Viết lại luật chơi

Trung Quốc hiểu rõ lợi ích tiềm tàng của việc tăng cường quan hệ và ảnh hưởng tại vùng Vịnh và những nơi khác

Sự hiện diện của Nga ở Syria và nhiều nơi khác tại Trung Đông dẫn đến nhận định Moscow là một trong những cường quốc có nhiều ảnh hưởng tại khu vực.

Nhận xét như thế cũng hợp lý bởi Tổng thống Vladimir Putin đã đánh cược lớn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Giữa lúc Nga tiếp tục con đường quen thuộc nhằm gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng, Trung Quốc cũng đang lặng lẽ làm điều tương tự. Bắc Kinh hiểu rõ lợi ích của việc tăng cường quan hệ và ảnh hưởng tại vùng Vịnh và những nơi khác.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Đông có từ lâu. Năm 2004, Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - các quốc gia Ả Rập ra đời. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn thường xuyên đến thăm những nước ở khu vực trong nhiều năm qua. Riêng Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm Trung Đông đầu tiên vào năm 2016.

Trung Quốc nhận thấy những thay đổi chính trị ở Trung Đông là cơ hội tăng cường vai trò kinh tế cũng như chính trị của mình, đặc biệt là khi sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ tiếp tục suy giảm.

Chuyến thăm Tehran của ông Tập năm 2016, diễn ra chỉ vài ngày sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được chính thức dỡ bỏ, đã giúp mang về những hợp đồng trị giá 600 tỉ USD cho các công ty Trung Quốc trong hơn một thập kỷ.

Bằng cách đặt chân đến cả Iran và Ả Rập Saudi trong cùng chuyến đi trên, ông Tập muốn tìm cách ngăn các cuộc xung đột ủy nhiệm giữa họ tại khu vực vì lợi ích của chính mình.

Trung Quốc là thị trường tăng trưởng tiềm năng đối với dầu mỏ của Ả Rập Saudi trong tương lai. Kim ngạch xuất khẩu dầu của Ả Rập Saudi sang Trung Quốc vượt Mỹ lần đầu tiên vào năm 2009. Đến năm 2030, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc ước tính nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ đạt 13,8 triệu thùng/ngày trong khi lượng dầu nhập khẩu của Mỹ dự kiến tiếp tục giảm trong kỷ nguyên bùng nổ dầu đá phiến.

Với việc chuyển hướng sang xuất khẩu dầu đến Bắc Kinh, Ả Rập Saudi gia nhập danh sách các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi trên thế giới (Nigeria, Iran, Malaysia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác) tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong thập kỷ qua.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Quốc vương Ả Rập Saudi Salman tại thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 3-2017 Ảnh: KYODO
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Quốc vương Ả Rập Saudi Salman tại thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 3-2017 Ảnh: KYODO)

Đối mặt những thách thức kinh tế hiện nay, Ả Rập Saudi cần Trung Quốc tiếp tục mua dầu thô của mình càng nhiều càng tốt. Song song đó, Riyadh dường như không muốn mạo hiểm "ngắt kết nối" hoàn toàn với Washington vì biết rõ làm thế sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho mình.

Dưới góc nhìn của Mỹ, Ả Rập Saudi có vai trò rất quan trọng về mặt địa chính trị và đối với nền kinh tế toàn cầu nên khó có thể từ bỏ mối quan hệ song phương này.

Trong bất kỳ trường hợp nào, quân đội Trung Quốc cũng không đủ khả năng bảo vệ vịnh Ba Tư và hoạt động hàng hải. Trong khi đó, không quốc gia nào ngoài Mỹ có thể bảo đảm an ninh cho các nước tại khu vực. Ả Rập vẫn dựa vào Mỹ về an ninh - điều cũng phù hợp với lợi ích hiện tại của Trung Quốc.

Trung Quốc, Nga và Mỹ có khả năng tiếp tục thiết lập sự cân bằng quyền lực 3 bên khá kỳ lạ tại vịnh Ba Tư. Chứng kiến căn cứ quân sự Mỹ hiện diện nhiều nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, cả Bắc Kinh và Riyadh đều nhìn nhận họ không có khả năng loại Washington khỏi vị trí cường quốc quân sự có nhiều ảnh hưởng nhất ở vịnh Ba Tư.

Dĩ nhiên, cả Trung Quốc lẫn Ả Rập Saudi cũng không hưởng lợi gì từ sự thay đổi vai trò này của Mỹ vì Washington đang sẵn sàng chấp nhận gánh nặng và phí tổn bảo đảm an ninh khu vực.

Những gì Trung Quốc làm ở Trung Đông đang viết lại luật chơi, theo đó có thể tăng cường ảnh hưởng kinh tế, chính trị, ngoại giao mà không cần phải dùng đến sức mạnh quân sự để phô trương thanh thế hoặc mặc cả. Hiếm có nhà lãnh đạo nào trên thế giới sẵn sàng đến cả Riyadh và Tehran trong cùng một chuyến đi và hy vọng duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai bên.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã làm được điều đó. Bắc Kinh trở nên thành thạo trong việc sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt được những gì họ muốn. Có nhiều lý do để tin rằng Trung Quốc sẽ thành công trong việc đạt được các mục tiêu đề ra ở Trung Đông.

Thách thức lúc này của Trung Quốc là làm sao để được công nhận là một thế lực có ảnh hưởng tại chính trường Trung Đông. Sự thay đổi nhanh chóng về địa chính trị toàn cầu và khu vực khiến Bắc Kinh không dễ chinh phục mục tiêu này.

Dù vậy, ông Tập Cận Bình vẫn có cơ hội thay đổi cục diện bằng cách thúc đẩy Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong việc xử lý các khủng hoảng địa chính trị ở đó. Chẳng hạn như với cuộc xung đột Israel - Palestine, giờ là thời điểm không thể tốt hơn để Trung Quốc tạo dựng chỗ đứng, nhất là khi Washington đang dần rời bỏ vai trò ngoại giao trong cuộc đối đầu còn lâu mới kết thúc này.

Theo NLD

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin