải là đại biểu chuyên trách thì mới toàn tâm toàn sức cho các hoạt động của QH và có dũng khí để giám sát các cơ quan hành pháp. Song thực tế đó không hẳn đúng trong mọi trường hợp.
[caption id="attachment_138944" align="aligncenter" width="410"] ĐBQH Huỳnh Nghĩa: Tránh tình trạng lấy đại biểu là người không có khả năng làm việc bên dưới và bị kỉ luật lên QH làm đại biểu chuyên trách[/caption]
Còn nhớ vào tháng 9/2014, báo cáo của Bộ Y tế trước QH về hoạt động của mình đã khẳng định quá trình đấu thầu thuốc đảm bảo hiệu quả và chất lượng. Thực thi quyền giám sát của mình, dẫn lại việc bắt Tổng Giám đốc Công ty Dược VN Pharma vì nghi vấn làm giả 7 bộ hồ sơ đấu thầu thuốc vào bệnh viện, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, ĐBQH, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng, đấu thầu thuốc hiện có nhiều bất cập. Theo đó, mục đích của đấu thầu là để có thuốc chất lượng và giá cả hợp lý nhưng khi thực hiện dù đã sửa thông tư nhiều lần nhưng vẫn quy về đấu giá. Các thuốc qua vòng kỹ thuật sẽ đấu giá, đơn vị nào bỏ giá thấp nhất chắc chắn trúng thầu. Việc này góp phần tiết giảm chi phí cho quỹ Bảo hiểm y tế nhưng là kẽ hở cho một số công ty với nguồn thuốc không đủ chất lượng nhưng trúng thầu bằng mọi giá. Thuốc ngoại được các công ty đội lốt các nước phát triển để nhập về Việt Nam, thu lợi bất chính hoặc tinh vi hơn là làm giả hồ sơ như vụ việc liên quan đến VN Pharma. Vì thế bà Lan không đồng ý với đánh giá của Bộ Y tế cho rằng quá trình đấu thầu thuốc vừa qua đảm bảo chất lượng; bên cạnh đó cũng chưa có báo cáo nào của Cục Khám chữa bệnh về chất lượng thuốc.
Bà Lan cũng dũng cảm nêu thực tế: “Vừa qua, lầu đầu Sở Y tế TP HCM đấu thầu tập trung, chúng tôi ghi nhận một số thuốc trúng thầu giá cực kỳ rẻ. Có thuốc vừa có số đăng ký hôm trước thì hôm sau đã đi đấu thầu, chưa có mặt trên thị trường. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Quy định giá rẻ nhất là phải lấy, tuy nhiên nên đặt vấn đề, người dân tiếp cận thuốc không rõ chất lượng sẽ rất nguy hại”. Không chỉ trong cuộc họp của Ủy ban, sau đó khi nhận phản pháo của cơ quan chủ quản, quản lý bà Lan về mặt chính quyền, bà còn rắn rỏi phản hồi lại.
Thái độ của bà Lan rõ ràng là thái độ của một đại biểu có tâm, có trách nhiệm với cử tri và dũng cảm. Bà đã dám nêu lên thực trạng của ngành mình và truy đến cùng trách nhiệm của cơ quan cấp cao hơn của mình. Gần đây khi nhiệm kì Quốc hội sắp kết thúc, bà Lan thành thực chia sẻ: Mình bớt ngây thơ và thấy còn nặng nợ với cử tri…Đáng chú ý, bà Phong Lan là một đại biểu không chuyên trách, kiêm nhiệm. Nhưng ý kiến của bà lại rất sắc sảo, không sợ cấp trên và có tính thực tế cao.
Từ hai dẫn chứng nêu trên, đáp án có lẽ đã rõ, tăng hay giảm số lượng ĐBQH chuyên trách không quan trọng. Nút thắt cần tháo gỡ để QH hoạt động thực sự chất lượng có lẽ vẫn là tâm, tầm và dũng khí của mỗi ĐBQH.
Phan Mai