Vì sao chuyển hồ sơ sai phạm ở VEAM sang công an?

VEAM cho vay tiền tính lãi suất trái quy định, thua lỗ, gây âm vốn hàng chục tỉ đồng.

Như PLO đã đưa tin, mới đây, Bộ Công Thương đã công bố Kết luận Thanh tra về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM).

 Ông Trần Ngọc Hà, nguyên Tổng giám đốc VEAM.
Ông Trần Ngọc Hà, nguyên Tổng giám đốc VEAM.)

Theo đó, Bộ Công Thương chỉ rõ tình hình kinh doanh không hiệu quả, mua quá nhiều linh kiện ngoài kế hoạch, bổ nhiệm cán bộ sai quy định tại VEAM. Không chỉ dừng lại ở đó, theo tài liệu PLO có được, cơ quan thanh tra còn phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động tài chính tại đơn vị này.

Cho vay trái quy định, khó thu hồi vốn

Theo đó, việc quản lý sử dụng vốn tại một số đơn vị hoạt động thua lỗ, gây mất vốn chủ sở hữu như: nhà máy ô tô VEAM kinh doanh trong giai đoạn từ 2010 đến 6 tháng đầu năm 2018 gây mất vốn đầu tư là 331 tỉ đồng.

Tính đến ngày 31-12-2018, nhà máy ô tô VEAM đã lỗ 343 tỉ đồng. Ngày 1-1-2018, Công ty TNHH MTV máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC) đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và bị âm vốn 36 tỉ đồng,…

Về công tác quản lý vốn vay, vốn hỗ trợ, tiền gửi và công nợ, Bộ Công Thương cho biết, VEAM cho các đơn vị thành viên vay tiền tính lãi suất trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Theo Bộ Công Thương, điều lệ tổ chức và hoạt động của VEAM có thể lập công ty tài chính trực thuộc để thực hiện chức năng tín dụng. Tuy nhiên, VEAM không thực hiện theo quy định.

Một số đơn vị VEAM cho vay, hỗ trợ lãi suất ưu đãi kinh doanh không hiệu quả. Một số đơn vị kinh doanh thua lỗ liên tục nhiều năm, mất cân đối tài chính, thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt, khả năng thu hồi vốn khó khăn.
“Việc cho vay tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi, miễn lãi của VEAM không có quy định cụ thể bằng văn bản. Một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ. Số tiền VEAM hỗ trợ, cho vay các đơn vị thành viên chưa thu hồi được là 595 tỉ đồng”- Bộ Công Thương nêu rõ.

Thanh tra Bộ Công Thương cho rằng, trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm trên thuộc về các chủ tịch, tổng giám đốc giai đoạn 2004-2018 gồm ông Nguyễn Thanh Giang, ông Lâm Chí Quang, ông Trần Ngọc Hà,…

Đội vốn cho dự án nhà máy ô tô

Trong số các vấn đề được thanh tra chỉ ra, sai phạm tại Nhà máy ô tô VEAM là vấn đề đáng chú ý nhất. Vụ việc này cũng đã được Bộ Công Thương chuyển qua cơ quan công an điều tra làm rõ.

Một lãnh đạo VEAM cho biết, hiện nay, hoạt động của Nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn, tồn kho sản phẩm lớn, tiêu thụ chậm, sử dụng đồng vốn không hiệu quả. Tính đến hết năm 2018, công ty mẹ đã rót vốn cho nhà máy lên đến 2.600 tỉ đồng, trong khi dự án được quyết định đầu tư dưới 600 tỉ đồng. Những năm rất khó khăn về vốn, thị trường tiền tệ bị thắt chặt thì dòng tiền mặt của Công ty mẹ đã chủ yếu chuyển vào nhà máy (không có nghị quyết nào phê duyệt). Tuy nhiên, tính đến 31-12-2018, nhà máy đã lỗ lũy kế 343 tỉ đồng.

Hiện tại, số xe sản xuất ra từ nhiều năm trước của nhà máy vẫn nằm trong kho, không bán được.Tổng số có tới 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn, giá vốn lên tới hơn 966 tỉ đồng. Trong đó có tới 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước với giá vốn là 878 tỉ đồng. Nguy cơ mất vốn lớn đối với xe tồn không thể tiêu thụ hoặc phải giảm giá bán để tiêu thụ.

Theo lãnh đạo VEAM, Nhà máy ô tô VEAM có chủ trương đưa ra thị trường xe thương hiệu VEAM. Thực chất xe này được tổ hợp từ các cụm linh kiện khác nhau từ nhiều nhà cung cấp chứ không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ. Phương thức này đã dẫn đến VEAM không có đối tác hợp tác về sản xuất sản phẩm. Trong khi các nhà sản xuất khác như Thaco, Thành Công, TMT tiêu thụ với sản lượng lớn hơn nhiều thì sản lượng của VEAM ô tô rất khó tăng trưởng, lượng xe tồn kho lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh rất thấp.

Các vụ việc được Bộ Công Thương chuyển hồ sơ qua cơ quan công an:

- Vụ mua linh kiện phụ tùng ô tô (3000 bộ linh kiện xe Huyndai Mighty với TCG; 1500 bộ linh kiện giữa VEAM và Chi nhánh Công ty TNHH MeKong Auto).

- Vụ chuyển tiền từ VEAM cho Nhà máy ô tô VEAM.

- Vụ việc sử dụng nguồn vốn 112 tỉ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất tại 191 và 193 Bà Triệu - Hà Nội, tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo.

- Hệ thống khuôn dập Cabin thiệt hại 26 tỉ đồng.

Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – Công ty Cổ phần (VEAM) tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con, thuộc Bộ Công Thương. Năm 2017, VEAM tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần.

VEAM hiện có 27 đơn vị thành viên bao gồm các công ty con là công ty TNHH Nhà nước một thành viên, các công ty cổ phần, công ty liên kết,... VEAM là đối tác Việt Nam tham gia góp vốn và thành lập các liên doanh Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Ford Việt Nam, Mekong Auto, Kumba và VEAM Korea.

Theo plo.vn

Nguồn bài viết: https://plo.vn/thoi-su/vi-sao-chuyen-ho-so-sai-pham-o-veam-sang-cong-an-835911.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin