Vụ Phan Sào Nam được ra tù trước hạn gần 2 năm: Kiến nghị sửa các qui định pháp luật lỏng lẻo dễ bị lợi dụng

(Pháp lý) - Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam, bị cáo trong vụ đánh bạc chục nghìn tỷ đồng. Nếu thực hiện QĐ của TAND Quảng Ninh, Phan Sào Nam được ra tù trước thời hạn 22 tháng. Vụ việc đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên điều đáng quan tâm hơn cả là qua vụ việc này, cơ quan chức năng cần soi xét lại xem có hay không các qui định pháp luật liên quan được “ thiết kế” lỏng lẻo, thiếu rõ ràng cụ thể, dễ bị lợi dụng.

Các ĐBQH ý kiến thế nào về việc tha tù trước hạn cho Phan Sào Nam ?

“Trùm” cờ bạc Phan Sào Nam ( người đứng bên phải, hàng đầu) bị cáo trong vụ đánh bạc chục nghìn tỷ đồng

Trả lời báo Tiền phong mới đây, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho hay: qua theo dõi thông tin trên báo chí, trong đó có báo Tiền Phong phản ánh về việc tha tù trước hạn cho Phan Sào Nam, rõ ràng những căn cứ đó là có cơ sở. Ví dụ như kết quả phân loại kết quả rèn luyện, cải tạo của phạm nhân khi chấp hành án, chắc chắn khi kháng nghị, người ta phải căn cứ vào tài liệu thu thập được về kết quả phân loại của phạm nhân trong thời điểm đó.

Bên cạnh đó, việc dựa vào căn cứ cho rằng, Phan Sào Nam “lập công” khi vận động đối tượng truy nã quốc tế Lê Văn Kiên ra đầu thú cũng chưa thuyết phục. Theo tôi, nếu ngay trong giai đoạn điều tra, Phan Sào Nam làm được việc đó thì mới mang ý nghĩa “thành tích đặc biệt”. Còn ở đây, vụ án đã được đưa ra xét xử rồi. Cho nên việc vận động đó nếu có thực, cũng chỉ là một trong những cơ sở để đối tượng ra đầu thú thôi, chứ không thể khẳng định được vì sự vận động đó mà đối tượng ra đầu thú.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng phải đặt ra vấn đề, tại sao trong trại giam, trong điều kiện ấy, Phan Sào Nam vẫn làm được công tác vận động như vậy? Theo tôi, cái này gọi là “thành tích” thì còn được. Nếu gọi là “thành tích đặc biệt” để xét giảm án thì không thuyết phục. Tất nhiên, kết quả ra sao, sau này tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định.

Thứ nữa là vấn đề thi hành án. Việc cho rằng, Phan Sào Nam tự nguyện thi hành án có thực sự thuyết phục? Thông thường, việc được xem xét tự nguyện thi hành án phải diễn ra trước hoặc ngay khi tòa xét xử, tuyên án. Còn cứ kiểu câu dầm, câu nhử, nay nộp một ít, mai nộp một ít, để rồi được xem xét tự giác thi hành án thì không thuyết phục. Nếu ngay từ đầu, trong giai đoạn điều tra, xét xử mà bị can, bị cáo khắc phục hậu quả một cách tự nguyện mới là thuyết phục. Bởi vì bị cáo vẫn có tài sản, vẫn có tài khoản ở nước ngoài mà? Vì thế, tôi vẫn thấy có cái gì đó không rõ ràng ở đây.

Khi kháng nghị được Tòa án cấp cao tại Hà Nội chấp nhận, đưa ra xem xét, nếu thấy có căn cứ để hủy quyết định giảm án tha tù thì Phan Sào Nam buộc phải chấp nhận lại bản án. Lúc đó sẽ phải thay đổi quyết định của TAND tỉnh Quảng Ninh. Những quyết định trước đây phải được khôi phục lại và thực hiện đúng theo các quy định đã tuyên. Đương nhiên lúc đó Phan Sào Nam sẽ phải tiếp tục thi hành án, tiếp tục hình phạt tù.

