Xây dựng luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên

09/04/2024 15:10

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (5/2024) tới đây. Quan tâm tới dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là cần thiết nhằm đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

1-1712654637.jpeg

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (5/2024)

Vừa qua, Tòa án Nhân dân Tối cao đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được xin ý kiến dự kiến gồm 156 Điều, bố cục thành 5 phần, 11 chương, quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng là người chưa thành niên; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Tại dự án luật đề xuất xây dựng 06 nhóm chính sách trọng tâm, bao gồm: (1) Đổi mới, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện; (2) Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về hình phạt đối với người chưa thành niên; (3) Xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp xử lý chuyển hướng; (4) Quy định cơ chế điều phối quốc gia về tư pháp người chưa thành niên; (5) Quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của người làm công tác xã hội trong tư pháp hình sự người chưa thành niên; (6) Đổi mới cơ chế thi hành án và tái hoà nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên.

Theo PGS.TS Trần Đình Nhã, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Hiến pháp năm 2013 đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng. Do đó, để thể chế hóa những yêu cầu, nhiệm vụ đó việc xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là cần thiết, nhằm đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Nhấn mạnh đây là một đạo luật tiến bộ, nhân đạo, thực sự tuân thủ nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, ngay cả khi họ có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, PGS.TS Trần Đình Nhã cũng bày tỏ đồng tình với đa số nội dung trong quy định tại Dự thảo Luật. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Nhã kiến nghị, cần rà soát, hoàn thiện quy định tại Chương II (Những nguyên tắc cơ bản) theo hướng, sắp xếp lại thứ tự các nguyên tắc và nên nhập một số nguyên tắc thành một nguyên tắc chung với nhiều yêu cầu. Cụ thể: Đề nghị nhập Điều 13. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên vào Điều 8. Bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời thành Điều luật: Bảo đảm quyền được thông tin và bảo vệ bí mật cá nhân của người chưa thành niên;…

2-1712654644.jpg

PGS.TS Trần Đình Nhã, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội

Tán thành sớm ban hành Luật tư pháp người chưa thành niên, PGS. TS Đỗ Thị Phượng, Phó Trưởng khoa Pháp luật hình sự - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, iệc xây dựng một luật riêng về tư pháp người chưa thành niên là hoàn toàn phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và giáo dục, xử lý người chưa thành niên. Đồng thờim bảo đảm tính khả thi, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; có lộ trình và bước đi thích hợp; đảm bảo sự kế thừa những yếu tố truyền thống hợp lý; tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài; bảo đảm phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em và người chưa thành niên.

Tiếp cận dự thảo luật, PGS. TS Đỗ Thị Phượng lưu ý, để Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đạt được hiệu quả tối đa thì đối tượng và phạm vi áp dụng của Dự thảo cần phải chỉnh sửa cho phù hợp hơn, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

3-1712654644.jpg

PGS. TS Cao Thị Oanh, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật Hà Nội

Ở góc độ khác, PGS. TS Cao Thị Oanh, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong luật Tư pháp người chưa thành niên là một giải pháp hợp lý và kịp thời để khắc phục những bất cập trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc quy định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong luật Tư pháp Người chưa thành niên không trái với các quy định liên quan trong Bộ luật Hình sự.

Cũng theo PGS. TS Cao Thị Oanh, về mặt lý luận, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, trong nhiều năm qua, nhiều nhà khoa học pháp lý hình sự Việt Nam đề xuất mở rộng nguồn của luật hình sự Việt Nam. Theo đó, tội phạm và hình phạt không chỉ được quy định trong BLHS mà còn được quy định trong các luật chuyên ngành. Trong bối cảnh Luật Tư pháp chưa thành niên đang được xây dựng, nếu đưa quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên vào Luật này thì những bất cập trong quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên trong Bộ luật Hình sự có thể được kịp thời khắc phục, góp phần xây dựng chính sách đồng bộ trong xử lý người chưa thành niên phạm tội và cũng đặt dấu mốc đầu tiên để thực hiện sự chuyển đổi về nguồn của luật hình sự Việt Nam.

 

4-1712654644.jpg

GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH

Ủng hộ việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên toàn diện, hình thành một hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng, GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH đề nghị trong quá trình hoàn thiện cần rà soát kỹ hơn nữa để giải quyết hài hoà sự trùng lắp, chồng chéo, sự phân biệt chưa rõ ràng giữa thiết chế tư pháp hình sự thông thường và thiết chế tư pháp người chưa thành niên; giữa các thiết chế của Hệ thống tư pháp người chưa thành niên và Hệ thống phúc lợi trẻ em. Hệ thống phúc lợi trẻ em chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề về gia đình và bảo vệ trẻ em, là cơ quan dịch vụ xã hội; Hệ thống tư pháp người chưa thành niên có trách nhiệm xử lý người chưa thành niên phạm tội, là thiết chế công quyền. Vì vậy, cần khẳng định rõ để có sự phân biệt cụ thể.

 Bên cạnh đó, Luật Trẻ em hiện hành đã thiết lập các thiết chế như Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã (Điều 53), Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em (Điều 55), Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em (Điều 94), Quỹ bảo trợ trẻ em (Điều 95). Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng quy định về các thiết tương tự nhưng khác biệt về vai trò. Vì vậy, GS.TS. Hoàng Thế Liên lưu ý, cần cân nhắc để áp dụng một cách linh hoạt, hiệu quả phương thức Thiết chế kép hay Vai trò kép theo hướng khai thác tốt các thiết chế đã có./.

Lê Anh

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin