Trong tuần qua, các tập đoàn đa quốc gia gồm Johnson & Johnson (J&J), Toshiba và General Electric (GE) thông báo kế hoạch chia tách thành nhiều công ty độc lập vì điều này sẽ giúp họ vận hành linh hoạt hơn ở các mảng kinh doanh riêng biệt và cũng giúp giới đầu tư định giá họ dễ dàng hơn. Giới phân tích nhận định xu hướng này có thể mạnh hơn trong thời gian tới.
Hôm 12-11, Tập đoàn J&J, nhà sản xuất thiết bị y tế lớn nhất thế giới, có trụ sở ở bang New Jersey (Mỹ), thông báo sẽ tách ra thành hai công ty đại chúng với một công ty chuyên về mảng sản phẩm tiêu dùng và một công ty chuyên về mảng dược phẩm và thiết bị y tế.
Giám đốc điều hành J&J, Alex Gorsky cho biết, kế hoạch chia tách sẽ được thực hiện trong vòng 18-24 tháng tới. Ông giải thích quyết định được đưa ra vì hoạt động kinh doanh, khách hàng và thị trường của J&J đã thay đổi sâu sắc trong những năm gần đây, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Ông nhấn mạnh: “Con đường tốt nhất hướng về phía trước để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bệnh nhân và người tiêu dùng là phải tách mảng kinh doanh tiêu dùng của chúng tôi ra hoạt động như một công ty chăm sóc sức khỏe riêng rẽ”.
Giới đầu tư sẵn sàng trả giá giá cao để mua cổ phiếu của mảng kinh doanh dược phẩm, thiết bi y tế, công nghệ sinh học đang tăng trưởng nhanh của J&J, vốn được đánh giá cao hơn mảng kinh doanh sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc gốc của tập đoàn này.
Trong những năm gần đây, nhiều hãng dược phẩm lớn gồm Pfizer, Merck và GlaxoSmithKline cũng đã tách một số mảng kinh doanh lớn ra hoạt động độc lập hoặc đang lên kế hoạch làm như vậy.
Cũng vào hôm 12-11, Tập đoàn Toshiba (Nhật Bản) công bố kế hoạch chia tách thành 3 công ty độc lập vào tháng 3-2024. Theo đó, một công ty sẽ tập trung vào mảng hạ tầng, một công ty sẽ hoạt động trong lĩnh vực thiết bị điện tử và công ty còn lại sẽ giữ thương hiệu Toshiba và quản lý 40,6% cổ phần của Toshiba ở hãng chip nhớ Kioxia Holdings Corp và các tài sản khác.
Toshiba cho biết, việc chia tách tập đoàn là con đường tốt nhất để nâng cao giá trị doanh nghiệp cho cổ đông. Thông báo của Toshiba giải thích: “Quyết định chia tách cho phép mỗi mảng kinh doanh tăng tính tập trung hơn và giúp quy trình định ra quyết định linh hoạt hơn và có cấu trúc chi phí gọn nhẹ hơn”.
Hồi đầu tuần này, Tập đoàn công nghiệp GE (Mỹ), được thành lập bởi nhà phát minh thiên tài Thomas Edison vào năm 1892, thông báo kế hoạch tách nhỏ ra thành 3 công ty đại chúng hoạt động riêng rẽ trong 3 lĩnh vực hàng không, y tế và năng lượng. Thông báo cho biết sẽ tách mảng thiết bị y tế vào đầu năm 2023, rồi tách mảng thiết bị năng lượng vào đầu năm 2024.
Giám đốc điều hành GE, ông Larry Culp, nói: “Bằng cách tạo ra 3 công ty đại chúng hàng đầu toàn cầu trong 3 ngành hàng không, y tế và năng lượng, mỗi công ty có thể được hưởng lợi nhờ việc phân bổ vốn tập trung hơn, tính linh hoạt chiến lược đối với tăng trưởng trong dài hạn cũng như giá trị đối với khách hàng, giới đầu tư và nhân viên công ty”.
Liz Young, Giám đốc bộ phận chiến lược đầu tư tại SoFi, nhận định: “Để tồn tại và bắt kịp xu hướng thị trường, các công ty phải xem xét ngành kinh doanh có lợi nhất của họ là gì và nơi họ nên dành phần lớn thời gian và sự tập trung. Cạnh tranh rất khốc liệt và đôi khi bạn phải phá bỏ cấu trúc doanh nghiệp để xây dựng lại”.
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới trong một loạt lĩnh vực cũng đang đi theo xu thế chia nhỏ. Gần đây, Tập đoàn công nghệ Dell đã tách mảng kinh doanh điện toán đám mây VMWare thành một công ty riêng biệt. Chuỗi bán lẻ L Brands, có trụ sở ở bang Ohio (Mỹ), cũng chia tách thành hai công ty Bath & Body Works và Victoria’s Secret.
Tập đoàn công nghệ IBM đã tách đơn vị dịch vụ công nghệ thông tin thành một công ty mới có tên gọi, Kyndryl hồi đầu tháng 11. Kyndryl giờ đây có thể linh hoạt hơn trong việc liên doanh với các đối thủ điện toán đám mây khác. Chẳng hạn, hôm 12-11, Kyndryl đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn cầu với Microsoft.
Giám đốc tài chính Kyndryl, David Wyshner, nói: “Chúng tôi giờ đây có sự tự do mới trong kinh doanh. Chúng tôi có thể tiếp tục phục vụ khách hàng của IBM nhưng cũng có thể mở rộng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp công nghệ khác”.
Các tập đoàn khác cũng có thể nhận thấy việc tách các mảng kinh doanh ra hoạt động độc lập giúp họ tự chủ hơn trong việc thiết lập các mối hợp tác kinh doanh mà họ khó có thể thực hiện được nếu mảng kinh doanh đó vẫn là một bộ phận của một tập đoàn khổng lồ.
Sau thông báo chia tách của GE, giới phân tích dự báo một số tập đoàn lớn khác của Mỹ như Emerson Electric, Roper Technologies và 3M có thể mạnh dạn triển khai các kế hoạch tinh giản cấu trúc bằng cách chia nhỏ hoặc bán bớt mảng kinh doanh.
Scott Davis, nhà phân tích ở Công ty Melius Research, nói: “Sự thật đơn giản là các công ty được phép hoạt động theo mô hình tập đoàn miễn là họ cam kết phá bỏ mô hình này ngay khi chiến lược cũ không còn hiệu quả”.
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/vi-sao-mot-loat-tap-doan-khong-lo-chia-nho-thanh-cac-cong-ty-doc-lap.html