Một số đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về Tín dụng xanh

(Pháp lý) –Tại Việt Nam, chương trình Tín dụng xanh ( TDX ) đã triển khai hơn 10 năm, nhưng vì chưa có một khung pháp lý hoàn thiện điều chỉnh, nên cho đến nay quy mô giải ngân cho hoạt động tín dụng xanh vẫn còn chưa nhiều… Việc sớm nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tín dụng xanh để thu hút và khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh cho đầu tư phát triển kinh tế xanh về lâu dài là rất cần thiết.
1-1721637061.jpg

Tín dụng xanh đang rất cần một khung pháp lý hoàn thiện điều chỉnh ( Ảnh minh hoạ)

Sự cần thiết của khung pháp lý về Tín dụng xanh

Khái niệm tín dụng xanh (TDX) được hiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 149 Luật BVMT năm 2020: “Tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sau đây: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tạo ra lợi ích khác về môi trường”. Như vậy TDX được hiểu là những khoản cấp tín dụng (có thể dưới dạng cho vay và các hình thức cấp tín dụng khác) mà ngân hàng cấp cho các dự án thân thiện với môi trường nhằm để bảo vệ môi trường (BVMT) hoặc tạo ra lợi ích khác về môi trường.

Theo ngân hàng thế giới, năm 2022, Việt Nam phát thải 344 triệu tấn CO2/năm, xếp thứ 17 trên toàn cầu, trong đó ngành năng lượng chiếm đến 63,3% lượng phát thải này. Tình trạng môi trường ở Việt Nam trong những năm gần đây dễ bị tổn thương, nhất là do biến đổi khí hậu, thể hiện qua sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường (bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, triều cường,...) cả về số lượng và cường độ. Trong bối cảnh gia tăng các hoạt động tác động tiêu cực đến môi trường như hiện nay và sự khó khăn của nền kinh tế, hoạt động cấp TDX của ngân hàng sẽ góp phần đáng kể tạo sự thay đổi trong hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế xanh để chống biến đổi khí hậu, nuôi dưỡng và bảo vệ môi trường.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng ban hành nhiều văn bản, chính sách và triển khai thực hiện. Đến nay, liên quan đến TXD, NHNN đã ban hành: (i) Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, trong đó có quy định nguyên tắc cho vay của TCTD đối với khách hàng phải phù hợp với quy định của pháp luật về BVMT. Trước đó là Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Thống đốc NHNN về thúc đẩy tăng trưởng TDX và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Với mục tiêu đặt ra hoạt động cấp tín dụng cần chú trọng đến BVMT, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững; (ii) Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, trong đó xác định mục tiêu hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường;

Đặc biệt gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lí rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Được xem là thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành Ngân hàng với công tác bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng quản trị rủi ro của các TCTD trước rủi ro về môi trường, biến đổi khí hậu, hướng hoạt động của các TCTD ngày càng tiệm cận đối với quy chuẩn, thông lệ quốc tế về tài chính bền vững. Theo đó, thời gian qua các tổ chức tín dụng (điển hình là Techcombank, HD Bank, Nam Á Bank, BIDV) đã dành nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển ngân hàng xanh, triển khai nhiều chính sách ưu đãi trong việc cấp TDX, như: HDBank đã đưa ra gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành có các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên cả nước; BIDV triển khai mô hình chi nhánh/phòng giao dịch “Ngân hàng xanh” gắn với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng…

2-1721637069.png

Năng lượng tái tạo rất cần đến tín dụng xanh để phát triển (Ảnh minh hoạ)

Mặc dù vậy tốc độ tăng trưởng TDX còn chưa cao. Theo số liệu trong 7 năm, giai đoạn 2017 - 2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của ngành Ngân hàng có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.  Trong khi mục tiêu của Chính phủ đặt ra đến năm 2050 đòi hỏi tiến tới Net Zero (phát thải ròng bằng 0), vốn và nguồn đầu tư thông qua kênh tín dụng là nguồn lực chính. Nếu tiếp tục duy trì theo tốc độ này rất khó đáp ứng được yêu cầu chính đặt ra.

