Xử lý tình trạng 'né' thuế của các công ty đa quốc gia

Từ nhiều năm nay các cơ quan chức năng ở Việt Nam vẫn loay hoay tìm cách thu “đủ” thuế từ các công ty đa quốc gia như Facebook, Google, Amazon, Airbnb, Grab, Uber, Agoda hay Traveloka.

10

Ngoài Việt Nam, việc các công ty đa quốc gia chỉ trả thuế ở một mức mang tính tượng trưng không tương xứng với quy mô hoạt động và lợi nhuận cao của chúng ở nước sở tại đã trở thành một vấn nạn mang tính toàn cầu, làm đau đầu cơ quan thuế vụ ở nhiều nước trong việc tìm ra một giải pháp “tâm phục khẩu phục” để thu được nhiều thuế hơn từ những “ông lớn” này.

Gần đây, một số nước phát triển như Anh, Úc, Israel, Pháp, Đức, Áo và các nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan đã và đang đi đến một số giải pháp đặc thù, có thể là một tham khảo tốt cho Việt Nam.

Cách “né” thuế

Lấy trường hợp của Google làm ví dụ. Đây là một công ty của Mỹ, thành lập và có trụ sở ở Mỹ. Năm 2014, họ nộp 3,3 tỉ đô la Mỹ tiền thuế, chiếm khoảng 20% của lợi nhuận 17 tỉ đô la (với doanh thu 66 tỉ đô la) năm đó. Mức này thấp hơn nhiều so với mức thuế doanh nghiệp 35% ở Mỹ. Để làm được điều này, Google đã dùng các “chiêu” như nắm giữ, phân bổ phần lớn giá trị các tài sản sở hữu trí tuệ (được phát triển ở Mỹ) cho mảng kinh doanh ngoài Mỹ (đăng ký ở “thiên đường thuế” Bermuda) nhằm hợp pháp nhận các khoản phí bản quyền, thay vì chuyển về Mỹ - vốn sẽ làm tăng lợi nhuận tạo ra trên đất Mỹ và dẫn đến phải trả nhiều thuế hơn.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Google đặt trụ sở khu vực ở Singapore, nơi thuế doanh nghiệp là 17%, thuộc vào hàng thấp không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Google hạch toán doanh thu quảng cáo thu được từ nước khác, ví dụ Indonesia, vào pháp nhân của họ ở Singapore. Điều này đã dẫn đến cáo buộc của Indonesia, nơi mức thuế doanh nghiệp là 25%, rằng Google không trả đủ thuế trong suốt năm năm qua, dù Google biện hộ rằng pháp nhân của họ ở Indonesia không quản lý doanh thu quảng cáo.

Đa dạng phản ứng

Indonesia phản ứng bằng cách tiến hành khám xét văn phòng Google ở thủ đô Jakarta để thu thập dữ liệu về doanh thu quảng cáo của Google ở Indonesia. Hồi tháng 6 năm nay, Indonesia đã đạt được thỏa thuận với Google bằng một khoản tiền thuế nộp bổ sung không được công bố, nhưng được cho rằng thấp hơn mức 5.000 tỉ rupiah (khoảng 8.400 tỉ đồng) mà cơ quan thuế vụ nước này đòi Google phải trả bổ sung chỉ riêng cho năm 2015. Thỏa thuận này mở đường cho Indonesia yêu cầu Google và những công ty tương tự phải phân bổ một phần lớn hơn doanh thu và lợi nhuận của mình cho pháp nhân của họ ở Indonesia.

Ở Úc, luật chống tránh thuế quy định các công ty đa quốc gia với doanh thu toàn cầu hơn 1 tỉ đô la Mỹ và doanh thu ở Úc hơn 25 triệu đô la Mỹ phải chịu thuế suất 40% cho lợi nhuận, cao hơn mức thuế doanh nghiệp 30%.

Các nước khác lại chọn giải pháp đánh thuế trực tiếp lên các giao dịch tài chính. Hồi tháng 7 năm nay, Ấn Độ đánh thuế hàng hóa và dịch vụ thống nhất toàn quốc cho hàng ngàn sản phẩm từ dịch vụ gọi xe qua mạng đến thương mại điện tử. Tương tự, Thái Lan đang đề xuất đánh thuế tối đa 15% lên các giao dịch trực tuyến và phí quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Google, Line và các phần mềm ứng dụng gọi xe như Uber và Grab.

Các nước thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) đã đưa ra các đề xuất để tính toán và thực thi các loại thuế đánh lên các dịch vụ điện tử của các công ty công nghệ số, kể cả trong trường hợp chúng không có pháp nhân đại diện ở nước sở tại. Còn trong khối Cộng đồng chung châu Âu (EU), một số thành viên chủ chốt đã ủng hộ mạnh mẽ giải pháp đánh thuế trên doanh thu chứ không phải là lợi nhuận tạo ra từ các hoạt động của các công ty này ở nước sở tại (với thuế suất mà Pháp đề nghị là từ 2-5%).

Và ở Việt Nam...

Tại Việt Nam, tình hình thu thuế các công ty đa quốc gia cung cấp dịch vụ số đang có những tín hiệu trái chiều. Một mặt, theo giải trình của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trước Quốc hội hồi tháng 11 vừa rồi, thì “kinh doanh điện tử trên Google cũng đã thực hiện kê khai nhưng chưa thu được”. Mặt khác, ông Dũng cho biết Uber và Grab đã tự giác kê khai, nộp thuế; Tổng cục Thuế cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, trên cơ sở đó tăng thu của Uber và Grab lần lượt là 67 tỉ và 3 tỉ đồng(1).

Như là một phần của gói giải pháp nhằm thu được nhiều thuế hơn từ những công ty này, Bộ Tài chính đề xuất Ngân hàng Nhà nước yêu cầu việc thanh toán cho các dịch vụ quảng cáo trực tuyến được tiến hành thông qua Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas). Đồng thời, bộ này cũng đề xuất các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và khai báo nộp thuế nhà thầu.

Tuy vậy, những giải pháp trên đã và sẽ vấp phải những trở ngại pháp lý. Chẳng hạn, giải pháp thực hiện thanh toán qua Napas có thể là hữu hiệu nhưng có người đã chỉ ra rằng vì Google hay Facebook chưa thành lập pháp nhân ở Việt Nam thì khó thuyết phục được họ thực hiện thanh toán qua Napas.

Còn với giải pháp buộc các công ty này mở văn phòng đại diện và khai báo nộp thuế nhà thầu thì cần lưu ý rằng trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chẳng hạn như TPP (nay được đổi thành CPTPP và đang đợi phê chuẩn) có điều khoản quy định rằng một nước thành viên TPP không được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ của một nước thành viên khác phải thiết lập hoặc duy trì văn phòng đại diện hay bất kỳ hình thức doanh nghiệp nào, hoặc phải sinh sống, trên lãnh thổ của thành viên đó như một điều kiện để cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Như vậy, với quy định này, Việt Nam chắc không thể buộc pháp nhân đại diện cho, ví dụ như Google ở Singapore, phải mở văn phòng đại diện hoặc lập pháp nhân khác ở Việt Nam như là một điều kiện để được cung cấp các dịch vụ số tại Việt Nam. Và cũng cần lưu ý thêm rằng nhiều nước vẫn đang (muốn) đánh thuế lên các công ty đa quốc gia này kể cả chúng không có pháp nhân đại diện ở nước sở tại, như đã nói ở trên.

Do đó, ngoài những giải pháp mà một số nước đã thực hiện nêu ở trên mà Việt Nam có thể tham khảo, một giải pháp khác Việt Nam có thể thực thi được là phối hợp song phương và đa phương với các quốc gia khác thực hiện các dự án chống chuyển lợi nhuận và làm xói mòn cơ sở thuế mà OECD và các nước thuộc nhóm G20 đang thực hiện, có sự tham gia của những nước trong khu vực như Singapore.

Theo đó, các công ty đa quốc gia sẽ phải chuẩn bị một báo cáo gồm các số liệu chủ chốt (doanh thu, lợi nhuận trước thuế, thuế đã trả và số lượng nhân viên) cho tất cả các nước tham gia mà chúng có hoạt động tạo doanh thu. Bản báo cáo này sẽ được cơ quan thuế vụ ở mỗi nước xem xét, đánh giá xem liệu họ đã thu được đủ thuế hay chưa, liệu có tình huống công ty tạo ra nhiều doanh thu và tuyển dụng nhiều nhân viên ở Ấn Độ nhưng lại nộp phần lớn thuế ở Hồng Kông/Singapore hay không?

Những sự phối hợp quốc tế như thế này sẽ buộc các công ty đa quốc gia phải tái cơ cấu lại hoạt động và phân bổ doanh thu và lợi nhuận tại các quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam, nhằm phản ánh chính xác hơn tương quan giữa doanh thu và lợi nhuận của chúng tại các nước này.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin