Chiều 9-1, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề tại sao bộ này đưa ra hai phương án: Hiến máu bắt buộc và hiến máu tự nguyện trong tờ trình về dự thảo Luật về máu và tế bào gốc mà bộ này vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Ông Quang lý giải: Sở dĩ Bộ Y tế đưa ra hai phương án, phương án 1 quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện một năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu; và phương án 2 là quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu để “lấy ý kiến trong xã hội, để mọi người cùng bàn luận và rộng đường dư luận”.
Theo ông Quang, quan điểm của người xây dựng luật là làm sao để luật phải tạo được sự đồng thuận trong xã hội, từ đó luật mới đi vào cuộc sống. Do vậy, khi xây dựng luật nói chung và dự thảo luật này nói riêng, Bộ Y tế đã đưa ra hai phương án, trong đó có phương án nhạy cảm (phương án 1 là hiến máu bắt buộc) - phương án giả định để rộng đường dư luận, qua đó báo cáo đánh giá tác động của luật này.
“Luật nào cũng vậy, ban soạn thảo sẽ đưa ra nhiều phương án để mọi người bàn bạc và lấy ý kiến của nhân dân, xã hội. Khi thống nhất thì sẽ trình phương án tối ưu nhất tới Quốc hội để các đại biểu ấn nút thông qua”- ông Quang cho biết.
Tuy nhiên theo ông Quang, có thể cách viết của ban soạn thảo trong dự thảo luật này chưa chuẩn nên dễ khiến người đọc hiểu nhầm.
“Nếu chúng ta ủng hộ phương án nào thì chúng ta nên viết phương án đó lên đầu. Các phương án giả định sẽ viết lần lượt phía sau. Khi đã lấy ý kiến cụ thể, có sự đồng thuận nhất trí cao thì mới quay lại nói lựa chọn phương án 1 thì mới hợp lý. Trong dự thảo luật này, ban soạn thảo lại để phương án ưu tiên là phương án 2 và đặt phương án giả định gây tranh cãi là phương án 1. Tuy Bộ vẫn chọn phương án 2 nhưng khi đọc dự thảo sẽ khiến mọi người hiểu nhầm” - ông Quang giải thích.
Theo ông Quang, phương án 2 là hiến máu tình nguyện được chọn và đã đưa vào dự thảo, còn phương án hiến máu bắt buộc chỉ nằm trong tờ trình của dự thảo. Khi tham khảo pháp luật quốc tế cho thấy toàn bộ quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, kể cả Trung Quốc.
Theo Luật hiến máu của Trung Quốc thì “Các cơ sở, ban ngành nhà nước, quân đội, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các đơn vị, ủy ban dân cư và ủy ban thôn xóm cần huy động và tổ chức cán bộ nhân dân của đơn vị mình đi hiến máu nếu ở độ tuổi phù hợp”. Theo đó các cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống nhà nước phải có trách nhiệm tham gia hiến máu và nguồn máu này được lưu trữ và sử dụng phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho toàn dân chứ cũng không quy định nghĩa vụ bắt buộc hiến máu.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng phương án 1 thì sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng gần 28 triệu đơn vị máu (theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới thì một quốc gia cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm, tương đương với 18,2 triệu đơn vị máu và nếu quy định nghĩa vụ hiến máu của công dân thì sẽ có 46 triệu đơn vị máu/năm). Bên cạnh đó, việc sử dụng giải pháp 1 cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi. Do đó, ban soạn thảo thống nhất lựa chọn phương án tối ưu là hiến máu tự nguyện.
Số liệu mới nhất của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết hiện cả nước đã vận động gần 1,4 triệu đơn vị máu, đáp ứng được 109% kế hoạch năm 2016, tăng 19% so với năm 2015, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh viện tuyến trung ương và địa phương.
Ở các tỉnh xa, có 20% lượng máu thiếu, nên viện huyết học áp dụng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc chuyển chế phẩm an toàn và ngân hàng máu sống.
Hiện cả nước có 1,52% dân số tham gia hiến máu. Theo thế giới, với 2% số người hiến là đáp ứng đủ máu điều trị.
Theo Plo