Quy trình, thủ tục thi hành án trong trường hợp xác định được tài sản của tội phạm ở nước ngoài

(Pháp lý) – Vụ đại án Vạn Thịnh Phát và SCB đang được TAND TP. HCM đưa ra xét xử nghiêm minh. Trước đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kê biên, thu giữ và phong tỏa một khối lượng tài sản rất lớn để đảm bảo cho thi hành án. Nhiều độc giả quan tâm hỏi nếu trường hợp có tài sản nào đó của bị cáo được phát hiện và xác định đang ở nước ngoài thì quy trình, thủ tục tổ chức thi hành án sẽ thực hiện như thế nào, có gì đặc biệt (?)
1-1710408325.png

Về cơ sở pháp lý

Đến nay hệ thống pháp luật về PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài không ngừng được hoàn thiện... Bên cạnh Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) ban hành năm 2007, nhiều đạo luật quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Thi hành án dân sự… để đảm bảo tương thích. Đặc biệt, kể từ ngày 19/8/2009, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) – một trong những văn kiện quốc tế đầu tiên trong phạm vi toàn cầu về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (có hiệu lực từ ngày 14/12/2005 và đã có gần 190 quốc gia là thành viên của Công ước). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác; thúc đẩy, sử dụng các biện pháp phòng chống nham nhũng một cách có hiệu quả. Tuy nhiên việc thực thi các quy định của UNCAC có thể đưa đến những yêu cầu thay đổi trong luật pháp trong nước và tổ chức về thể chế để có thể thực hiện.

Sự ra đời của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 mới thực sự tạo ra bước đột phá mới trong công tác PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài. “Nhà nước cam kết thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động phòng, chống tham nhũng trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi” (Điều 89). Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền có cơ sở pháp lý để thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài: “Trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu hoặc thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp” (Điều 91)

Hiểu theo quy định trên, để thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ở nước ngoài, trước hết các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét Việt Nam đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp và hiệp định đó đã có hiệu lực đầy đủ với quốc gia nơi có tài sản. Nói cách khác, điều kiện để cơ quan có thẩm quyền trong nước hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu hoặc thu hồi tài sản tham nhũng… khi Việt Nam và quốc gia nơi có tài sản tham nhũng đã có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự.

Một nút thắt rất quan trọng khác cũng đã được Luật PCTN tháo gỡ, đó là Luật PCTN năm 2018 đã xác định rõ (tại khoản 2 Điều 91): “Viện KSND Tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam”.

Với quy định Viện KSND Tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự, sẽ giúp cho các cơ quan có thẩm quyền của các bên khi thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự sẽ không còn lúng túng trong xác định tổ chức có thẩm quyền cao nhất. Được biết từ năm 2012 đến nay, Viện KSND Tối cao đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao tiến hành đàm phán thành công 18 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước Cộng hòa Nam Phi, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Ô-xtơ-rây-li-a, Cộng hòa Pháp, Hung-ga-ri, Vương quốc Tây Ban Nha, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hòa Ca-dắc-xtan, Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan, Cộng hòa Cu Ba, Cộng hòa Mô-dăm-bích, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Cộng hòa I-ta-li-a, CHDCND Lào, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Cộng hòa hồi giáo I-ran, Cộng hòa Ác-hen-ti-na. Trong đó có 16 Hiệp định đã được ký chính thức, bao gồm Hiệp định với các nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a (2013), Ô-xtơ-rây-li-a (2014), Vương quốc Tây Ban Nha (2015), Cộng hòa Pháp (2016), Hung-ga-ri (2016), Vương quốc Cam-pu-chia (2016), Cộng hòa Ca-dắc-xtan (2017), Cộng hòa Cu Ba, Cộng hòa Mô-dăm-bích (2018), CHDCND Lào (2019), Nhật Bản (2021), Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan (năm 2022), Cộng hòa Séc (2023), Cộng hòa Ác-hen-ti-na (2023), Cộng hòa I-ta-li-a (2023), Cộng hòa hồi giáo I-ran (2023). Đến thời điểm hiện nay, 11 Hiệp định đã có hiệu lực.

Như vậy nếu tài sản của bà Trương Mỹ Lan hay các bị cáo khác do tham nhũng mà có bị phát hiện ở tại 11 quốc gia mà Hiệp định tương trợ tư pháp có hiệu lực, thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có tài sản tham nhũng thực hiện các biện pháp tương trợ tư pháp thông qua ủy thác tư pháp. Trường hợp nếu đối tượng tham nhũng có hình thành tài sản ở những nơi mà giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, chưa tham gia công ước LHQ về chống tham nhũng, thì hoạt động tương trợ tư pháp vẫn được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế (quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật TTTP năm 2007; và khoản 2 Điều 492 BLTTHS năm 2015), nhưng chắc chắn có nhiều rào cản cho quá trình thu hồi.

