"Ván cờ" Châu Á - Thái Bình Dương: Donald Trump và Tập Cận Bình, ai sẽ bị chiếu tướng?

Những quân cờ của Mỹ có thể đe dọa nghiêm trọng kế hoạch của Trung Quốc. Còn "thế cờ" của Trung Quốc dường như phụ thuộc hoàn toàn vào việc hạ gục tất cả những người chơi khác.

Tháng trước, sau hội nghị thượng đỉnh tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện nhiều quan điểm trái chiều về tình hình khu vực.

Trước bài phát biểu chính tại APEC 2017, ông Trump đã có một số bài nói tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Sau APEC, ông lại có bài phát biểu tại Philippines.

Ông Tập cũng bày tỏ quan điểm của mình qua APEC, qua Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 của Trung Quốc và các cuộc gặp với một số lãnh đạo trong khu vực.

Trong khi tầm nhìn và chính sách của ông Tập khá rõ ràng, thì ông Trump và các cố vấn lại thường xuyên thay đổi chính sách ngoại giao trong khu vực, khiến các quốc gia khó nắm bắt được thực sự Mỹ đang nhắm tới điều gì.

Từ khi nhậm chức, ông Trump tỏ ra rất thân thiết với Hàn Quốc và Nhật Bản, dù đôi lúc Mỹ và hai quốc gia này cũng bất đồng trong vài trường hợp.

Ngược lại, ông Tập đề ra chính sách lâu dài cho Trung Quốc và "tư tưởng Tập Cận Bình" đã được bổ sung vào điều lệ đảng của quốc gia này, một vinh dự trước đó chỉ Mao Trạch Đông có được. Ông Tập cũng khéo léo thực thi các chính sách tùy theo tình hình và các bối cảnh cụ thể trong khu vực.

 

Tầm nhìn của ông Tập và ông Trump

‘Cuộc đua’ của ông Trump và ông Tập tập trung vào thương mại, và thông qua đó, ảnh hưởng tới các vấn đề lớn khác trong khu vực.

Ông Trump từ chối mọi chương trình khung của khu vực dựa trên mối quan hệ đa phương. Theo ông, điều này cho phép các quốc gia lớn nắm quyền kiểm soát chủ quyền của nước khác, giảm sự linh hoạt của các quyết định, tạo điều kiện cho một số nước trục lợi, giảm hiệu quả thực thi, hoặc thậm chí gây ra nạn tham nhũng, lừa đảo làm rối loạn hệ thống.

Ông Trump muốn quay trở lại các mối quan hệ thương mại song phương giữa các quốc gia sẵn sàng theo đuổi thỏa thuận theo hướng cân bằng và công bằng, theo quy định của pháp luật. Các quốc gia có dấu hiệu tham nhũng, làm ăn phi pháp hay cam kết thiếu công bằng sẽ bị Mỹ từ chối.

Đối với ông Trump, khái niệm an ninh phụ thuộc phần nhiều vào an ninh kinh tế chứ không chỉ có sức mạnh quân sự. Ông tin rằng hướng đi của mình sẽ đem lại sự phát triển tiên tiến, thịnh vượng hơn cho toàn thế giới. Về mặt bản chất, ông Trump đã hoàn toàn lật ngược luật chơi của ván cờ thương mại vốn từ lâu đã được các tổ chức quốc tế theo đuổi, trong đó có thể kể tới: Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF).

Tháng 1/2017, ngay khi nhậm chức, việc đầu tiên ông Trump làm là rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại tự do có tên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi ấy, ông Trump phát đi tín hiệu rằng ông thực sự nghiêm túc khi theo đuổi tầm nhìn của mình.

 Ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình phát biểu tại APEC được tổ chức ở Việt Nam tháng 11/2017.
Ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình phát biểu tại APEC được tổ chức ở Việt Nam tháng 11/2017.)

Trong bài phát biểu tại APEC, ông Tập đã phủ nhận hầu hết quan điểm của ông Trump. Theo ông Tập, thế giới hiện tại bị chi phối bởi các thỏa thuận đa phương, các thể chế quốc tế, và toàn cầu hóa - cụm từ ngắn gọn của "trật tự thế giới tự do" - là chuyện tất yếu.

Ông Tập cũng gợi lại lời của cựu Tổng thống Barack Obama rằng các quốc gia phải phối hợp với nhau để tạo nên mạng lưới đối tác toàn cầu.

