Xử đại án ngân hàng, lộ hàng loạt bất cập pháp lý và quản lý

17/10/2017 09:48

(Pháp lý) - Đó là những bất cập, lỗ hổng pháp lý trong việc mua bán; định giá ngân hàng; lỗ hổng công tác cán bộ; công tác quản lý; giám sát yếu kém để xảy ra các đại án... gây thiệt hại cho nền kinh tế, đặc biệt làm ảnh hưởng uy tín của ngân hàng với người gửi tiền.

Mua ngân hàng 0 đồng: Không theo quy định nào của pháp luật?

Thời điểm năm 2015, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (G.P Bank), dựa trên cơ sở kết quả thanh tra và kiểm toán, NHNN cho rằng những ngân hàng trên đều là những ngân hàng rất yếu kém, nợ xấu cao, nguy cơ mất vốn rất lớn, giá trị ngân hàng là âm hàng nghìn tỷ đồng và giá trị mỗi cổ phần là bằng 0 đồng.

 Hà Văn Thắm – bị cáo đầu vụ trong đại án xảy ra tại Oceanbank
Hà Văn Thắm – bị cáo đầu vụ trong đại án xảy ra tại Oceanbank)

Về mặt pháp lý, ba ngân hàng thương mại trên đều rơi vào ít nhất một trong các trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 3, Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng về “Áp dụng kiểm soát đặc biệt” khi có nguy cơ mất khả năng chi trả; nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán; khi số lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán; hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời hạn một năm liên tục.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam- Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO: Sau khi áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt, liên tiếp từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại ba Ngân hàng thương mại cổ phần trên với giá 0 đồng và chuyển đổi thành Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên, do Nhà nước làm chủ sở hữu. Cả ba ngân hàng này vẫn được giữ lại để tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng hàng nghìn cổ đông sở hữu số cổ phiếu mệnh giá hơn chục nghìn tỷ đồng của ba ngân hàng lập tức bị chấm dứt tư cách cổ đông, không còn được hưởng bất kỳ quyền lợi nào, đồng thời cũng không còn chịu bất kỳ nghĩa vụ nào với tư cách cổ đông ngân hàng. Vấn đề pháp lý được đặt ra là: tại sao lại mua và mua với giá 0 đồng, mà không phải là duy trì, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hay phá sản ngân hàng?

Phân tích về tính pháp lý, Luật sư Đức khẳng định: “Cơ sở pháp lý những vụ mua bán 3 ngân hàng trên không rõ ràng. Tôi khẳng định trong những vụ mua ngân hàng 0 đồng này không có bên bán, mà chỉ có bên mua là NHNN. Bản chất thật của việc mua bán là trưng thu ngân hàng, coi như là thu luôn. Như vậy là vi hiến.

Cũng liên quan đến tính pháp lý của việc mua ngân hàng 0 đồng, mới đây, trong phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại ngân hàng Oceanbank, HĐXX kiến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét lại các cơ sở pháp lý về việc Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc giá 0 đồng một số ngân hàng.

Còn Luật sư Phan Trung Hoài, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Trung Hoài phân tích: không phải sau việc xét xử vụ án xảy ra tại ngân hàng Oceanbank, mà trước đó, khi xét xử các vụ án khác xảy ra ở các ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB); Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), các vấn đề về pháp lý về việc NHNN mua các tổ chức tín dụng với giá 0 đồng đã nảy sinh trong quá trình tranh tụng.

 Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử đại án xảy ra ở VNCB
Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử đại án xảy ra ở VNCB)

Khi tham gia tố tụng vụ án Phạm Công Danh ở Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), chúng tôi đã đặt ra vấn đề về tính pháp lý của quyết định cưỡng chế mua bắt buộc VNCB với giá 0 đồng có căn cứ hay không? Cụ thể, ngày 5/3/2015, NHNN ban hành Quyết định 249 về việc quyết định mua toàn bộ cổ phần và chuyển đổi thành Ngân hàng TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nội dung của quyết định này là mua lại 100% cổ phần của VNCB với giá 0 đồng/cổ phần, đồng thời chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích của các cổ đông hiện hữu của VNCB. Theo tôi vào thời điểm đó, quyết định đó của NHNN chưa được giải thích thỏa đáng đối với 554 cổ đông của ngân hàng, vì nó liên quan đến các vấn đề về quyền lợi về tài sản của tập đoàn Thiên Thanh và cá nhân ông Phạm Công Danh. Đặc biệt mua bắt buộc 0 đồng lại diễn ra sau khi cơ quan điều tra của Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự tại VNCB ngày 26/7/2014. Chính vì vậy, khi đó chúng tôi đưa ra ý kiến cần xem xét lại quyết định mua ngân hàng này 0 đồng của NHNN. Nhưng trong trích dẫn cáo trạng có nêu là căn cứ vào khoản 3, điều 146, Luật Các tổ chức tín dụng; khoản 12, điều 14 của Luật Ngân hàng Nhà nước và thông tư số 07 ngày 14/3/2013 về kiểm soát đặt biệt với các tổ chức tín dụng. Sau đó, chúng tôi nghiên cứu tất cả các quy định này thì trong giải pháp nêu tại các văn bản nói trên, không có giải pháp nào quy định cho phép NHNN quyết định mua lại VNCB với giá 0 đồng, mà chỉ có giải pháp duy trì tỷ lệ an toàn trong hoạt động của VNCB thôi”.

Theo lập luận của Luật sư Hoài, nếu mua với giá 0 đồng sẽ làm cho các cổ đông không có cơ hội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Như vậy chẳng khác nào cưỡng chế làm mất hết quyền lợi của cổ đông, trái với các quy định của pháp luật đối với các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, việc mua 0 đồng cũng không phù hợp với quy định pháp luật liên quan khi mua. Nếu coi là mua cưỡng chế, mua bắt buộc, kiểu như “trưng mua” tài sản phải thực hiện theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Nhưng trong danh mục của Luật Trưng mua, trưng dụng chỉ cho mua nhà ở, tài sản gắn liền với đất, thuốc chữa bệnh, lương thực, công cụ, vật tư, thiết yếu, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, chứ hoàn toàn không có cổ phần và cổ phiếu của doanh nghiệp. Như vậy, đối tượng của trưng mua, trưng dụng không có cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Từ thực tế trên, Luật sư Hoài cho rằng cần phải xem xét lại tính pháp lý của việc mua ngân hàng với giá 0 đồng.

Dưới góc nhìn của một giảng viên giảng dạy trong lĩnh vực ngân hàng, PGS. TS Phan Thị Thu Hà, khoa Ngân hàng – Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: về vấn đề pháp lý của việc mua ngân hàng 0 đồng là không rõ ràng nhiều người đã nhìn ra rồi. Nhưng về học thuật, bản chất của mua bán sáp nhập là tạo nên giá trị cộng hưởng, tức là làm cho tổ chức yếu kém mất đi, làm cho tổ chức sau mua bán mạnh lên. Về lý thuyết, ngân hàng mạnh lên là chính vì sau mua bán, sáp nhập vốn sẽ tăng, khách hàng tăng, mạng lưới tăng. Nhưng cái khó khăn nảy sinh là vấn đề xử lý nợ xấu, khác biệt văn hóa, cổ đông mất tiền, lãnh đạo mất chức, nhân viên ngân hàng bị mất việc.

Huỳnh Thị Huyền Như – bị cáo đầu vụ trong đại án lừa đảo xảy ra tại Vietinbank
Huỳnh Thị Huyền Như – bị cáo đầu vụ trong đại án lừa đảo xảy ra tại Vietinbank)

Cố ý làm trái, lừa đảo ở các tổ chức tín dụng: Bộc lộ công tác quản lý, giám sát, phòng ngừa, cảnh báo có “vấn đề”?

Theo Luật sư Võ Đình Đức: “Trong nhiều vụ án xảy ra thời gian qua cho thấy, việc kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa được thực hiện một cách hiệu quả; hoạt động kiểm tra chéo giữa các Ngân hàng còn lỏng lẻo, không được chú trọng. Chức năng thanh tra, giám sát, cảnh báo của chúng ta chưa kịp thời, dẫn đến hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Cụ thể trong vụ án xảy ra tại Oceanbank, theo tôi, cần làm rõ và xử lý nghiêm minh cả trách nhiệm của thanh tra, giám sát của NHNN. Vì NHNN chậm xử lý, cảnh báo đối với các Ngân hàng có sự biến động phức tạp, rủi ro về nợ xấu và lưu chuyển nợ”.

Một thực tế khác thời gian gần đây gây lo ngại đó là, tội phạm lừa đảo đã xuất hiện và xảy ra khá nhức nhối ở một số ngân hàng, nếu không có biện pháp hữu hiệu thì người thiệt đầu tiên vẫn là người gửi tiền. Góp ý cho vấn đề này, Luật sư Võ Đình Đức phân tích: “Việc các Ngân hàng giao quyền quá lớn cho Trưởng các phòng giao dịch, chi nhánh dễ dẫn tới việc họ lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện các hành vi phạm tội, lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng trong quá trình giao dịch, để thực hiện các hành vi ngoài tầm hiểu biết của khách hàng. Thông thường các Phôi, Mẫu sổ tiết kiệm, ký nhận tiền gửi đều được quản lý chặt và có quy trình của Ngân hàng đặt ra. Nhưng, do hạn chế, sơ hở trong việc quản lý các loại phôi, mẫu và chứng nhận cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra là các chế tài xử lý còn ở mức thấp và nhân đạo, chưa có tính răn đe, phòng ngừa với đại đa số các đối tượng trong xã hội. Thời gian gần đây, khi các vụ việc lừa đảo liên tiếp bị phanh phui, chúng ta mới thấy được sự quyết tâm giải quyết của các cơ quan hành pháp”.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức chỉ ra rằng: “Thực tế khi xảy ra hành vi lừa đảo của cán bộ ngân hàng, từ trước đến nay chỉ có người gửi tiền mất tiền, chứ ngân hàng hiếm bao giờ mất. Đây là một thực trạng nhức nhối, cần sớm có biện pháp giải quyết”.

Phân tích sâu hơn, Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng: Với chủ trương cho phép mở rộng các ngân hàng thương mại cổ phần có phần tham gia xã hội hóa, nhưng khả năng về kiểm soát, giám sát của NHNN có nhiều hạn chế. Trong pháp luật cũng có một số vướng mắc làm cho các tổ chức tín dụng khi hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ vấn đề liên quan đến chế độ sở hữu về đất đai, thế chấp quyền sử dụng đất, vấn đề hình thành tài sản trong tương lai, rồi liên quan đến các dự án bất động sản, quyết định không được chuyển nhượng mua bán hoặc là huy động vốn khi anh chưa xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng thực chất các doanh nghiệp bất động sản vay phần lớn nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, dẫn đến tình trạng có rất nhiều kẽ hở. Vấn đề nữa là muốn huy động vốn, phải chi lãi ngoài, lãi trong nên chuyện vượt trần lãi suất gần như là phổ biến. Tất cả là do chính sách không theo được quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nên người ta phải phá rào.Nhưng phá rào lại vi phạm pháp luật.

Cụ thể, ở vụ án Nguyễn Đức Kiên tại Ngân hàng TMCP Á Châu, luật chưa quy định về sở hữu chéo; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đại án tham nhũng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội là do bản thân các cán bộ của ngân hàng cố ý làm trái quy định, mặt khác do kiểm soát nội bộ kém để nhân viên lấy tiền của khách để ngoài sổ sách, chứ thực ra khách hàng không có lỗi.

Nguyễn Hòa

Bạn đang đọc bài viết "Xử đại án ngân hàng, lộ hàng loạt bất cập pháp lý và quản lý" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin