2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 22/10, dự kiến thời gian làm việc là 24 ngày. Đoàn Chủ tịch UBTU MTTQVN phối hợp với UBTVQH đã tổng hợp được 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Ngay trong ngày khai mạc, Quốc hội bầu Chủ tịch nước, ngày hôm sau Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức.

10

Nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề

Trình bày báo cáo tại phiên họp 28 của UBTVQH, Chủ tịch UBTWMTTQVN Trần Thanh Mẫn cho biết, các ý kiến đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri và nhân dân cả nước, thể hiện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, vai trò quản lý, điều hành hiệu quả của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế, nhờ đó, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định; chất lượng của nền kinh tế tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp có chuyển biến tích cực; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm; bảo vệ môi trường, công tác phòng chống bão, lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong kiện toàn hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn; tăng cường công tác lập pháp và giám sát việc giải quyết những vấn đề cử tri và nhân dân kiến nghị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; giải quyết nhiều “điểm nóng” gây bức xúc trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát vẫn tiềm ẩn; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không kịp thời và có giải pháp nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Đề xuất 6 kiến nghị

Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri, nhân dân về kinh tế – xã hội, quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường, xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, xây dựng các cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQVN đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương 6 kiến nghị.

Trước hết là đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, triển khai thực chất, hiệu quả hơn, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ kịp thời các ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách.

Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý đất đai; rà soát, sửa đổi các chính sách, quy định, nhất là các quy định liên quan đến thu hồi đất, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa giữa quyền lợi của người dân; tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực; chỉ đạo Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương giải quyết kịp thời tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, mất cân đối giáo viên; chỉ đạo chính quyền các địa phương quan tâm đến công tác quy hoạch và xây dựng các cơ sở giáo dục khi triển khai xây dựng các dự án khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh, thành phố lớn.

Đề nghị Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến chất lượng xây dựng luật, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục đề cao trách nhiệm trong sắp xếp bộ máy gắn với tinh giản biên chế đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đề cao trách nhiệm nêu gương trong thực thi nhiệm vụ, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tạo niềm tin cho nhân dân.

Đánh giá của các báo cáo là cơ sở quan trọng

Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đều cho rằng đây là những báo cáo hết sức quan trọng, là nội dung không thể thiếu của kỳ họp Quốc hội. Đặc biệt, tại kỳ họp này, bên cạnh chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nên đánh giá của các báo cáo là cơ sở quan trọng giúp đại biểu Quốc hội có thêm tin trong quá trình xem xét bỏ phiếu. Vì vậy, cần cân nhắc, thận trọng trong các đánh giá để bảo đảm tính xác thực, sự cần thiết, thỏa đánh trong các dẫn chứng cụ thể. Các cơ quan liên quan cần tiếp tục làm việc hoàn thiện các báo cáo, rà soát kỹ lưỡng để có đánh giá thống nhất, đầy đủ.

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với các nội dung trong dự thảo báo cáo; đánh giá cáo sự chủ động, tích cực tương đối toàn diện những ý kiến kiến nghị của của tri và nhân dân cả nước và đưa ra được nhận định đánh giá đề xuất các kiến nghị cụ thể. Trong đó, báo cáo đã phân nhóm các ý kiến, kiến nghị thành 5 vấn đề chính là tương đối hợp lý, đều là những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Tán thành với 6 nhóm kiến nghị xuất phát từ nội dung kiến nghị, tạo cơ sở cho giám sát công tác tổ chức thực hiện, UBTVQH cũng đề nghị cần phân loại làm rõ kiến nghị nào đã được kiến nghị nhiều lần phải giải quyết dứt điểm và nội dung nào nào mới thì cần tổ chức triển khai thực hiện.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…

Theo Tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/van-de-thoi-su-thoi-su/2-976-y-kien-kien-nghi-cua-cu-tri-va-nhan-dan-ca-nuoc-gui-toi-quoc-hoi

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin