Đối với bản án bị tuyên hủy để xét xử lại thì việc thi hành án tù của bị cáo khác áp dụng thủ tục như thế nào và việc chấp hành án của họ có được xem xét trong việc quyết định hình phạt sau này không?
Đối với bản án bị tuyên hủy để xét xử lại thì việc thi hành án tù của bị cáo khác áp dụng thủ tục như thế nào và việc chấp hành án của họ có được xem xét trong việc quyết định hình phạt sau này không? Xin nêu một vụ án như sau:
Ngày 01/01/2018, Nguyễn Văn A và Phạm Văn B (cả 02 đều đủ năng lực và tuổi chịu trách nhiệm hình sự) rủ nhau trộm cắp xe máy của anh Vũ Văn C, trị giá 10.000.000 đồng.
Ngày 10/3/2018, Nguyễn Văn A và Phạm Văn B bị TAND huyện M đưa ra xét xử và Tòa tuyên phạt A 12 tháng tù; phạt B 18 tháng tù về Tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015.
Sau khi bản án tuyên, B kháng cáo xin giảm hình phạt (A không kháng cáo, VKS không kháng nghị bản án).
Ngày 20/5/2018, TAND tỉnh T xét xử phúc thẩm, căn cứ Điều 345, Điều 358 BLTTHS năm 2015 tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại (với lý do là có căn cứ xác định các bị cáo phạm tội có tổ chức nhưng cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ).
Do A không kháng cáo và VKS không kháng nghị bản án sơ thẩm nên ngày 15/4/2018 Chánh án TAND huyện M căn cứ Điều 44, Điều 364 BLTTHS năm 2015 ra quyết định thi hành án phạt tù đối với A và ngày 20/4/2018, A đến cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện M để thi hành án.
Sau khi A đã chấp hành hình phạt tù được 31 ngày thì bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm tuyên hủy và vụ án được áp dụng thủ tục tố tụng lại từ đầu.
Vấn đề đặt ra tại đây là do bản án sơ thẩm bị tuyên hủy nên việc thi hành án phạt tù của A cần phải áp dụng thủ tục như thế nào và sau này quá trình xét xử sơ thẩm lại A tiếp tục bị kết án thì việc chấp hành án (31 ngày) của A có được xem xét trong việc quyết định hình phạt không? Vì Luật Thi hành án hình sự năm 2010, BLTTHS năm 2015, BLHS năm 2015 không quy định và cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn về nội dung này.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như nêu trên, theo quan điểm của tác giả, trước mắt liên ngành tư pháp Trung ương cần có văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong toàn quốc, nội dung theo hướng:
– Đối với các quyết định thi hành án hình sự đang được thi hành nhưng sau đó bản án mà Tòa án làm căn cứ để ra quyết định thi hành án hình sự bị cấp có thẩm quyền tuyên hủy thì Tòa án đã ra quyết định thi hành án hình sự đó ra Quyết định hủy quyết định thi hành án hình sự, quyết định hủy trên phải được gửi ngay đến nơi bị án đang thi hành án, trên cơ sở của Quyết định hủy quyết định thi hành án hình sự thì Cơ quan thi hành án hình sự hoặc trại giam tiến hành trả tự do ngay cho bị án.
– Đối với việc bị án đã có thời gian chấp hành án phạt tù, nhưng sau đó bản án mà bị án thi hành bị cấp có thẩm quyền tuyên hủy, sau xét xử sơ thẩm lại thì thời gian đã chấp hành án phạt tù của bị cáo trước đó được xem xét để trừ vào thời gian chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (01 ngày chấp hành án phạt tù bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ) hoặc được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù (01 ngày chấp hành án phạt tù bằng 01 ngày tù); Đối với bị án đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ sau xét xử sơ thẩm lại nếu tiếp tục bị tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ thì thời gian đã chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trước đó được trừ vào thời gian chấp hành án của bản án sau hoặc sau xét xử sơ thẩm lại bị tuyên phạt tù thì thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù (03 ngày cải tạo không giam giữ bằng 01 ngày tù). Đồng thời kiến nghị với UBTVQH và Quốc hội xem xét bổ sung những nội dung trên vào Luật Thi hành án hình sự, BLTTHS và BLHS.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc về vấn đề này.
Theo kiemsat.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/vuong-mac-trong-thi-hanh-an-hinh-su-khi-ban-an-so-tham-bi-huy