2-1710408331.jpg

Tại phiên toà đang xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan cam kết dùng toàn bộ tài sản của gia đình khắc phục hậu quả và đề nghị dùng 13 tài sản ngoài vụ án để khắc phục hậu quả

Quy trình thực hiện tương trợ tư pháp và một số bất cập, tồn tại

Luật TTTP năm 2007 điều chỉnh, để thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài, trước hết cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam phải lập hồ sơ ủy thác tư pháp về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự theo quy định tại Điều 18 phải được gửi cho Viện KSND Tối cao.

Về thời gian giải quyết thủ tục ủy thác tư pháp về hình sự cho nước ngoài theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Luật TTTP: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự, Viện KSND Tối cao vào sổ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Viện KSND Tối cao trả lại cho cơ quan đã lập hồ sơ và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự, Viện KSND tối cao chuyển văn bản đó cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước yêu cầu là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao

Tuy nhiên đó là quy định từ một phía theo Luật TTTP Việt Nam. Còn quy trình thực hiện về tương trợ tư pháp của quốc gia được yêu cầu là do pháp luật của quốc gia đó điều chỉnh, thông qua các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự đã được các bên ký kết. Ví dụ như Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký với Nhà nước Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Căm-pu-chia, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Cộng hòa Phi-líp-pin, Cộng hòa Sing-ga-po (sau đây gọi là “Quốc gia thành viên” hoặc “các Quốc gia thành viên”), vào ngày 29/11/2004, tại Điều 22, quy định về tương trợ trong thủ tục tịch thu: “Quốc gia được yêu cầu, theo pháp luật của nước mình, phải cố gắng xác định địa điểm, truy tìm, hạn chế, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản do phạm tội mà có và các công cụ, phương pháp phạm tội thuộc trường hợp cụ thể được tương trợ với điều kiện Quốc gia yêu cầu cung cấp mọi thông tin mà Quốc gia được yêu cầu thấy cần thiết”.

Hay như Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Cu Ba đã ký vào ngày 29/3/2018, tại Điều 14 Hiệp định quy định: “1. Bên được yêu cầu, theo yêu cầu, sẽ xác định xem có tài sản do phạm tội mà có có trong phạm vi lãnh thổ của mình hay không và thông báo cho Bên yêu cầu kết quả điều tra của mình; 2. Trong trường hợp tìm thấy tài sản nghi do phạm tội mà có, Bên được yêu cầu sẽ áp dụng các biện pháp mà pháp luật nước mình cho phép để quản lý hoặc tịch thu tài sản do phạm tội mà có. Trong phạm vi phạm luật nước mình cho phép, Bên được yê cầu có thể trả lại tài sản do phạm tội mà có. Việc trả lại chỉ được thực hiện khi đã có quyết định cuối cùng đối với tài sản do phạm tội mà có của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu”…

Từ dẫn chiếu trên có thể thấy, việc truy tìm tài sản phạm tội có ở nước ngoài (đối với các quốc gia đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự) phụ thuộc vào sự điều chỉnh pháp luật của quốc gia là thành viên và sự tích cực hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền thuộc quốc gia được yêu cầu. Tính hiệu quả phụ thuộc nhiều vào chuẩn mực pháp lý và thiện chí hợp tác của nước được yêu cầu.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật TTTP năm 2007 trong lĩnh vực hình sự của VKSND Tối cao vừa được gửi tới Bộ Tư pháp, cho biết, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài đạt kết quả còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do thực hiện ủy thác tư pháp thường mất nhiều thời gian, trong khi giải quyết các vụ án, vụ việc trong nước phải tuân thủ thời hạn luật định.

Trong khi đó theo VKSND Tối cao, thời gian qua cơ quan này đã tiếp nhận giải quyết trên 2.300 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, gồm: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Liên bang Nga, Anh, Hồng Kông, Mỹ… Trong số các quốc gia này chỉ có Lào, Campuchia là 2 quốc gia đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự đã có hiệu lực.

Việc yêu cầu tương trợ tư pháp ở các quốc gia khác, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện dựa trên nguyên tắc có đi có lại phù hợp với pháp luật Việt Nam và tập quán quốc tế (theo quy định tại khoản 2 Điều 492 BLTTHS năm 2015).

3-1710408331.png

Ảnh minh họa

Nhóm tác giả Ngô Thị Quỳnh Anh - Phạm Thị Trang - Khachik Harutyunyan  trong Báo cáo “Nghiên cứu so sánh và đề xuất nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản và phòng, chống rửa tiền nhằm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo chu kỳ 2 thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (UNCAC)”, còn chỉ ra, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở cấp trung ương và cơ quan tiến hành tố tụng địa phương trong quá trình lập, gửi, thực hiện một số hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự còn lúng túng, vướng mắc. Cách thức gửi yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự cho nước ngoài của một số cơ quan tiến hành tố tụng còn thiếu nhất quán; không gửi yêu cầu tương trợ tư pháp qua Cơ quan trung ương là Viện KSN Tối cao mà gửi tới Văn phòng Interpol Việt Nam, Sở Ngoại vụ, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán hoặc cơ quan lãnh sự các nước hoặc gửi trực tiếp tới các cơ quan tiến hành tố tụng nước ngoài…

Cho đến nay có rất ít trường hợp thu hồi được tài sản phạm tội có nước ngoài thông qua biện pháp tương trợ tư pháp hình sự. Ngoài khoản tiền thu được gần 2,7 triệu USD Mỹ và 127.000 đô la Singapore trong vụ án Phan Sào Nam và vụ án Giang Kim Đạt, gần như không thu hoạch được khoản nào khác.

Tóm lại, việc thu hồi tài sản tham nhũng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam là một quy trình phức tạp, không hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam mà còn dựa trên quan hệ ngoại giao song phương, vấn đề chính trị, kinh tế của quốc gia nơi có tài sản, cơ chế có đi có lại, việc tôn trọng và tuân thủ của Việt Nam trong quá trình thực thi Công ước về chống tham nhũng từ trước đến nay…

Một số đề xuất

VKSND Tối cao đánh giá, hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự thời gian qua đã có tác động hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giải quyết triệt để các vụ án có yếu tố nước ngoài. Trong đó, nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, được dư luận quan tâm. Vì vậy cần phải tiếp tục có nhiều giải pháp góp phần tháo gỡ rào cản để công tác thi hành án ở nước ngoài đạt hiệu quả:

+ Từ thông tin các quốc gia mà các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam gửi 2.300 yêu cầu tương trợ tư pháp (theo số liệu của Viện KSND Tối cao cung cấp) cho thấy một thực tế, tội phạm đã và đang hướng đến các quốc gia mà Việt Nam chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp để tẩu tán tài sản. Do đó, để thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài, theo chúng tôi giải pháp hàng đầu, vẫn phải là ưu tiên tiếp tục đẩy mạnh ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nhiều quốc gia khác. Bởi càng nhiều quốc gia là thành viên thì phạm vi phối hợp tương trợ tư pháp càng mở rộng, khả năng thu hồi tài sản tham nhũng sẽ cao hơn, không gian để tội phạm dịch chuyển tái sản sẽ thu hẹp, co cụm…

+ Một trở ngại khác mà trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp, cơ quan có thẩm quyền đã tổng kết, đó là: Các yêu cầu tương trợ của Việt Nam gửi nước ngoài đề nghị thu hồi tài sản (về truy tìm, kê biên, phong tỏa, tịch thu, trả lại tài sản do phạm tội mà có) có độ khó cao, tính hiệu quả phụ thuộc nhiều vào chuẩn mực pháp lý và thiện chí hợp tác của nước được yêu cầu. Nước được yêu cầu đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng các chuẩn mực pháp lý, thực hiện nhiều thủ tục tố tụng và cung cấp nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu và việc đáp ứng những đòi hỏi này gặp nhiều vướng mắc do khác biệt giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật nước ngoài.

Dẫn ra sự bất cập điển hình trên để thấy rằng, không chỉ là câu chuyện ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp mà hệ thống pháp luật Việt Nam (đặc biệt là Luật TTTP năm 20207) cần phải sửa đổi, bổ sung để thu hẹp sự khác biệt với pháp luật nước ngoài.

Theo chúng tôi giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên xây dựng ban hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Chỉ khi có một đạo luật chuyên ngành điều chỉnh chuyên sâu thì mới mong làm thay đổi về chất trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Việc ban hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự là phù hợp với xu thế hiện nay. Hiện nhiều quốc gia có Luật Tương trợ tư pháp về hình sự chuyên biệt. Liên Hợp Quốc cũng ban hành mẫu Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, mẫu luật về dẫn độ và mẫu luật về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù để khuyến nghị các quốc gia trên thế giới tham khảo ban hành các đạo luật riêng biệt.

+ Ban hành các quy định của pháp luật để khai thác có hiệu quả các điều khoản có lợi của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Đặc biệt lưu ý cơ chế thu hồi tài sản thông qua hợp tác quốc tế trong tiến hành tịch thu được điều chỉnh tại Điều 53 của Công ước. Áp dụng phương thức này cho phép các cơ quan có thẩm quyền nước thành viên công ước phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản khi có yêu cầu của nhà nước Việt Nam trong trường hợp có đủ căn cứ đồng thời tịch thu không cần kết án hình sự.

----------------------------

Tài liệu tham khảo:

https://kiemsat.vn/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-tu-kinh-nghiem-lap-phap-cua-lien-minh-chau-au-va-khuyen-nghi-hoan-thien-phap-luat-viet-nam-67579.html

https://kiemsat.vn/bai-1-chinh-sach-khung-phap-ly-va-thuc-tien-thi-hanh-phap-luat-ve-tuong-tro-tu-phap-trong-thu-hoi-tai-san-va-phong-chong-rua-tien-o-viet-nam-67520.html

https://dantri.com.vn/xa-hoi/truy-tim-tich-thu-tai-san-tham-nhung-o-nuoc-ngoai-gap-nhieu-kho-khan-20240202123339858.htm

https://laodong.vn/thoi-su/thu-hoi-hon-27-trieu-usd-va-127000-do-la-singapore-cua-trum-danh-bac-phan-sao-nam-1229625.ldo

https://baochinhphu.vn/can-thiet-xay-dung-luat-tuong-tro-tu-phap-ve-hinh-su-102291131.htm

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin