Người đứng đầu ngành Kiểm sát chia sẻ trong phần trả lời chất vấn sáng nay (31/1), hiện nay cán bộ điều tra, kiểm sát viên, Thẩm phán “có 4 vòng kim cô” lúc nào cũng phải cân nhắc khi thực thi nhiệm vụ.
Chống oan ý thức được là phải làm
Liên quan đến phần giải trình của Viện trưởng Viện KSNDTC trả lời tại phiên chất vấn ngày 30/10, trong thực tiễn việc trả hồ sơ nhiều, trả và hủy án là do vi phạm tố tụng, ĐBQH Nguyễn Chiến (Hà Nội) nêu vấn đề tranh luận: Với trách nhiệm của Viện kiểm sát là kiểm sát vấn đề chấp hành pháp luật, nhưng tình trạng vi phạm tố tụng phải trả hồ sơ, hủy án, trả đi, trả lại 3 - 4 lần, thì người dân, cử tri thắc mắc phải chăng nguyên tắc suy đoán vô tội không được thực hiện? Không đủ căn cứ để buộc tội mà cứ trả để buộc bằng được, không có đủ chứng cứ có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân hay không?
Trả lời ý kiến này, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết thêm, trong chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, chúng ta đòi hỏi 100%, nhưng giữa oan sai với “bỏ lọt” ở ranh giới dễ phạm qua, phạm lại.
“Tôi đã chỉ đạo trong ngành là chống oan sai tập trung 10, chống lọt là 9”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói. Vì rằng, “lọt” có điều kiện khắc phục, phục hồi điều tra được, nhưng với oan sai thì rất khó, nhưng không thể hạ số 9 xuống số 8 được. Cho nên, với tinh thần tiến công tội phạm, trách nhiệm đấu tranh tội phạm, thì chống lọt là yêu cầu không thể xem nhẹ, còn chống oan thì ý thức được là phải làm.
“Những gì luật pháp cho phép thì cố gắng làm, hạn chế, nhưng không có nghĩa lúc nào cũng làm được”. Nhấn mạnh điều này, Viện trưởng Lê Minh Trí dẫn chứng, có trường hợp, nếu không trả hồ sơ, không chứng minh được tội phạm, chứng cứ không đủ thì nhìn thấy nó lọt. Hay, thấy hồ sơ không chặt chẽ, không trả lại mà chuyển, thì chính chỗ này là sự biến động nhất định trong các vụ án cụ thể.
Tinh thần chỉ đạo chung là chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế thấp nhất, chứ không thể nào nói không được”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.
Người đứng đầu ngành Kiểm sát cũng chia sẻ thêm, hiện nay cán bộ điều tra, kiểm sát viên, Thẩm phán “có 4 vòng kim cô” lúc nào cũng phải cân nhắc khi thực thi nhiệm vụ. Đó là: Quy định 102 của Bộ Chính trị về kỷ luật Đảng đối với cán bộ tư pháp, có một chương riêng và một số điều khoản riêng quy định nội dung này; Kỷ luật ngành nào cũng nghiêm ngặt; Luật trách nhiệm bồi thường cũng khiến cán bộ thực thi nhiệm vụ cân nhắc; Các hoạt động còn lại mà xâm phạm hoạt động tư pháp, nếu có tham nhũng, tiêu cực, thì cơ quan điều tra Viện KSNDTC sẽ vào cuộc, khởi tố điều tra truy tố
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, năm 2018, cơ quan điều tra VKSTC khởi tố tăng 39,5% các vụ án, bắt 22 cán bộ liên quan các ngành công an, viện kiểm sát, Thẩm phán và cán bộ thi hành án. Điều này thể hiện sự nghiêm minh, cố gắng làm trong sạch bộ máy.
Vụ phân bón Thuận Phong: Chưa có kết quả giám định để xác định
Liên quan đến vụ “phân bón Thuận Phong” mà dư luận quan tâm được đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt ra trên nghị trường tại phiên chất vấn, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, vấn đề là xác định Công ty này có sản xuất, mua bán, nhập khẩu phân bón giả hay không.
VKSNDTC thấy có dấu hiệu vi phạm nên đã yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định huỷ quyết định không khởi tố vụ án hình sự và yêu cầu thụ lý theo tố tụng.
Công an Đồng Nai tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm và đề nghị Bộ NN-PTNT, Công Thương, KH-CN giám định trả lời phân bón có giả hay không, có giả mạo nhãn mác hay không. Bộ NN-PTNT có văn bản trả lời nhưng két quả chưa đạt yêu cầu giám định điều tra, còn hai Bộ chưa trả lời.
“VKSNDTC khẳng định, nếu chưa có kết quả từ cơ quan chuyên môn về giám định thì chưa có căn cứ xác định vi phạm pháp luật hình sự hay không. Hiện nay đang vướng chỗ đó” – ông Lê Minh Trí nói.
Không hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội giơ biển tranh luận. Theo ông Cương, vụ việc được chất vấn xuyên qua 2 nhiệm kỳ, đã có văn bản của 6 bộ ngành thống nhất giám định 2 lần. Bộ Tư pháp có văn bản 789 kết luận là sản xuất phân bón giả, tàng trữ vận chuyển hàng cấm.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các Bộ ngành liên quan nhanh chóng trả lời về giám định phục vụ công tác điều tra của cơ quan tư pháp.
Đây là vụ việc mà dư luận quan tâm nên đề nghị Viện trưởng có báo cáo cho đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Theo congly.vn
Nguồn bài viết: https://congly.vn/thoi-su/vien-truong-le-minh-tri-can-bo-dieu-tra-kiem-sat-vien-tham-phan-co-4-vong-kim-co-phai-can-nhac-274226.html