“Trong trường hợp kháng nghị được Tòa án cấp cao tại Hà Nội chấp nhận thì cần phải xem xét cả trách nhiệm của các cơ quan trong việc đưa ra các quyết định giảm án cho Phan Sào Nam. Thậm chí, nếu có dấu hiệu hình sự thì phải xem xét về hình sự, xem có tha tù trái với pháp luật không?”. ông Nguyễn Thanh Hồng thẳng thắn

Cùng quan điểm với ĐB Hồng, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích thêm: việc tha tù trước thời hạn có quy định rất rạch ròi, như việc chấp hành tốt nội quy của trại, không vi phạm, vấn đề đền bù thiệt hại cùng thời gian thụ hình… Đối với Phan Sào Nam, cần phải căn cứ vào từng nội dung cụ thể trong việc xét giảm, xem có hoàn toàn hợp lý, có đủ căn cứ hay không.

Việc này ra sao, đúng sai thế nào sẽ phải chờ đợi quyết định của Tòa án cấp cao tại Hà Nội. Nếu giám đốc thẩm xét thấy Phan Sào Nam thụ hình chưa đủ, ra tù trước thời hạn không đúng quy định, thì các cơ quan liên quan, trong đó có người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về việc này. Bởi nếu xét giảm án không đúng cũng không loại trừ có sự mờ ám, khuất tất, tiêu cực trong đó.

Lâu nay có rất nhiều trường hợp được xem xét, cho ra tù trước thời hạn. Chính vì vậy cần phải xem xét vụ Phan Sào Nam thật chi ly, cụ thể, rõ ràng, làm rõ vấn đề và trả lời cho công luận. Vừa đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng với mọi đối tượng, cũng để làm gương cho các vụ việc khác. Đặc biệt những vụ án liên quan đến kinh tế, đối tượng có thể dùng nhiều tiền, hoặc rất nhiều tiền để thay án tù.

Nếu có dư luận và báo chí đặt ra, tôi nghĩ rất cần thiết để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay cơ quan chuyên môn là Ủy ban Tư pháp vào cuộc, giám sát vấn đề tha tù trước thời hạn. Trước đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã từng giám sát về oan, sai, điều này rất cần thiết. Với giảm án tha tù, nếu xét thấy có dấu hiệu tiêu cực, bức thiết thì nên xem xét tiến hành giám sát và tôi ủng hộ việc này.

Pháp luật qui định thế nào về điều kiện tha tù trước thời hạn ?

Tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chế định mới quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019 và Nghị quyết số 01/2018/ NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/ NQ-HĐTP, phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có đủ các điều kiện sau đây:

1) Đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

2) Phạm tội lần đầu.

3) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt.

4) Có nơi cư trú rõ ràng.

5) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí.

6) Đã chấp hành ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Trường hợp người đang chấp hành án phạt tù là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.

7) Khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện phải xem xét thận trọng, chặt chẽ để bảo đảm việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là đối với các trường hợp phạm tội về ma túy, tham nhũng, phạm tội có tổ chức, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 01/2018/ NQ-HĐTP về trường hợp người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn có điều kiện khi chỉ cần có đủ các điều kiện quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 2 Nghị quyết này và đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù.

Những trường hợp không áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện

Theo khoản 2 Điều 66 BLHS năm 2015 thì không áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với các trường hợp sau: Bị kết án về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII BLHS); các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI BLHS); tội khủng bố (Điều 299); người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Chương XIV BLHS) do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sản xuất trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy (quy định tại các Điều 168, 169, 248, 251 và 252 BLHS); Người bị kết án tử hình được ân giảm; Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Theo quy định tại khoản 11 Điều 368 Bộ Luật Tố tụng hình sự, thì Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị, phạm nhân có quyền khiếu nại đối với quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện. "

Một số bất cập và kiến nghị

Chế định tha tù trước thời hạn là chế định mới thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước ta đối với các phạm nhân có thái độ cải tạo tốt, sớm được trở về hòa nhập với gia đình và xã hội . Điểm mới của Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, đó chính là một hình thức chấp hành án phạt tù. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không phải chấp hành phần thời hạn phạt tù còn lại trong cơ sở giam giữ mà chấp hành thời gian thử thách trong thời hạn bằng thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại của hình phạt tù khi có đủ điều kiện được quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc áp dụng chế định đôi khi bị lợi dụng do bất cập hoặc qui định chưa chặt chẽ của luật. Sau đây là một số trao đổi kiến nghị sửa đổi một số qui định hoặc cần có hướng dẫn cụ thể chi tiết về điều kiện tha tù trước hạn để áp dụng cho thống nhất, tránh bị lợi dụng.

1. Về điều kiện “Phạm tội lần đầu”: Quy định này hiện nay tồn tại nhiều quan điểm khác nhau khi áp dụng.

Có quan điểm cho rằng: Phạm tội lần đầu là lần đầu bị đưa ra xét xử, vì chỉ có Toà án mới có thẩm quyền quyết định hình phạt, một người chỉ bị Toà án đưa ra xét xử và kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì mới có việc quyết định thi hành hình phạt tù và chỉ khi có quyết định thi hành hình phạt tù thì Toà án mới căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ. Nếu người phạm tội đã có nhiều lần phạm tội nhưng chưa có lần nào bị Toà án kết án thì vẫn được coi là phạm tội lần đầu.

Quan điểm khác lại cho rằng Phạm tội lần đầu cũng là trường hợp lần đầu bị đưa ra xét xử hoặc tuy đã bị đưa ra xét xử nhiều lần, nhưng trước khi bị đưa ra xét xử lần này, nếu hành vi phạm tội trước đó đã được xoá án tích hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn được coi là phạm tội lần đầu.

Hoặc Phạm tội lần đầu là trường hợp một người thực hiện một hoặc một số hành vi phạm tội nhưng chưa bị xử lý hoặc chưa bị xét xử lần nào, lần đưa ra xét xử này là lần đầu tiên.

Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể để vận dụng thống nhất về điều kiện này. Theo đó phạm tội lần đầu được hiểu là người chưa từng bị kết án, chưa có tiền án, tiền sự. Có thể hiểu phạm tội lần đầu là từ trước tới nay chưa phạm tội lần nào. Nếu các lần phạm tội trước đó đã bị xử lý hành chính, đã bị kết án chưa được xoá án tích hoặc đã được xoá án tích, hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì lần phạm tội mới này vẫn không được coi là phạm tội lần đầu.

2. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện là hai chính sách chính sách pháp luật quan trọng của nước ta. Tuy nhiên, qua thực tiễn nghiên cứu đặt ra vấn đề là một người bị kết án trong 01 năm có được vừa giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù vừa được tha tù trước thời hạn có điều kiện không?

Ví dụ: Trong năm 2018 Nguyễn Văn A, được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù dịp 30/4/2018 là 12 tháng, sau đó A tiếp tục được trại giam đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện dịp 02/9/2018.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 4 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện thì điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đó là “1. Đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.” . Trong năm 2018 Nguyễn Văn A đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù trước đó, như vậy A đã đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị quyết số 01 về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đây là hai quy định khác nhau nên trong 01 năm Nguyễn Văn A vừa được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù vừa được tha tù trước thời hạn có điều kiện là hợp lý, áp dụng quy định có lợi cho người chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là trong 01 năm Nguyễn Văn A có vừa được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù vừa được tha tù trước thời hạn có điều kiện hay không? Và hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định 01 người trong 01 năm có thể vừa được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù vừa được tha tù trước thời hạn có điều kiện nên trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo chúng tôi cần hướng dẫn cụ thể , theo đó “một phạm nhân trong 01 năm nếu được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì không được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện nhưng năm tiếp theo được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện.

3. Về điều kiện “Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt” : áp dụng điều kiện này, cơ quan chức năng phải căn cứ vào Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và Thông tư số 06/2018/TT-BCA ngày 12/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân có hiệu lực từ ngày 29/3/2018 thay thế cho Thông tư số 40/TT-BCA ngày 27/6/2011. Đánh giá người chấp hành án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt phải thể hiện qua kết quả xếp loại của nhiều tháng, nhiều quý liên tục, các quyết định khen thưởng của Trại giam, Trại tạm giam trước khi được quyết định áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện chứ không thể căn cứ vào việc xếp loại cải tạo khá, tốt 01 hoặc 02 kỳ trước khi được quyết định tha tù có điều kiện. Bên cạnh đó, để được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phải thỏa mãn điều kiện đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù ít nhất là 01 lần đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trên thực tế, đây là điều kiện rất dễ bị lợi dụng, bởi phụ thuộc nhiều vào ý thức đánh giá nhận xét chủ quan của cán bộ. Nếu phạm nhân và cán bộ quản giáo “ bắt tay nhau” thì điều kiện này rất dễ bị lợi dụng triệt để. Do đó, cần có hướng dẫn thật chi tiết, cụ thể.

4. Về điều kiện “thực hiện xong hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại”.

Trên thực tế, việc áp dụng tình tiết đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí (điểm d khoản 1 Điều 66 Bộ luật hình) được áp dụng như thế nào thì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Trên thực tiễn khi phạm nhân đủ các điều kiện khác, nhưng bản án tuyên về phần dân sự được tách ra bằng vụ kiện khác có đơn vị không lập hồ sơ đề nghị xét tha tù cho phạm nhân vì cho rằng người đó còn thiếu điều kiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 66 Bộ luật hình sự; nhưng cũng có đơn vị lập hồ sơ đề nghị Hội đồng xét tha tù cho phạm nhân và được Hội đồng chấp nhận. Đây cũng là nội dung còn vướng mắc chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tư pháp đề nghị xét tha tù cho các phạm nhân.

5. Về điều kiện “Khi về địa phương không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” theo quy định khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Quy định này, còn mang tính tùy nghi, chưa phù hợp và chặt chẽ. Khi người có thẩm quyền nhận xét, xác nhận có thể chủ quan, cảm tính. Do đó, nếu phạm nhân được nơi chấp hành án đánh giá có nhiều tiến bộ, xếp loại cải tạo tốt ở nhiều quý liền kề hoặc có thành tích xuất sắc, lập công trong quá trình lao động, cải tạo trước thời điểm lập hồ sơ xét, đề nghị tha tù thì không cần thiết phải xác minh. Tuy nhiên hiện nay nếu xác minh, địa phương xác nhận "Ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự" thì không được xem xét tha tù, ảnh hưởng đến quyền lợi của người đang chấp hành án phạt tù. Vướng mắc này nhiều địa phương trong cả nước có ý kiến, đề nghị nhưng chưa có hướng dẫn, giải đáp cụ thể.

6. Về thời hạn tù còn lại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, các trường hợp thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên, dưới một năm tùy từng trường hợp cụ thể phải nghiên cứu, xem xét thận trọng chặt chẽ đảm bảo đúng quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Kết mở

Trên thực tế qua công tác kiểm sát quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, VKSND một số tỉnh và Viện KSND cấp cao đã kháng nghị phúc thẩm đề nghị Hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với một số phạm nhân .

Trở lại vụ Phan Sào Nam, nếu thông tin đúng như một số cơ quan báo chí đã nêu và theo như phân tích của 2 ĐBQH nêu ở phần đầu bài viết, thì rõ ràng căn cứ, điều kiện “lập công” , “thành tích đặc biệt”, hay vấn đề “tự nguyện thi hành án” của bị cáo Nam….đều thiếu thuyết phục và rất khiên cưỡng khi vận dụng làm điều kiện cho tha tù trước hạn.

Qua một vài sự việc gây điều tiếng khi tha tù trước hạn không đúng pháp luật đối với một số bị cáo trước đây, cùng với việc VKSND cấp cao tại Hà Nội mới đây có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam, bị cáo trong vụ đánh bạc chục nghìn tỷ đồng…, thiết nghĩ các cơ quan tư pháp ( CA, VKS, TA) nên có đánh giá sơ kết việc thực thi chế định tha tù trước hạn có điều kiện. Qua đó cần khẩn trương sửa đổi bổ sung các qui định thiếu chặt chẽ, thiếu cụ thể, thiếu minh bạch, để các đối tượng không thể lợi dụng chạy tội, song cũng đảm bảo thực thi đúng nguyên tắc nhân đạo trong chính sách pháp luật hình sự.

Lê Phúc

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin