Hơn 250 hiện vật, hình ảnh và tài liệu tái hiện chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trưng bày chuyên đề được sắp đặt mạch lạc, kể lại nhiều câu chuyện trong hành trình 50 năm, khai mạc chiều 19/8 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
BIẾN ÐAU THƯƠNG THÀNH HÀNH ÐỘNG
Tham dự lễ khai mạc có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và một số lãnh đạo bộ, ngành trung ương.
Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng trưng bày chuyên đề “Hành trình vươn tới những ước mơ - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)”.
Di chúc của Hồ Chủ tịch, được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2012, trưng bày trang trọng ở trung tâm không gian trưng bày sảnh tầng 2. Bốn nội dung nổi bật của triển lãm: Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1969-1975), Xây dựng lại đất nước và bảo vệ Tổ quốc (1975- 1986), Đổi mới và phát triển (1986-1995), Hội nhập và cất cánh (1995 - 2019).
Tư liệu được sắp đặt theo chủ đề và giai đoạn lịch sử, nhằm giới thiệu những thành tựu nổi bật của đất nước suốt 50 năm qua, từng bước hiện thực hóa lời Bác dặn trước lúc đi xa. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nói, trưng bày này cũng hướng tới việc động viên nhân dân tiếp tục thực hiện Di chúc của Người, tiếp tục sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước như Bác hằng mong muốn.
Sau khi Người ra đi, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở đợt sinh hoạt chính trị Học tập và làm theo Di chúc của Bác, vận động toàn dân tộc nén đau thương, quyết tâm cao thống nhất đất nước. Nhiều tấm gương điển hình hưởng ứng lời kêu gọi đó. Như các chiến sĩ quân giải phóng mặt trận Thừa Thiên - Huế sau khi được tin Bác mất, tập trung hô vang khẩu hiệu biến đau thương thành hành động, đặt mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tinh thần không ngừng học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch lan rộng khắp toàn quân, toàn dân. Chiến sĩ Lê Quang Thu, tiểu đoàn 4, Trung đoàn 89, Sư đoàn 308 ngày 9/9/1969 gửi thủ trưởng Sư đoàn lời hứa quyết tâm chiến đấu, lập công xuất sắc đền đáp công ơn của Bác. Đồng chí Hữu Lan năm 1970 thay mặt cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 990 thảo Quyết tâm thư hứa hoàn thành vượt mức kế hoạch, vận chuyển 4.500 tấn hàng/tháng. Tinh thần đó không chỉ được lan tỏa trong các thông tri, công văn của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa trong nhiều bài nói chuyện của các đồng chí lãnh đạo như đồng chí Trường Chinh.
CẤT CÁNH
Mốc son thống nhất đất nước tạo ấn tượng từ bức ảnh hai bà mẹ hai miền Nam-Bắc tươi cười ôm nhau ngày sum họp, rồi cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.
Chặng đường từ đổi mới đất nước năm 1986 cho tới nay, các cấp, ngành và nhân dân không ngừng học tập và làm theo Di chúc của Bác. Một số thành tựu nổi bật thời kỳ này chính là loạt công trình thủy điện tại Thác Bà, Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại; quá trình thi công đường dây 500kv Bắc Nam. Bộ quần áo bảo hộ anh Phạm Văn Khả, công nhân thuộc công ty Xây lắp điện 2 được trưng bày như minh chứng cho hành trình gian nan, nhưng đầy ắp tự hào của đất nước thời kỳ lịch sử này.
Nhìn vào 25 năm trở lại đây kể từ khi hội nhập thế giới, đất nước đạt được những bước đột phá về kinh tế, xã hội, văn hóa góp phần đưa vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới. Người xem rưng rưng nhìn lại khoảnh khắc các cầu thủ U23 chiến đấu quật cường trong trời mưa tuyết tại Thường Châu, hình ảnh màu cờ sắc áo Việt Nam đẹp và hào hùng mang tính lịch sử.
Hơn 250 hiện vật, tài liệu phần nào tái hiện hành trình 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, tiếp tục nối dài hành trình ấy. Triển lãm mở cửa đến hết tháng 12/2019.
Một số hiện vật đáng chú ý khác: Chiếc máy chữ, hòn đá chặn giấy, bút máy Cửu Long, bút chì đen Hồng Hà mà Bác sử dụng trong thời gian ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch.
Ba chiếc bút dạ do đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Thị Bình dùng ký hiệp định Paris, 27/1/1973.
Các hiện vật quân ta sử dụng trong chiến dịch 12 ngày đêm khói lửa của trận Điện Biên Phủ trên không tại Hà Nội: mũ sắt, ống nhòm, chuông điện.
Triển lãm Bác Hồ với Nam Định
Nhân kỷ niệm Ngày Tổng Khởi nghĩa (19/8/1945-19/8/2019), kỷ niệm 50 năm ngày mất của Bác Hồ, Bảo tàng tỉnh tổ chức triển lãm về chủ đề “50 năm thực hiện di chúc của Bác và sự quan tâm của bác với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định”. Triển lãm giới thiệu hình ảnh, kỷ vật 5 lần Bác về thăm Nam Định, những tư liệu liên quan đến sự quan tâm của Bác với nhân dân, Đảng bộ và chính quyền Nam Định. Bảo tàng Nam Định cũng giới thiệu hình ảnh về kết quả phát triển của tỉnh Nam Định sau 50 năm thực hiện di chúc của Người, trong đó nổi bật là kết quả xây dựng Nông thôn mới, phát triển ngành nghề truyền thống dệt may theo định hướng trở thành trung tâm dệt may lớn nhất nước. Đợt triển lãm kéo dài đến hết năm 2019. Ngoài ra, Bảo tàng Nam Định còn phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh trưng bày, giới thiệu hàng trăm hiện vật quý về Bác; những thành quả phát triển của đất nước sau 50 năm Người để lại di chúc.
Theo tienphong.vn
Nguồn bài viết: https://www.tienphong.vn/van-hoa/hien-thuc-loi-bac-dan-1454431.tpo