Nguyên nhân là vì hành lang pháp lý điều chỉnh về hoạt động TDX chưa đủ để giúp các TCTD tự tin trong hoạt động cấp TDX. Cụ thể là: (i) Chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp TDX; (ii) Còn thiếu các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, công cụ đo lường tác động, phân loại mức độ đối với các dự án cấp TDX để giúp các TCTD có thể đo lường và quản lý rủi ro phù hợp; (iii) Thiếu quy định, tiêu chuẩn cụ thể về các ngành/lĩnh vực xanh khuyến khích các TCTD cấp tín dụng, dẫn tới việc thiếu cơ sở để các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh…

Đề xuất một số giải pháp

Là một trong những quốc gia thuộc nhóm tiên phong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, vì vậy phát triển tài chính xanh là mục tiêu tất yếu của Việt Nam trong những nỗ lực để đạt được mục tiêu trên. Cam kết của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở để giúp cho các ngân hàng và doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đẩy mạnh cho vay và đầu tư vào các dự án xanh, bảo vệ môi trường phù hợp với chính sách khuyến khích, định hướng từ Đảng và Nhà nước.

Theo ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 368-380 tỷ USD hay 6,8% GDP mỗi năm cho đến năm 2040 để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Đây là con số đòi hỏi rất nhiều thời gian cùng sự nỗ lực, chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Ngành Ngân hàng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng TDX đạt có tốc độ 25%, đảm bảo 100% TCTD tham gia hoạt động cấp TDX; tỷ trọng TDX trong nền kinh tế từ 4,6% tăng lên 10%...  Để đạt mục tiêu đó, theo chúng tôi bên cạnh việc xây dựng một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 (trong đó cần xác định các lĩnh vực ưu tiên trước như năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch...); Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến triển khai tài chính bền vững nói chung và TDX nói riêng. Cụ thể là:

+ Ban hành bộ nhận diện TDX để nâng cao quản trị rủi ro

Trước hết có thể thấy nguyên nhân chính khiến các NHTM chưa mạnh dạn và ưu tiên phát triển TDX là do họ chưa kiểm soát được những rủi ro mà một dự án gây ô nhiễm có thể gây ra từ nguồn vốn họ tài trợ. Trong khi thế giới đang đi theo xu hướng phát triển bền vững, những dự án không thân thiện với môi trường sẽ phải gánh chịu rất nhiều áp lực, khiến cho dự án có thể bị tẩy chay hoặc đình chỉ, dẫn đến doanh nghiệp bị phá sản, vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi. Điều này dẫn đến phát sinh những khoản nợ xấu tại các NHTM. Đó là chưa kể danh tiếng và uy tín của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng từ những vụ kiện tụng của người dân liên quan đến các dự án này…

Theo các chuyên gia, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển TDX được coi là chìa khóa để mở ra một nền tài chính xanh vững mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng thương mại khó khăn trong lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp TXD. Lý do, chưa có bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cụ thể công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển tín dụng xanh; chưa có hướng dẫn chi tiết về quy trình thẩm định TDX nên ngân hàng chưa định hướng được cách thức xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa thể đánh giá đúng chất lượng các dự án đầu tư... Sự khập khiễng về hành lang pháp lý đã gây khó khăn cho các TCTD trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp TDX.

Vì vậy rất cần đẩy nhanh việc ban hành quy định pháp luật về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp TDX của các tổ chức tín dụng, chi tiết hóa các thông tin về cấp TDX, thể chế hóa việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng tại các văn bản pháp lý chuyên ngành. Cụ thể: (i) Tiêu chí phân loại dự án xanh, hướng dẫn công bố thông tin tài chính khí hậu theo chuẩn quốc tế; đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể, định hướng NHTM tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho tín dụng xanh; (ii) Danh mục phân loại xanh làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp TDX…

+ Cần có cơ chế để thu hút nguồn lực trái phiếu xanh

Hiện nay, nguồn lực tài chính cho TDX của các TCTD phần lớn dựa vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế như GCTF,  IFC, ADB… Song các nguồn lực này chủ yếu đến từ bên ngoài và chỉ có thể đóng vai trò thúc đẩy phát triển trong giai đoạn đầu. Có nghĩa nguồn vốn huy động của các TCTD phần lớn là vốn ngắn hạn trong khi việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn, nhu cầu thời gian hoàn vốn lâu.

Vì vậy bên cạnh nguồn lực của các TCTD, rất cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn của tư nhân cho đầu tư xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh. Đặc biệt là TPX, để thu hút cần có  chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành TPX. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ, Singapore. Tại Ấn Độ từ năm 2015, để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, quốc gia này đã phát hành TPX có kỳ hạn miễn thuế bằng mệnh giá đô la (có kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm) và họ đã thành công vì sự tăng trưởng ngoạn mục từ 1 tỷ USD năm 2020 tăng lên 7 tỷ USD năm 2021. Sau thành công này, Ấn Độ khai thác nguồn tài trợ TPX ở nước ngoài nhằm tạo nguồn lực dồi dào cho xanh hóa nền kinh tế của mình trong tương lai, đảm bảo mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2070. Để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, Ấn Độ đã áp mức lợi nhuận được điều chỉnh theo lạm phát lên tới 4%...

Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình phát hành TPX và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia vào quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, TPX và dán nhãn dự án xanh; quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, thị trường quỹ và thị trường phái sinh nhằm: Giảm tải phụ thuộc vốn trung dài hạn vào hệ thống ngân hàng; cơ quan quản lý cần có chính sách, giải pháp để trực tiếp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế, các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng xanh và tài chính xanh...

+ Ưu đãi về lãi suất vay để nhà đầu tư tiếp cận dự án xanh

Việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi đó nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường nên có chi phí cao. Nhất là các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường, năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. 

3-1721637069.jpg

Lãi suất cho vay dự án xanh chưa thật sự hấp dẫn các doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Thế nhưng trên  thực tế lãi suất cho vay đối với các dự án xanh chưa có sự khác biệt với các khoản vay khác của ngân hàng. Mức lãi suất ngắn hạn dao động trong khoảng 6,2 - 9,4%/năm, các khoản vay trung, dài hạn khoảng 9,4 - 11,4%/năm. Trong khi các phương án kinh doanh yêu cầu đáp ứng được các điều kiện khắt khe về bảo vệ môi trường, các thủ tục vay vốn phức tạp. Chính vì những yêu cầu này, khách hàng ít có nhu cầu sử dụng sản phẩm TDX của ngân hàng. nếu không có hỗ trợ lãi suất hay những cơ chế ưu đãi khác. Vì vậy mà chưa thật sự hấp dẫn các doanh nghiệp khi lựa chọn dự án xanh để đầu tư.

Để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng. Có nghĩa cần bổ sung chính sách ưu đãi đối với các ngân hàng thực hiện TDX như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; các khoản vay này được ưu tiên về thời hạn và nguồn vốn cho vay so với các lĩnh vực khác. Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.

+ Các Ngân hàng cần xây dựng và ban hành về “Khung tín dụng xanh”

Cùng với các chính sách của Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần xây dựng và ban hành về “Khung tín dụng xanh” (tức quy trình sử dụng và quản lý nguồn vốn vay xanh để cho vay các dự án đáp ứng tiêu chí xanh phù hợp), bám sát 04 tiêu chí của Nguyên tắc Tín dụng xanh 2018 (GLP 2018) với các nội dung cơ bản như mục đích sử dụng vốn vay; quy trình đánh giá và lựa chọn dự án; quản lý sử dụng vốn vay; và báo cáo. Khung TDX chỉ dành cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn với mục đích đầu tư cho các kế hoạch, dự án thân thiện với môi trường, thỏa mãn các tiêu chí xanh (là các khoản vay tài trợ dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng với mục tiêu chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường).

Sau khi đã xây dựng được “Khung tín dụng xanh”, các ngân hàng cần một bên thứ ba độc lập đánh giá, xác nhận sự tuân thủ, nhất quán của khung tín dụng vừa xây dựng. Các tổ chức tín dụng cũng cần chủ động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định cấp tín dụng hoặc hoạt động đầu tư, mở rộng sản phẩm dịch vụ nhằm giúp việc đánh giá, đo lường và phân loại các mức độ rủi ro được chính xác, đầy đủ, từ đó, sẽ hạn chế hoặc từ chối các dự án có rủi ro cao, tác động xấu đến môi trường.

+ Sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

Để giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thêm nguồn lực thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, thì nguồn tài chính đến từ thị trường tín chỉ carbon đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong khi đó theo các chuyên gia, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Mới đây, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trên 51 triệu USD dựa trên kết quả giảm phát thải tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của Ngân hàng thế giới.

Tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển nhượng cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng (tương ứng 5,15 triệu tấn CO) tại 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, với giá tối thiểu 10 USD/tấn... Đây là những tín hiệu tích cực trong việc thương mại hoá tín chỉ carbon của Việt Nam. Vì vậy việc sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trong đó làm rõ vai trò tham gia của các định chế tài chính, các TCTD trong triển khai thực hiện TDX là cần thiết để gia tăng nguồn lực thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết.

---------------------------

Bài viết có tham khảo các tài liệu:

https://nhandan.vn/thieu-co-che-cho-tin-dung-xanh-post772054.html

https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/apph/tbnh/tbnh_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV5

https://danchuphapluat.vn/vuong-mac-trong-quy-dinh-phap-luat-ve-tin-dung-xanh-ngan-hang-xanh-va-mot-so-kien-nghi-hoan-thien

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin