Vụ Phó bí thư tỉnh ủy Bình Định bị dư luận chỉ trích: Cần đối diện với sự thật (?!)

06/08/2016 03:43

(Pháp lý) - Sau câu chuyện bằng cấp khai lùi, tuần qua dư luận Bình Định tiếp tục “nóng” lên khi báo chí đưa thêm thông tin Ủy ban kiểm tra (UBKT) Trung ương Đảng còn làm rõ việc bổ nhiệm nhiều người thân của ông Lê Kim Toàn – đương kim Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định vào các chức danh lãnh đạo.

Sự thật về những việc làm của ông Toàn chính xác đến đâu còn phải chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan có chức năng, nhưng sẽ là không công bằng nếu như dư luận chưa thấy hết căn nguyên và bản chất của vấn đề….

Kỳ 1: “NẠN NHÂN” CỦA… BẰNG CẤP ?

Lẽ thường “sinh cha rồi mới sinh con” nhưng ông Lê Kim Toàn thì ngược lại, sau khai bằng Tiến sĩ quản lý giáo dục ( tháng 10/2015) để ứng cử vào BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XIX, đến tháng 5/2016 khi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ông Toàn đột ngột thay đổi bằng cấp từ Tiến sĩ xuống Thạc sĩ quản lý giáo dục.

Việc ông Toàn chủ động khai lùi bằng cấp, theo dư luận đó là một bước tiến trong nhận thức, khi mà ông nhận ra trước đó mình đã khai chưa đúng, hay thậm chí biết sai mà vẫn cố ý để... phô trương (điều này chỉ có ông mới biết). Còn theo chúng tôi, chỉ riêng động tác này ông Toàn đã ghi điểm cộng, không sợ khuyết điểm, dám nhìn thẳng sự thật để kịp thời sửa sai, đó là một đức tính cần thiết đối với một đảng viên chân chính.

Nhưng vì sao dư luận lại quan tâm đặc biệt, đơn giản là vì ông đang là một Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, ở vị trí mà người xưa thường nói “dưới một người, trên vạn người” đối với phạm vi Đảng bộ một tỉnh.

Thật Philipines - giả Việt Nam

[caption id="attachment_145699" align="aligncenter" width="410"]Ông Lê Kim Toàn chủ động trần tình trước cử tri Tuy Phước (sáng 2/8) về chuyện bằng cấp của mình Ông Lê Kim Toàn chủ động trần tình trước cử tri Tuy Phước (sáng 2/8) về chuyện bằng cấp của mình[/caption]

Tiếp xúc cử tri huyện Tuy Phước với tư cách là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021, sáng 2/8, ông Toàn chủ động trần tình (không đợi cử tri lên tiếng), việc ông đi học Tiến sĩ ở nước ngoài không hề có động cơ nào khác ngoài nhu cầu nâng cao trình độ cho bản thân. “Tôi đi học là đi học thật. Văn bằng tôi được cấp là văn bằng có giá trị pháp lý của nước bạn. Còn việc kê khai văn bằng là phải thực hiện theo các quy định của nước ta….” – ông Toàn cho biết.

Sòng phẳng mà nói việc một cán bộ chủ chốt như ông (vào thời điểm đi học ông Toàn là ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định) mà có tinh thần cầu thị, hiếu học như vậy là rất đáng trân trọng, đó là một tấm gương sáng cần được cổ súy.

Trở lại vấn đề, nếu như bằng Tiến sĩ quản lý giáo dục của ĐH Bulacan cấp không được công nhận ở Việt Nam thì đương nhiên ông Toàn phải có trách nhiệm hoàn trả kinh phí cho ngân sách, như lời ông Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đã khẳng định trước công luận. Cũng như việc kê khai bằng cấp khai chưa chính xác thì khai lại, vậy thì việc gì phải “rùm beng”. Thoạt nghe rất bình thường, nhưng khổ nỗi quá trình xúc tiến thủ tục để “lều chõng” đi lấy bằng Tiến sĩ “chớp nhoáng” của ông Toàn lại để xảy ra nhiều thị phi.

Vì sao ông Toàn lại “chọn mặt gửi vàng” để nâng cao trình độ ở Trường đại học quốc gia Bulacan Stale (Philipines) mà không phải là một trường đại học nào khác. Thiếu thông tin chăng, dẫu vậy vẫn không thể chấp nhận vì kinh phí đi học là tiền thuế của dân (chứ không phải tiền của cá nhân ông bỏ ra), cần phải trân trọng, chắt chiu, không thể tìm hiểu qua loa. 386 triệu đồng để đánh đổi một tấm bằng Tiến sĩ không có giá trị pháp lý tại Việt Nam, có đáng không, đó là chưa kể thời gian hơn 100 ngày “lều chõng” cũng đã làm ảnh hưởng đến công việc quản lý mà ông đang đảm nhiệm. Ngược lại, nếu ông Toàn đã biết rất rõ “nội tình” về trường ĐH này (chưa được Bộ GD&ĐT cho phép liên kết đào tạo với Trường ĐH Đại Nam Việt Nam) mà vẫn cố chấp làm đơn xin tổ chức cho đi học thì càng cần phải phê phán, vì khi đó chỉ có thể là động cơ vụ lợi cá nhân…

[caption id="attachment_145700" align="alignleft" width="307"]Đơn phản ánh của ông Huỳnh Tấn Phú – đảng viên, Hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Định về chuyện bằng cấp của ông Toàn Đơn phản ánh của ông Huỳnh Tấn Phú – đảng viên, Hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Định về chuyện bằng cấp của ông Toàn[/caption]

Lật lại Quyết định số 45/2007/QĐ-UBND ngày 17/12/2007 của UBND tỉnh Bình Định quy định một số chính sách đào tạo cán bộ khoa học - công nghệ trình độ cao tỉnh Bình Định, mới biết vào thời điểm đó, ông Toàn đi nghiên cứu sinh lấy bằng Tiến sĩ có nhiều “cái không”: Thứ nhất, ĐH Bulacan – Philipines không nằm trong danh sách các trường đào tạo có chất lượng được hưởng chính sách ưu đãi của tỉnh (được ghi rõ trong QĐ này, gồm các nước: Singapo, Úc, Ấn Độ, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan); thứ hai, chuyên ngành đào tạo được hưởng chính sách theo quy định trong Quyết định 45 phải là: “Công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ sinh học, hoá dầu, luật quốc tế, thương mại, tài chính, chứng khoán, kiến trúc, tim mạch, thần kinh cột sống”; thứ ba, điều kiện để được đi học Tiến sĩ ngoài nước không quá tuổi 30, trong khi đó ông Toàn đã bước sang tuổi 46… (?)

Sau khi được ĐH Bulacan cấp bằng Tiến sĩ quản lý giáo dục vào ngày 7/12/2003, ông Toàn đã chủ động khai bổ sung hồ sơ lý lịch (cuối năm 2013) và photo bằng, bảng điểm gửi cho tổ chức. Ông Toàn ngộ nhận hay cố ý khai để phô trương ? Trần trình trước cử tri hôm 2/8, ông Toàn khẳng định “trong việc này, tôi không hề có gian dối bất kỳ điều gì”. Nghĩa là ông kê khai thật. Trên thực tế là vào thời điểm này, trên một số phương tiện truyền thông đã có bài viết đề cập đến hình thức du học Tiến sĩ “ngắn ngày”.

Báo Tuổi Trẻ hồi tháng 10/2013 dẫn nguồn đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD&ĐT cho biết đã có một số người mang bằng Tiến sĩ do ĐH Bulacan cấp để yêu cầu được công nhận nhưng không được công nhận. Lý do, theo vị đại diện này các chương trình đào tạo do ĐH Bulacan chưa được phê duyệt tại Việt Nam, trong khi đó tại khoản 2 Điều 3 Quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình đào tạo đó đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD&ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.

Cứ cho là vào thời gian trên ông Toàn chưa có đầy đủ thông tin nhưng còn việc ông khai lại lần hai (10/2015) để ứng cử vào vào BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XIX thì không thể nói là ngộ nhận, khi mà vào thời điểm này báo chí đã nhắc đến những bất cập từ ĐH Bulacan với tần suất khá dày. Trong đó đáng chú ý là trả lời phỏng vấn của PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Cục phó Cục Khảo thí & kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD&ĐT (Tuổi trẻ Online ngày 24/01/2015), chính thức cho biết chưa đủ cơ sở để công nhận bằng Tiến sĩ do ĐH Bulacan (Philipines) cấp. Theo ông Nghĩa do đến thời điểm này, “chương trình đào tạo từ xa của Trường ĐH Bulacan Stale chưa được Bộ GD&ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam”.

“Tại anh, tải ả” và… ?

Hai văn bản pháp lý đã giúp ông Toàn đạt được nguyện vọng “cháy bỏng” nâng cao trình độ cho bản thân tại ĐH Bulacan theo hình thức bán du học, đó là: Thông báo số 167-TB/TU ngày 07/9/2011 và Quyết định số 309-QĐ/TU ngày 07/10/2011 đều do Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Định thống nhất chủ trương phát hành.

Sẽ không có gì để nói bởi đó là một chủ trương đúng phù hợp với định hướng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ của Đảng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới nhưng bất thường ở đây là vào thời điểm này, ông Toàn đã 46 tuổi, trong khi theo quy định điều kiện được cử đi học tiến sĩ ngoài nước không quá tuổi 30. Quyết định số 309-QĐ/TU, Tỉnh ủy Bình Định dẫn căn cứ từ Quyết định số 45/2007/QĐ-UBND ngày 17/12/2007 của UBND tỉnh Bình Định quy định một số chính sách đào tạo cán bộ khoa học - công nghệ trình độ cao tỉnh Bình Định để làm cơ sở thống nhất chủ trương cử ông Toàn đi học Tiến sĩ ngoài nước !?

Trả lời tờ infonet, hôm (4/8), ông Phan Trọng Phức - Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam chính chức lên tiếng phủ nhận việc liên kết với Trường đại học Bulacan. “ĐH Đại Nam không liên kết với trường đại học Bulacan (Philippines) hay bất cứ một trường ĐH nào trên thế giới đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ quản lý giáo dục” – ông Phức khẳng định. Liên quan đến sự việc của ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, ông Phức thừa nhận vào thời điểm đó, Trường ĐH Đại Nam có tư vấn: ĐH Bulacan (Philipines) “là trường ĐH được đánh giá chất lượng tốt”.

Cũng như vậy, ông Toàn không thể tự mình quyết định việc theo học chuyên ngành quản lý giáo dục nằm ngoài phạm vi chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh và được cử đi học tại ĐH Bulacan không nằm trong các trường đại học thuộc các nước mà chính sách đào tạo của tỉnh Bình Định quy định. Rà lại các văn bản pháp lý có liên quan cho thấy, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh này đã biết rất tường tận.

“Thống nhất chủ trương cử đồng chí Lê Kim Toàn – UV Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham dự lớp nghiên cứu sinh về khoa học Quản lý giáo dục do Trường Đại học Đại Nam (Việt Nam) và Trường Đại học Bulacan State (Philippines) tổ chức”. Thông báo số 167-TB/TU, ngày 07/9/2011 còn cho biết, hình thức đào tạo bán du học (quá trình học và hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu được thực hiện tại Hà Nội, mỗi tháng 4 ngày; bảo vệ đề tài được thực hiện tại Philippines trong 10 ngày); kinh phí thực hiện theo chính sách đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của tỉnh; thời gian theo học 2 năm (từ tháng 9/2011 đến 9/2013). Đến ngày 07/10/2011, Tỉnh ủy Bình Định còn có Quyết định số 309-QĐ/TU về việc cử ông Lê Kim Toàn đi học Tiến sĩ…

Trả lời với báo chí, ông Trần Kim Hùng – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định thừa nhận, việc cho ông Toàn đi học là do Thường trực Tỉnh ủy linh hoạt vận dụng chứ không phù hợp với chính sách khuyến khích đào tạo cán bộ khoa học - công nghệ trình độ cao của tỉnh ban hành.

Như vậy là đã rõ, khuyết điểm của ông Toàn không thể tách rời khuyết điểm của Thường trực Tỉnh ủy Bình Định. “Do đó theo tôi, nếu Ủy ban kiểm tra Trung ương làm rõ chuyện bằng cấp và các vấn đề có liên quan của ông Toàn thì cũng phải làm rõ và xử lý trách nhiệm của Thường trực Tỉnh ủy. Có như vậy mới giải quyết được tận gốc vấn đề” - một cán bộ lão thành cách mạng tỉnh này nói.

Xung quanh vụ việc mặc dù có cái nhìn khắt khe đối với ông Toàn song dư luận cũng tỏ ra rất sòng phẳng. Sau những điều tiếng, điều đọng lại mà chúng tôi cảm nhận được, đó chính là sự nuối tiếc. Suy cho cùng, ông Toàn cũng là nạn nhân của chủ nghĩa “sính bằng cấp”. Trước khi du học “ngắn ngày” để lấy bằng Tiến sĩ, ông Toàn đã có trong tay “vốn liếng” không hề nhỏ: Bằng cử nhân Vật lý, cử nhân Luật và Thạc sĩ quản lý giáo dục. Chừng ấy là có thừa tiêu chuẩn học vấn để ông Toàn bước lên đỉnh cao quyền lực. Có những vị lãnh đạo cấp cao của đất nước cũng chỉ có bằng cử nhân , nhưng họ vẫn được cử tri và Quốc hội tín nhiệm tái đắc cử với số phiếu tới 99,1%. Sự thật là ông Toàn đã trúng cử vào BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XIX và được bầu vào chức vụ cao trong Đảng không phải vì tấm bằng Tiến sĩ đầy tai tiếng kia. Tiếc thay . . !

(Còn nữa…)

MINH TRUNG

Bạn đang đọc bài viết "Vụ Phó bí thư tỉnh ủy Bình Định bị dư luận chỉ trích: Cần đối diện với sự thật (?!)" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin