Vụ tai nạn làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân, làm đình trệ sự phát triển của ngành này trong nhiều năm.
Theo hãng tin AFP, tại Ukraine đang diễn ra các hoạt động nhằm tưởng niệm 30 năm thảm họa Chernobyl vào ngày hôm nay (26/4). Nhiều năm về trước, lỗi của con người và những thiếu sót về công nghệ đã dẫn đến một trong những tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử loài người.
[caption id="attachment_139396" align="aligncenter" width="410"] Một trong những hình ảnh hiếm hoi ghi nhận lại được vụ nổ Chernobyl. Nguồn ảnh: cyberpanthers[/caption]
Trước thềm ngày tưởng niệm 30 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl, hãy cùng chúng tôi nhìn lại những bước phát triển của nhân loại trong hơn 30 năm qua nhằm cải thiện vấn đề an toàn hạt nhân trên toàn thế giới.
Thảm họa nguyên tử Chernobyl xảy ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986, khi nhà máy điện nguyên tử ở Pripyat, Ukraina (khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết) bị nổ. Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân.
Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô viết, Đông và Tây Âu, Scandinavia, Anh Quốc, và đông Hoa Kỳ.
Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus.
Theo bản báo cáo năm 2006 của Hiệp hội hạt nhân thế giới, một nửa lượng phóng xạ đã rơi xuống bên ngoài lãnh thổ ba nước cộng hoà Xô viết. Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu của thảm họa Chernobyl là do thiếu sót trong cấu trúc của lò phản ứng hạt nhân. Những sai sót này sẽ khiến cho năng lượng bên trong lò bị tăng cao đột ngột không kiểm soát.
Ngoài ra, ở Chernobyl cũng không có những thiết bị dùng để che chắn phóng xạ trong trường hợp chúng bị thoát ra bên ngoài.
Tuy nhiên, yếu tố con người cũng đóng góp một phần lớn vào sự trầm trọng của thảm họa này. Quy trình vận hành nhà máy không được hoàn thiện cũng như việc không có bất kì một kịch bản xử lý nào nếu như có tai nạn xảy ra.
Các quan chức đã vô cùng chậm chạm trong việc sơ tán dân địa phương. Moscow gửi đến hơn 600.000 bộ đồ bảo hộ chống bức xạ hạt nhân nhưng lại không có chức năng chống cháy. Điều này đã làm cho đám cháy do vụ nổ Chernobyl hoành hành hơn 10 ngày mà không ai có khả năng dập tắt.
Điều đáng nói ở đây là những cảnh báo đầu tiên về thảm họa là do Thụy Điển đưa ra vào ngày 28/4/1986 chứ không phải là Nga. Các quan chức Thụy Điển đã vô cùng hoảng sợ trước mức độ bức xạ tăng cao không rõ nguyên nhân và phải ban bố tình trạng báo động khẩn cấp. Trong khi đó, lãnh đạo của Liên Xô vào thời điểm đó vẫn không chịu thừa nhận thảm họa đã xảy ra mãi cho đến ngày 14/5.
36 tiếng đồng hồ sau vụ nổ, chính quyền Xô Viết mới tổ chức di tản dân cư sinh sống chung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Đến tháng 5/1986, dân cư trong vòng bán kính 30km - khoảng 116.000 người - được di tản định cư nơi khác. Khu vực bỏ trống gọi là "Khu vực xa lánh". Tuy nhiên, tác hại phóng xạ đi xa hơn vòng bán kính 30 km này.
Rất khó để kiểm kê chính xác số người đã thiệt mạng trong tai nạn này, bởi vì sự che đậy thông tin thời Xô viết gây khó khăn cho việc truy ra những nạn nhân. Danh sách này không đầy đủ, và chính quyền Xô viết sau đó đã cấm các bác sĩ được ghi chữ "phóng xạ" trong giấy chứng tử.
Một bản báo cáo năm 2005 do Hội nghị Chernobyl, dưới quyền lãnh đạo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa ra cho rằng, có 56 người chết ngay lập tức; 47 công nhân và 9 trẻ em vì ung thư tuyến giáp, và ước tính rằng có khoảng 9.000 người, trong số gần 6,6 triệu, cuối cùng sẽ chết vì một loại bệnh ung thư nào đó.
Riêng tổ chức Hoà bình xanh ước tính tổng số người chết là 93.000 nhưng đã ghi trong bản báo cáo của họ rằng: "Những con số được đưa ra gần đây nhất cho thấy rằng chỉ riêng ở Belarus, Nga và Ukraina vụ tại nạn có thể đã dẫn tới cái chết thêm của khoảng 200.000 người trong giai đoạn từ 1990 đến 2004".
Năm 1989, Hiệp hội khai thác hạt nhân thế giới (WANO) được thành lập nhằm đánh giá lại mức độ nguy hiểm của hơn 430 lò phản ứng trên thế giới.
"Sau sự kiện Chernobyl, chúng tôi nhận ra rằng cần phải đánh giá chuẩn xác mức độ nguy hại của các lò phản ứng hạt nhân và thiết lập nên những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra”, Giám đốc điều hành của WANO là Peter Prozesky nói với AFP.
Sự sụp đổ của Liên Xô và kết thúc của Chiến tranh lạnh đã xóa bỏ toàn bộ rào cản, tăng cường hợp tác quốc tế triệt để nhằm giải quyết hậu quả của Chernobyl.
Trong số 17 lò phản ứng cùng loại với Chernobyl hoạt động vào năm 1986, 6 lò hiện nay đã bị đóng cửa vĩnh viễn.
Bên cạnh vai trò của các cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cũng đã được thành lập tăng cường. Tổ chức này đã mở rộng và sửa đổi các tiêu chuẩn an toàn. Những quốc gia thành viên được yêu cầu phải báo cáo nhanh sự cố xảy ra nếu xảy ra hậu quả vượt biên giới.
Một số điều ước quốc tế đã được ký kết, quan trọng nhất là Công ước IAEA về an toàn hạt nhân (CNS). Một số công ước khác quy định về chất thải hạt nhân và hệ thống cảnh báo sớm nếu có tai nạn xảy ra.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn tiếp tục sản xuất điện thêm 14 năm sau thảm hoạ và chỉ đóng cửa hoàn toàn vào năm 2000 do sức ép của quốc tế. Một vùng cách ly có bán kính 30km được thiết lập quanh Chernobyl và đây là một trong những điểm nhiễm phóng xạ đậm đặc nhất trên hành tinh hiện nay.
Theo Khampha