Xuân của Hội nhập và Phát triển

14/02/2024 15:50

(Pháp lý) - Trong không khí thiêng liêng, giao hòa của Đất Trời, chúng ta chào đón năm mới Giáp Thìn 2024 với sức xuân ngập tràn mọi miền Tổ quốc thân yêu. Chào đón Xuân mới – Xuân của Hội nhập và Phát triển, Xuân cho ta khát vọng và niềm tin về Việt Nam hùng cường.

1-1706592715.png

Năm 2023, Việt Nam tổ chức đón, tiếp thành công nhiều nguyên thủ các nước tới thăm, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (tháng 9) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (tháng 5) (Ảnh: chinhphu.vn)

Xuân của Hội nhập

Trải qua nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng, được xem là một điểm sáng trong những năm vừa qua. Ngoại giao Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của đối ngoại, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại, tạo thuận lợi cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Thành tựu này có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong môi trường quốc tế có nhiều biến động lớn, chưa từng có tiền lệ như hiện nay.

Trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế, “Cây Tre Việt Nam” vẫn giữ vững thế ổn định và vươn lên nhờ “gốc vững” là kiên định độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, sáng tạo, uyển chuyển, cơ động trong sách lược, ứng xử với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Về quan hệ quốc tế, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; Việt Nam đã nâng cấp quan hệ và tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược/đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn,  tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế. 

Các hoạt động đối ngoại cấp cao trên bình diện song phương và đa phương được đẩy mạnh một cách chủ động, sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả. Nền tảng quan hệ và lòng tin chính trị với nhiều nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, được củng cố vững chắc, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm mức mới, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các mối quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiều trọng trách quốc tế lớn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Riêng năm 2023 có thể nói là năm thành công rực rỡ của công tác ngoại giao, trong đó có đóng góp quan trọng của ngoại giao kinh tế. Ngoại giao kinh tế đã thực hiện tốt chủ trương “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Ngành ngoại giao đã chủ động, tích cực đưa nội dung hợp tác kinh tế vào trong các hoạt động đối ngoại, nhất là hoạt động đối ngoại cấp cao, qua đó mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác.  

Trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng để đầu tư, làm ăn kinh doanh. Việt Nam đang đứng trước vận hội, thời cơ chiến lược để phát triển nhanh, bền vững đất nước. Các xu hướng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra cơ hội lớn để nước ta có thể đón đầu, phát triển vượt lên và tiến cùng thời đại.

Yêu cầu đặt ra đối với công tác ngoại giao kinh tế là làm sao phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, tranh thủ tốt các điều kiện quốc tế thuận lợi và các xu thế phát triển của thế giới, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh dân tộc kết hợp hiệu quả với các nguồn lực bên ngoài, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước.

Cùng với phát triển kinh tế của đất nước, lĩnh vực “lập pháp”, “hành pháp” và “tư pháp” luôn được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, điều này được thể hiện qua hàng loạt chủ trương, định hướng chỉ đạo của Đảng nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật Việt Nam tiến bộ, mang đậm màu sắc xã hội chủ nghĩa, phát triển và hội nhập quốc tế.

2-1706592730.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt, chụp ảnh cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, ngày 21/12

Nhìn lại nhiệm kì Quốc hội khóa XV đến hết kì họp thứ năm (tháng 6 năm 2023), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành 1.010 văn bản gồm:  23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội;  4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH. Quy trình xây dựng pháp luật cũng được sửa đổi, bổ sung làm rõ thời gian và trách nhiệm của các cơ quan tham gia xây dựng luật, kỹ thuật lập pháp được nâng cao bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trong tiến trình xây dựng luật; góp phần đưa công tác lập pháp dần vào nề nếp, hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Hiện nay, Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan đang tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật, đi sâu sửa đổi và ban hành các đạo luật trên các lĩnh vực cụ thể điều chỉnh tổ chức bộ máy Nhà nước từ trung ương tới địa phương, các đạo luật chuyên ngành phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu mới trong phát triển đất nước và quan hệ quốc tế. 

Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 đặt ra 10 nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó có một số nhiệm vụ, giải pháp sau: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng một cách toàn diện vào đời sống quốc tế, trong đó có lĩnh vực pháp luật, pháp quyền. Đối với Việt Nam, pháp luật quốc tế đã và đang là công cụ được sử dụng ngày càng nhiều trong nghiên cứu, tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Quan điểm đề cao vai trò của pháp luật quốc tế và cam kết thực hiện nghiêm túc các Điều ước quốc tế (ĐƯQT) trong thời gian qua đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Xuân của hành động,  phát triển

Những lợi ích của hội nhập quốc tế chỉ có thể phát huy đầy đủ tác dụng khi đất nước có nội lực vững mạnh với những chính sách, thể chế bổ trợ và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phương thức quan trọng để củng cố và phát huy nội lực khi gia nhập sân chơi chung quốc tế. Bởi vì, khi chúng ta có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, khả năng thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật hiệu lực, hiệu quả nghĩa là chúng ta đã có môi trường pháp lý ổn định và văn minh làm nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội tồn tại và phát triển. Nếu không có hệ thống pháp luật minh bạch, đầy đủ và hệ thống tư pháp mạnh, giải quyết các tranh chấp nhanh chóng, hiệu quả, công lý không được bảo đảm thì việc kêu gọi đầu tư vào Việt Nam sẽ rất khó khăn, Việt Nam sẽ mất cơ hội để phát triển nhanh.

Năm 2023, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội. Tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn ước đạt 683 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD. Tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.

Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Yêu cầu của hội nhập đòi hỏi nhà nước phải có đủ năng lực để xây dựng được hệ thống pháp luật đáp ứng các yêu cầu của sân chơi chung quốc tế, cụ thể hiện nay là đáp ứng các yêu cầu của WTO và những sân chơi song phương, đa phương khác mà Việt Nam là thành viên;  đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật với một chất lượng mới, hiệu quả mới, thật sự tạo dựng được một môi trường pháp lý vừa ổn định, vừa thông thoáng và minh bạch cho sự vận hành của các quan hệ kinh tế - xã hội, đảm bảo sự quản lý xã hội thật sự theo luật pháp, bằng pháp luật đúng với tinh thần “thượng tôn pháp luật” của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống pháp luật đó phải có sự tương thích với luật chơi chung quốc tế, phải phù hợp với những cam kết quốc tế mà Nhà nước đã thiết lập.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khoảng cách giữa không gian vật lý và không gian kỹ thuật số đang dần được thu hẹp, xuất hiện nhiều thay đổi to lớn và kèm với đó là thể chế cùng khung pháp luật cần được thay đổi để bắt kịp với xu hướng mới, sử dụng công nghệ số trong ban hành, quản lý và phổ biến pháp luật, quá trình xét xử của toà án,…Vì vậy, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, phải luôn cập nhật, đổi mới tư duy và thích ứng với không chỉ với vấn đề pháp lý trong nước mà còn cả vấn đề pháp lý toàn cầu, kết nối số và sử dụng công nghệ trong hoạt động nghề nghiệp và cung cấp dịch vụ tới người dân.

Trong lĩnh vực hành pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội nhập quốc tế đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên tất cả các phương diện từ cải cách thể chế hành chính (mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính) cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách tài chính công đến xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức chuyên nghiệp. Mục tiêu của cải cách này đều phải hướng tới nền hành chính dân chủ, hiệu quả, năng động và minh bạch và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

3-1706592730.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem và nghe giới thiệu về 36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, bộ ngành, địa phương hai nước

Để hội nhập quốc tế, việc nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia là cực kỳ quan trọng, đòi hỏi bộ máy nhà nước phải có năng lực tổ chức thực thi luật pháp vì lợi ích của nền kinh tế quốc dân hài hòa với lợi ích của các đối tác trên trường quốc tế tuân thủ theo những chuẩn mực chung là cạnh tranh, công bằng và minh bạch.

Để đạt được mục tiêu và khát vọng kinh tế đặt ra cho năm 2030, 2045, thì phải hình thành được một số tập đoàn, DN công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Để làm được điều này cần phải có chính sách để các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn, giữ vị trí quan trọng của nền kinh tế, củng cố được tiềm lực. Đòi hỏi môi trường đầu tư kinh doanh phải rất ổn định, đặc biệt là giảm các rủi ro pháp lý, tăng cường sự ổn định và khả năng dự đoán được của pháp luật có liên quan đến kinh doanh. Các luật mới cần giải quyết hài hoà các lợi ích để dòng chảy pháp luật tạo ra sức mạnh mới cho cả nền kinh tế. Đồng thời cần chú ý vấn đề bảo hộ về pháp lý, đặc biệt là quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có chế độ tài phán dân chủ, khách quan và có hiệu lực trong việc bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, có khả năng xử lý đúng đắn các xung đột, tranh chấp trong nước và cả những xung đột có yếu tố quốc tế theo đúng quy định pháp luật quốc gia và quốc tế.

Cần lưu ý hoàn thiện hệ thống giải quyết tranh chấp (cả hệ thống Tòa án và cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế như hòa giải, trọng tài) nhằm tạo niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cần chú ý vấn đề công nhận và thi hành các bản án của tòa án, quyết định của trọng tài nước ngoài, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự, qua đó góp phần khẳng định một cách mạnh mẽ nguyên tắc Nhà nước Việt Nam nghiêm túc thực thi các cam kết quốc tế.

Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, cần tiếp tục khẳng định Việt Nam coi trọng và đề cao nguyên tắc pháp quyền. Tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu, vì lợi ích của toàn nhân loại hôm nay và của cả thế hệ mai sau (điển hình như biến đổi khí hậu, an ninh toàn cầu, chống khủng bố...). Chủ động, tích cực tham gia xây dựng thể chế pháp lý đa phương trong khuôn khổ của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật quốc tế.

4-1706592729.jpg

Ngày 16/12, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam – Nhật Bản chứng kiến lễ trao 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp hai nước (Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân chứng kiến Tập đoàn Sun Group trao thỏa thuận hợp tác xây dựng tại khu kinh tế Vân Phong với Tập đoàn Taisei)

Việt Nam cũng cần có kế hoạch hành động cụ thể với lộ trình rõ ràng để thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó lưu ý vấn đề hoàn thiện pháp luật trong nước để đảm bảo sự tương thích với các cam kết của Việt Nam trong các FTA.  Chủ động khai thác tối đa lợi ích mang lại đồng thời có phương án phù hợp nhằm khắc phục những tác động tiêu cực từ các ĐƯQT, trong đó đặc biệt là các FTA.

***

Mùa xuân đã đến! Vận hội và biết bao cơ hội mới đang chờ chúng ta..! Thành công của công tác ngoại giao - nền tảng quan hệ và lòng tin chính trị với nhiều nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, được củng cố vững chắc, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm mức mới, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các mối quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Và những nỗ lực cải cánh thể chế, hoàn thiện pháp luật trong thời gian qua….Tất cả đang hội tụ cả ngoại lực và nội lực, giúp mở ra vô tận chân trời hội nhập. Bởi vậy, chúng ta phải tiếp tục hành động, không thể chậm trễ, tiếp tục đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa thể chế, hệ thống pháp luật; nhằm tận dụng những cơ hội to lớn, đồng thời vượt qua những thách thức của hội nhập, để đưa đất nước Việt Nam tươi đẹp phát triển bền vững, hùng cường !

Tạp chí Pháp lý
Bạn đang đọc bài viết "Xuân của Hội nhập và Phát triển" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin