Theo chuyên gia, nhiều ngân hàng lo bị hình sự hoá nên vẫn dè dặt trong việc cấp tín dụng đối với khu vực kinh tế này...
70% doanh nghiệp tư nhân khó khăn trong việc vay vốn
Tại buổi toạ đàm trực tuyến “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân” tổ chức mới đây, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt gần 1,3 triệu tỷ, chiếm gần 22% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tăng 6,5% so với cuối năm 2016, với gần 200.000 khách hàng đang còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng, tăng 10.500 khách hàng so với cuối năm 2016.
Có thể nói, mặc dù NHNN đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân nhưng vẫn có tới 70% doanh nghiệp tư nhân nhân chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, vốn là một trong những điều kiện đầu vào rất quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp, việc tới trên dưới một nửa doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng thì rõ ràng đang có một cái đứt quãng về nguồn lực và điều này sẽ có rất nhiều cái hệ luỵ.
“Xét trên thực tiễn, tôi cho rằng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có một bộ phận lớn chưa tiếp cận được nguồn vốn có thể có 3 lý do. Thứ nhất, về mặt khách quan, bản thân doanh nghiệp đó có thể có vốn tự có hơn nữa lại là doanh nghiệp hoạt động nhỏ chưa có chiến lược hoạt động dài hạn và đã tự thoả mãn với nguồn vốn của chính mình. Nhiều hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ thường thực hiện phương án này cho an toàn.
Thứ hai, rất có thể lãi vay tuy đã hạ rồi nhưng vẫn còn cao so với lãi mà họ có thể có, vì thế họ ngại không muốn tiếp cận vì lãi quá cao.
Thứ ba, là nhóm không đủ điều kiện bao gồm điều kiện thế chấp, không đủ điều kiện viết dự án tốt, rồi không tạo được lòng tin cho ngân hàng…”, chuyên gia nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn là do không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh một cách rành mạch (quá khứ, hiện tại và cơ hội tương lai), phương án kinh doanh để vay vốn sức thuyết phục không cao, không thuyết phục được một cách rõ ràng.
Về phía ngân hàng, ông Nam cho rằng nhiều nhà băng lo sợ bị hình sự hoá nên vẫn dè dặt tín dụng đối với khu vực này.
“Nếu cán bộ ngân hàng làm đúng quy trình, làm chuẩn, làm tốt rồi còn phía rủi ro do thị trường thì mình phải xem xét vấn đề này. Chủ yếu là do ngân hàng không phải là họ không nghĩ đến đột phá mà do họ sợ mình làm không khéo thì liên quan đến pháp luật hình sự”, ông Nam nói.
Và những hệ luỵ…
Theo ông Nguyễn Minh Phong, việc doanh nghiệp tư nhân không thể tiếp cận vốn tín dụng chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực rất lớn.
“Chúng ta nhớ là có những con số rất đáng quan tâm, vốn ngân hàng chi phối tới khoảng 80% và gần như 80% vốn của doanh nghiệp cũng do ngân hàng cung ứng, và trong đó thì 80% thu nhập của ngân hàng lại do nguồn tíxn dụng hoạt động truyền thống mang lại, nên tín dụng không tới được doanh nghiệp là ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống doanh nghiệp cũng như hệ thống ngân hàng”, ông Phong nói.
Theo chuyên gia, đối với doanh nghiệp khi thiếu vốn thì sẽ không thể lớn lên được, không thể có vốn để mở rộng sản xuất, đổi mới kỹ thuật, để tăng sức cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp mãi bị nhỏ, lép vế và bị thu hẹp thị phần ở ngay trên sân nhà của mình.
Ở góc độ vĩ mô, 97% trong hệ thống doanh nghiệp mãi mãi như vậy thì toàn bộ nền kinh tế rất khó có sự tái cơ cấu và nền kinh tế sẽ giảm sức cạnh tranh, khó có một sự tăng tốc tốt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu này.
Đối với các ngân hàng, khi không cho vay được cũng sẽ bị giảm thị phần, giảm doanh thu. Đối với xã hội, việc doanh nghiệp không lớn lên được, nền kinh tế không phát triển tốt hơn thì sẽ ảnh hưởng tới việc làm, tới nguồn thu ngân sách và tới vị thế của kinh tế quốc gia.
Ở góc độ Nhà điều hành, ông Trần Văn Tần cho biết, một số doanh nghiệp tư nhân chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian qua chủ yếu là do năng lực quản trị và khả năng tài chính còn hạn chế, báo cáo tài chính còn chưa được kiểm toán và không công khai minh bạch để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng thẩm định để quyết định cho vay.
“Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền ở các địa phương tích cực triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, các hội nghị triển khai chương trình này đều có sự tham gia của chính quyền địa phương, các sở, ngành để cùng xem xét giải quyết. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành ngân hàng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự cố gắng nâng cao khả năng tài chính, các thông tin phải minh bạch…”, đại diện NHNN cho biết.
Còn ông Tô Hoài Nam thì cho rằng, để tháo gỡ vấn đề này, các nhà băng cần phải thay đổi triệt để tư duy, đừng nhìn doanh nghiệp là chỗ rủi ro mà nên lọc ra để nhìn thấy tiềm năng của doanh nghiệp để tăng tín dụng.
“Anh cho doanh nghiệp vay, anh được phần lãi thì anh cũng phải chấp nhận một phần rủi ro. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng nên thiết kế lại điều kiện cho doanh nghiệp vay cho phù hợp, ngân hàng phải tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp những điểm mà doanh nghiệp còn hạn chế”, ông Nam nói.
Theo Bizlive