"Không những không bảo vệ, chính nhà nước 'nhảy vào' thành lực lượng cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp", bà Phạm Chi Lan nói.
[caption id="attachment_138751" align="aligncenter" width="410"]
Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan. Ảnh: TL[/caption]
Tại hội thảo Xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (15/4), bà Chi Lan đưa ra đánh giá, cạnh tranh là một câu chuyện lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam khi hội nhập sâu rộng lại có vị trí cạnh tranh thấp.
Bà Chi Lan cho biết, trong số các nước TPP, Việt Nam ở vị thế cạnh tranh thấp nhất theo các tiêu chí Diễn đàn kinh tế thế giới, Ngân hàng thế giới WB đánh giá. Từ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thể chế đến nền kinh tế nói chung đều thấp. Xét trong Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7 và đang bị thách thức hơn bởi Lào, Campuchia và Myanmar.
Dẫn chứng ngành lúa gạo, theo bà Chi Lan, Việt Nam đã dành ưu tiên tuyệt đối cho ngành lúa gạo trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng so sánh với Campuchia, gạo Việt Nam đang thua. Không những thế, ở nhiều lĩnh vực khác, Campuchia, Myanmar đều có sự chuyển biến rất tích cực.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra những bất bình đẳng, kém cạnh tranh giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, theo thứ tự, doanh nghiệp nhà nước đang ở vị trí ưu tiên số một, tiếp đến là doanh nghiệp FDI và đến doanh nghiệp trong nước gần như không còn. “FDI đang cạnh tranh mang tính chèn lấn doanh nghiệp Việt Nam, góp phần làm doanh nghiệp Việt Nam bé nhỏ đi”, bà Lan nói.
Ngoài ra, bà Lan cũng cho biết còn có sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp thân hữu và không thân hữu, trong đó doanh nghiệp thân hữu là doanh nghiệp nhà nước, số lớn doanh nghiệp FDI và phần ít doanh nghiệp tư nhân lớn được tiếp cận nguồn lực, cơ chế tốt hơn.
“10 năm qua số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục 'teo' đi, tạo nền kinh tế nhiều vấn đề trong cạnh tranh”, bà Lan trăn trở.
Thậm chí, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhà nước không chèn ép qua công cụ doanh nghiệp nhà nước mà bản thân nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động cung cấp dịch vụ mang tính chất thương mại hoặc dịch vụ công, hoàn toàn có thể xã hội hoá.
“Nhà nước ở vị trí cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp. Không những không bảo vệ được doanh nghiệp mà tự mình cũng nhảy vào thành một lực lượng cạnh tranh với doanh nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.
Đồng tình với những quan điểm được bà Chi Lan nêu ra, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, sự bất bình đẳng hiện nay là hệ quả của thể chế. Theo ông, cho đến giờ ông chưa thấy sự thay đổi về mặt tư duy để cải thiện chất lượng chính sách một cách thực chất ở Việt Nam.
Ông Cung cho rằng, để chuyển đổi nền kinh tế lên một cấp của nền kinh tế thị trường phải có chính sách cạnh tranh toàn diện và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và công bằng thì cần có thể chế tốt.
Theo Bizlive