Vì sao Đức đứng ngoài cuộc không kích Syria của liên quân Mỹ - Anh - Pháp?

Việc Thủ tướng Angela Merkel quyết định không tham gia liên quân cùng Mỹ, Anh và Pháp trong cuộc không kích nhằm vào Syria hôm 14/4 cho thấy những tính toán riêng của nhà lãnh đạo Đức.

 

Từ trái qua phải: Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Mỹ Trump (Ảnh: AFP)
Từ trái qua phải: Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Mỹ Trump (Ảnh: AFP))

2 ngày trước khi xảy ra cuộc không kích với hơn 100 tên lửa do Mỹ cùng hai đồng minh Anh, Pháp tiến hành nhằm vào các mục tiêu tại Syria, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố Đức sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động quân sự nào. Tuy nhiên, bà Merkel vẫn khẳng định Đức ủng hộ sự cần thiết của việc “gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận được”.

Trung gian hòa giải?

Vài giờ sau cuộc không kích của liên quân, Thủ tướng Đức cũng chỉ đưa ra ủng hộ bằng lời nói và khẳng định “động thái đáp trả quân sự” của Mỹ, Anh và Pháp là “thành công và thích hợp”. Việc Đức tuyên bố không tham gia chiến dịch tấn công quân sự Syria được cho là một trở ngại cho kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc tập hợp liên minh đối phó với chính quyền Syria, sau khi cáo buộc Damascus gây ra vụ tấn công hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng tại thị trấn Douma ở Đông Ghouta hồi đầu tháng.

Theo Bloomberg, Đức có lý do khi quyết định không tham gia trực tiếp vào cuộc không kích của liên quân dù nước này là một trong những thành viên chủ chốt của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu. Không giống Mỹ, Anh và Pháp, Đức không phải là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - nơi tập hợp những quốc gia có nghĩa vụ bảo đảm các luật lệ quốc tế phải được thực thi. Việc Thủ tướng Merkel từ chối đưa Đức đứng vào hàng ngũ các nước không kích Syria có thể xem là cách để Đức khéo léo từ bỏ tham vọng lãnh đạo toàn cầu trong bối cảnh nước này chưa thể gánh được vai trò này.

 

 Máy bay B-1B Lancer của Mỹ tham gia không kích tại Syria (Ảnh: Reuters)
Máy bay B-1B Lancer của Mỹ tham gia không kích tại Syria (Ảnh: Reuters))

Cuộc không kích nhằm vào Syria hồi cuối tuần trước là kết quả trực tiếp của bình luận thiếu thận trọng do Tổng thống Donald Trump đưa ra trên Twitter, trong đó ông chủ Nhà Trắng nói rằng các tên lửa của Mỹ chuẩn bị bay về phía Syria. Sau tuyên bố này, chính quyền Trump buộc phải tìm cách tập hợp sự giúp đỡ của đồng minh. Nhà lãnh đạo Mỹ rất cần những quốc gia ủng hộ phía sau, đặc biệt là khi ông không có ý định xin ý kiến Quốc hội trước khi hành động với Syria.

Đứng trước lời kêu gọi của Mỹ, Thủ tướng Anh Theresa May không thể từ chối, vì trước đó chính Tổng thống Trump là người đã ủng hộ mạnh mẽ nhà lãnh đạo Anh trong vụ việc liên quan tới cựu điệp viên Nga Sergei Skripal nghi bị đầu độc hồi tháng 3. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đang xây dựng mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Trump hơn bất kỳ nhà lãnh đạo châu Âu nào khác. Ngoài ra, ông Macron cũng muốn được nhìn nhận như một nhà lãnh đạo có khả năng xây dựng chính sách đối ngoại.

Đối với Thủ tướng Merkel, bà luôn phải “vất vả” tìm cách hòa hợp với Tổng thống Trump và không giấu giếm được sự bất bình đối với chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ. Việc các nước đồng ý đưa máy bay chiến đấu tham gia cuộc không kích của Mỹ tại Syria là cách “tương đối ít tốn kém” để lấy lòng ông Trump. Trên thực tế, Tổng thống Trump cũng dành những lời khen ngợi cho Anh và Pháp khi đồng hành nhiệt tình bên cạnh ông. Trong khi đó, Thủ tướng Đức chấp nhận bỏ qua cơ hội này.

 

 Bản đồ chỉ vị trí tấn công của các tàu và máy bay của Mỹ, Anh, Pháp trong cuộc không kích ngày 14/4 (Ảnh: AP)
Bản đồ chỉ vị trí tấn công của các tàu và máy bay của Mỹ, Anh, Pháp trong cuộc không kích ngày 14/4 (Ảnh: AP))

Việc không trực tiếp tham gia vào cuộc không kích cùng Mỹ, Anh và Pháp, trong đó nhắm mục tiêu tới các lực lượng Syria với sự hậu thuẫn của Nga, cho phép Đức làm tốt vai trò của một bên trung gian hòa giải với các biện pháp ngoại giao, theo DW. Liên Hợp Quốc rõ ràng khó có thể thực hiện được vai trò trung gian này khi cả Anh, Pháp, Mỹ và Nga đều có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.

Tướng nghỉ hưu Harald Kujat của Đức cho rằng nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân đang ngày càng hiện hữu và Đức sẽ giữ vai trò kiềm chế Mỹ, Anh và Pháp. “Chúng ta có một tổng thống Pháp chưa có nhiều kinh nghiệm, người đang góp phần leo thang căng thẳng, một thủ tướng Anh đang chịu sức ép rất lớn từ trong nước và một tổng thống Mỹ khó đoán”, Tướng Kujat nhận định.

Tập trung vào các vấn đề trong nước

Theo giới phân tích, mối quan tâm của Thủ tướng Đức hiện nay chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước. Bà Merkel không bao giờ muốn đạt được một vị thế cao hơn cho Đức trên trường quốc tế nếu phải đổi lại tình hình bất ổn hơn trong nước. Nhà lãnh đạo Đức dường như muốn “chiều” theo lựa chọn của số đông công chúng khi kết quả của cuộc khảo sát gần đây cho thấy có tới 60% người dân Đức xem cuộc không kích của liên quân 3 nước nhằm vào Syria là một sai lầm. Hầu hết các chính trị gia và đảng ở Đức đều phản đối việc can thiệp quân sự nhằm vào Syria.

Mãi tới gần đây, bà Merkel mới thành lập được một chính phủ tại Đức sau cuộc bầu cử từ tháng 9 năm ngoái. Do vậy, việc lôi kéo Đức vào một tình thế có nguy cơ biến thành đối đầu quân sự Mỹ - Nga có lẽ là điều cuối cùng mà bà Merkel muốn làm trong giai đoạn đầu của một chính phủ non trẻ. Thủ tướng Merkel và các quan chức khác của chính phủ Đức cho thấy họ không phải là bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng họ cũng không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh nóng với Moscow.

Thủ tướng Merkel là bậc thầy về thỏa hiệp dàn xếp. Bà giữ lập trường trung lập trong vấn đề Syria khi vừa đảm bảo sự ổn định về tình hình trong nước nhưng vẫn thể hiện sự trung thành với liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Rốt cuộc, vụ không kích của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria chủ yếu mang tính biểu tượng khi kết quả của nó không làm thay đổi chiến thắng của chính quyền Syria trước các nhóm nổi dậy ở Đông Ghouta cũng như cục diện cuộc xung đột. Đối với những hành động mang tính biểu tượng, những tuyên bố thậm chí có sức nặng như tên lửa, và hầu hết người dân Đức đều cảm thấy hài lòng vì lãnh đạo của họ hiểu được điều này.

Theo Congly

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin