Môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện đáng kể, tín dụng cho doanh nghiệp tăng đều qua các năm, tuy nhiên khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp siêu nhỏ gặp phải hiện nay vẫn là vốn.
Rào cản vẫn tồn tại
Theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 vừa qua của Việt Nam đã cải thiện 13 bậc so với năm 2016, được hơn 50% doanh nghiệp đánh giá, ghi nhận môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Tuy nhiên, nếu so sánh trên bình diện quốc tế, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá.
Ngày 1/1/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021. Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết 02 đặt ra đó là nâng xếp hạng chỉ số tiếp cận tín dụng lên 3 – 5 bậc và giao cho Ngân hàng nhà nước thực hiện nhiêm vụ này.
Trên tinh thần đó, từ đầu năm đến nay, nhiều hội nghị, hội thảo tăng cường kết nối giữa Ngân hàng - Doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức đã diễn ra trên cả nước nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực…
Nhưng đến nay, hệ thống tài chính ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, việc tiếp cận vốn ngân hàng của các SME vẫn nằm trong "vòng tròn lẩn quẩn" chưa có câu trả lời bởi rào cản lớn mang tên “tài sản thế chấp” đang tồn tại.
Giám đốc một công ty cổ phần trong lĩnh vực cơ khí cho hay, mỗi năm công ty cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư vào công nghệ cải tiến máy móc và phát triển nhà xưởng nhưng gặp khó khăn vì không đáp ứng được điều kiện vay vốn, các ngân hàng không nhận thế chấp tài sản là đất đã thuê hàng chục năm tại KCN. Do đó, công ty đã phải tìm đến nguồn vốn từ xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng Ngân hàng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Chủ động gỡ vướng
Để tồn tại và phát triển, thời gian qua, các SME linh hoạt huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau như: các quỹ đầu tư, các công ty tài chính, phát hành trái phiếu, cổ phiếu.
Trong bối cảnh nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, công ty tài chính ngày càng bị thắt chặt, với các doanh nghiệp, việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu trở thành một kênh hút vốn hiệu quả.
Thực tế, trên thị trường chứng khoán đã có rất nhiều doanh nghiệp phát hành thành công lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp từ vài trăm tỷ đến vài nghìn tỷ. Nhưng lãi suất huy động của kênh này thường cao hơn lãi suất vay ngân hàng, dao động từ 10% đến 12% nên nguồn vốn này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn, tài sản nhiều.
Đó là chưa kể, người lao động khi mua trái phiếu của doanh nghiệp thì lãi từ trái phiếu lại phải chịu thuế thu nhập cá nhân, đây cũng là một trong yếu tố gây cản trở đến việc huy động vốn từ trái phiếu.
Do vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện thành công các hình thức trên, nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ như SME.
Giải pháp khơi thông vốn cho SME
Gần đây, nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn mới từ xã hội được cộng đồng SME đặc biệt quan tâm, trong đó phải kể tới các Sàn cho vay ngang hàng (P2P Lending).
Đây là mô hình kinh doanh mới du nhập vào Việt Nam và hiện đang được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước hoàn thành đề án, trước mắt là tham khảo cách thức quản lý của các nước và sẽ đề xuất thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng, coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện.
Sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội của một loại hình dịch vụ sáng tạo, P2P dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người cho vay với người cần vay mà không thông qua trung gian tài chính, chi phí dịch vụ thấp, thủ tục nhanh gọn, đơn giản.
Với hình thức này, P2P Lending có lợi thế lớn thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn, từ đó sẽ huy động một cách hiệu quả lượng tiền nhàn rỗi trong dân - nguồn vốn tiềm năng để giải bài toán về dòng vốn trung - dài hạn cho các doanh nghiệp, nhất là các SME.
Trên thị trường hiện nay có nhiều Sàn giao dịch cho vay ngang hàng hoạt động, nhưng rất ít sàn hướng đến phục vụ các SME. Nổi bật trong số đó có Vnvon - sàn giao dịch cho vay ngang hàng mới được thành lập và đang được đánh giá là giải pháp khơi thông vốn cho các SME.
Dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng từ thị trường, VnVon đặt mục tiêu mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp như: đáp ứng nhu cầu vốn mọi lúc, mọi nơi; thủ tục nhanh chóng; kỳ hạn vay linh động phù hợp nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, VnVon cũng hỗ trợ và tư vấn cấu trúc tài chính, quản trị cho doanh nghiệp hay quảng bá hình ảnh, sản phẩm cho doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ số hiện đại.
Sự xuất hiện của những doanh nghiệp như VnVon được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn tiềm năng cho các SME trong thời gian tới.
Tống Trường Sơn