Ông Tập đề cao sự cần thiết của một khu vực tự do thương mại tại APEC (Trung Quốc không phải là thành viên của TPP), mặc dù ông vẫn ưu tiên sáng kiến thương mại khu vực của Trung Quốc hơn.

Nhưng cùng lúc đó, Bắc Kinh cũng theo đuổi nhiều thỏa thuận thương mại song phương với các quốc gia ở những nơi không có hiệp định đa phương.

Ông Tập tuyên bố mô hình kinh tế hiện đại đang soi đường cho Trung Quốc – mới được bổ sung vào Hiến pháp nước này – là món quà cho thế giới. Ông Tập muốn các nước khác áp dụng mô hình này và hiển nhiên Trung Quốc sẽ là "đầu tàu". Về cơ bản, ông Tập thúc đẩy sự thay đổi theo hướng đa phương nhưng cùng lúc phải đảm bảo được lợi ích cho Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại

Sau APEC, 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP, quyết định tạo ra TPP phiên bản mới. Như vậy, cả tầm nhìn của ông Trump và ông Tập đều không được hoàn toàn chấp nhận: các nước TPP có thể có các thỏa thuận song phương và đa phương. TPP giúp các nước trong khu vực hưởng lợi nhiều hơn từ Mỹ và Trung Quốc.

Đáng tiếc là Việt Nam đã không thể có được tầm ảnh hưởng sâu hơn vào thị trường Mỹ đầy tiềm năng. Theo WTO, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP với sự góp mặt của Mỹ. Nếu Mỹ còn ở lại TPP, trong vòng 10 năm tới, GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 11%, tương đương với 36 tỉ USD.

Ông Trump đã phá bỏ "tòa lâu đài" TPP vì ông tin rằng nước Mỹ không nhận được những cam kết thương mại công bằng trong khu vực, điều đi ngược với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông. Kể cả khi ông Trump có hứng thú với TPP, ông cũng không thể thông qua thỏa thuận bởi các lực lượng chính trị đối lập ở Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc đang thúc giục các nước tham gia các chính sách của mình, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), và sáng kiến trị giá hàng nghìn tỉ USD "Vành đai, Con đường" như phương án thay thế TPP cũng như quan điểm song phương hóa của ông Trump.

Nhiều chuyên gia tin rằng hủy bỏ TPP có thể là chính sách thất bại nhất của Mỹ. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã từng gọi TPP là "tiêu chuẩn vàng" cho mọi thỏa thuận thương mại trên thế giới. Bà Clinton đã buộc phải bỏ qua TPP khi ứng cử viên tổng thống Bernie Sanders khiến bà không còn lựa chọn nào khác. Mỹ đã hi sinh nhiều quân cờ tốt và mất lợi thế trong thỏa thuận này.

Ông Trump bắt tay khi chụp hình kỉ niệm tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Manila.
Ông Trump bắt tay khi chụp hình kỉ niệm tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Manila.)

Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc. Trung Quốc tin rằng đó là lợi thế của họ. Trong năm 2016, Mỹ đã xuất khẩu 116 tỉ USD và nhập khẩu 463 tỉ USD giá trị hàng hóa.

Ông Trump đã cam kết sẽ giảm sự mất cân bằng thương mại này thông qua áp lực kinh tế, bao gồm thuế quan, luật thương mại mới và nhiều hình thức tương tự khác.

Trung Quốc cần thị trường Mỹ để đảm bảo sự phát triển ổn định cho kinh tế Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều đang ở thế hòa. Bắc Kinh cần mở rộng thị trường, giảm số lượng doanh nghiệp và trợ cấp nhà nước.

Trung Quốc thường xuyên đề cập tới thực tế rằng nước này là nhà đầu tư chính cho Mỹ, vậy nên thâm hụt thương mại không phải là vấn đề lớn.

Nhưng đó chỉ là đòn "Dương đông kích tây" vì Vốn đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) của Trung Quốc cho Mỹ chỉ là 46 tỉ USD trong khi Nhật Bản đầu tư 421 tỉ USD, Anh đầu tư 600 tỉ USD và thậm chí Ireland cũng đầu tư nhiều hơn Trung Quốc, với 280 tỉ USD.

Trung Quốc vẫn thường đe dọa Mỹ khi nói rằng mình đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Đây cũng là thông tin sai lệch. Nhật Bản mới là chủ nợ lớn nhất với 1,2 nghìn tỉ USD. Trung Quốc hiện đang giữ 5.5% số nợ của Mỹ trị giá 20 nghìn tỉ USD và sẽ thua thiệt rất nhiều nếu bán đi quá nhiều nợ.

Đồng Nhân dân tệ cũng đóng góp một phần giá trị với đồng Đô la Mỹ.

Nhưng Trung Quốc đã có kế hoạch khác. Bắc Kinh đã đặt áp lực lên Ả Rập Saudi, buộc quốc gia này phải bán dầu mỏ bằng đồng Nhân dân tệ thay vì đồng Đô la Mỹ. Trung Quốc cũng buộc các nước sản xuất dầu mỏ khác phải làm theo như vậy. Nếu tình trạng này tiếp diễn, đồng Đô la Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về vấn đề thương mại, ông Trump cũng đã trở nên xa cách với các đồng minh và những đối tác quan trọng. TPP đã không thành hiện thực. Canada và Mexico đang phàn nàn về việc Mỹ có thể sẽ tiếp tục rút khỏi các thỏa thuận thương mại tự do. TPP phiên bản Liên minh châu Âu đã bị Mỹ làm ngơ. Ông Trump gần đây cũng "gây hấn" với Anh và Đức. Ông Trump cần các đồng minh của mình để đạt được mục tiêu tại châu Á.

Mâu thuẫn trong khu vực

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành "chiến trường" để quyết định xem ai sẽ giành quyền làm chủ trong khu vực, hoặc ai sẽ phải rút lui khỏi trận đấu.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã đẩy Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chống lại Triều Tiên, Trung Quốc và Nga trong gần 70 năm. Trong tháng 11 vừa qua, Triều Tiên dường như đã phát triển hoàn thiện một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng phóng tới đất Mỹ sau hàng thập kỉ nghiên cứu và thử nghiệm. Đây là bước ngoặt lớn trong trò chơi chính trị.

Trước đây, chính quyền Mỹ chỉ thực hiện những chính sách nhỏ lẻ để phản đối và ngăn chặn các chương trình tên lửa của Triều Tiên, đẩy dần trách nhiệm cho những người cầm quyền trong tương lai. Nhưng hiện tại, Mỹ đã liệt kê Triều Tiên vào danh sách các "quốc gia tài trợ khủng bố" và mọi sự đều phụ thuộc vào ông Trump.

 Ông Trump và ông Duterte tại lễ đón tiếp ở Manila. Ảnh: Reuters
Ông Trump và ông Duterte tại lễ đón tiếp ở Manila. Ảnh: Reuters)

Triều Tiên và Mỹ đã liên tục khẩu chiến quanh vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Căng thẳng giữa các bên dường như có dấu hiệu gia tăng mỗi ngày.

Mỹ đã triển khai ba tàu sân bay tới bán đảo Triều Tiên và tổ chức tập trận toàn diện ngay phía nam biên giới Triều Tiên. Khi Mỹ cho lắp đặt hệ thống phòng không tại Hàn Quốc, Trung Quốc đáp trả bằng cách đóng cửa gần 100 khu thương mại của hãng Lotte Hàn Quốc với giá trị lên tới gần 1 tỉ USD.

Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ từ trước tới nay đều tin rằng Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ khoảng 90% sản phẩm xuất khẩu của Triều Tiên và là đồng minh, nước bảo hộ Bình Nhưỡng trước chỉ trích của cộng đồng thế giới – nắm chìa khóa giải quyết các nỗ lực phi hạt nhân hóa trên quốc gia bán đảo này.

Tới nay, Trung Quốc đã góp sức giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua việc cắt giảm xuất nhập khẩu với Triều Tiên, nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn cản trở Bình Nhưỡng.

Ông Trump hiện đang kêu gọi các quốc gia tiếp tục ‘đoàn kết’, xiết chặt áp lực cấm vận lên Triều Tiên. Mặc dù HĐBA LHQ đã đồng thuận với các giải pháp cấm vận, nhưng Nga đã phá vỡ hàng rào với dầu mỏ, làm giảm đáng kể tác động tiêu cực tới kinh tế Triều Tiên. Nga khẳng định muốn trở thành nước hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Trung Quốc hiện đang phản ứng với Mỹ bởi nước này tin rằng Mỹ cần phải dừng các hoạt động tập trận với Hàn Quốc và đàm phán sáu bên với Triều Tiên là lựa chọn duy nhất của các quốc gia – một chương trình "cấm vận kép".

Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ không ngừng hỗ trợ Triều Tiên bởi các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này đã buộc Mỹ phải dồn nhiều nguồn lực hơn vào bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ và Triều Tiên đã "đối thoại" trong nhiều thập kỉ và sau mỗi lần như vậy, Triều Tiên lại tiếp tục theo đuổi các chương trình hạt nhân của nước mình.

Ông Trump không thể chỉ đơn thuần tấn công Triều Tiên bởi Bình Nhưỡng sẽ ngay lập tức trả đũa nhằm vào Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc đã đưa tình hình khu vực vào bế tắc. Theo Bắc Kinh, bế tắc này sẽ đem lại lợi ích quốc gia cho Trung Quốc, trong đó có việc hỗ trợ ổn định Triều Tiên.

Trung Quốc đã cố gắng giải tỏa căng thẳng thương mại bằng việc kí một hợp đồng xuất khẩu dầu và hóa chất trị giá 84 tỉ USD tới West Virginia. Đây có thể là một đòn đau vào thị trường dầu mỏ của Nga tại Trung Quốc. Nhưng, tờ New York Times cho biết Mỹ chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch phản đối ngành công nghiệp tấm pin mặt trời của Trung Quốc.

Biển Đông

Khi Mỹ tập trung vào Triều Tiên, Trung Quốc cũng mở rộng sự kiểm soát có hệ thống lên biển Đông. Ông Tập muốn quản lí tất cả các đường chở hàng và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ.

 Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: CSIS (2016)
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: CSIS (2016))

Trên biển Đông, Trung Quốc tự ý tạo dựng 7 đảo nhân tạo. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, 3 trong số các đảo này có cơ sở vũ trang quân sự, bao gồm các phi đội, tên lừa và radar.

Trung Quốc cũng đe dọa quần đảo Senkaku của Nhật Bản tại biển Nhật Bản, và các vùng bắt cá ở Malaysia và Indonesia.

Ông Tập bao biện cho việc chiếm giữ các vùng nước này và cho rằng Trung Quốc chỉ đang hoạt động trong vùng biển của nước mình, không xâm hại tới lãnh thổ của các quốc gia khác. Nhưng hiện tại, Trung Quốc đã đòi chủ quyền trên 90% vùng biển đang tranh chấp.

Ông Trump đã điều Hải quân và Không quân Mỹ tới các vùng biển nói trên để đảm bảo giao thương được thuận lợi. Nhưng các lực lượng này đang bị trải dàn quá mỏng giữa biển Đông và bán đảo Triều Tiên/Nhật Bản. Ông Trump cũng đang "chặn đứng" ông Tập bằng việc điều các nhóm quân phòng ngự tới cả Hàn Quốc và Nhật Bản, với lần lượt 28.000 lính và 50.000 lính ở mỗi quốc gia. Mặt khác, Nga đã tham gia tuần tra trên biển cùng Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục xây dựng lực lượng hải quân và vũ trang, trong khi ông Trump vẫn đang cố gắng vận động Quốc hội đầu tư nhiều chi phí hơn cho quốc phòng sau khi lượng tiền quân đội nhận được giảm từ 4,6% GDP xuống 3,3% trong thời gian gần đây, tương đương với việc cắt giảm 80.000 lính. Hầu hết các chuyên gia tin rằng quân đội Mỹ không đáp ứng được các chiến dịch trên toàn cầu của nước này.

Trong khi đó, Philippines lại là "cái gai trong mắt" Trung Quốc sau khi nước này giành lại được chủ quyền lãnh thổ của các đảo xa bờ trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Trung Quốc phủ nhận quyết định của tòa án quốc tế và tiếp tục lấn chiếm Philippines.

Tổng thống Rodrigo Duterte không thể dùng tới vũ lực để buộc Trung Quốc phải rời lãnh thổ của mình, vậy nên ông đã "nhắm mắt làm ngơ", nhưng đổi lại, buộc Trung Quốc phải cấp vũ trang cùng các khoản đầu tư và thương mại cho Philippines.

Ông Trump cũng phản ứng bằng hình thức tương tự, khi hỗ trợ người Philippines tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên đảo Mindanao. Tính tới thời điểm hiện tại, ông Duterte đã thành công trong việc dẫn dắt hai nước Trung Quốc – Mỹ đối đầu lẫn nhau.

Trung Quốc hiện đang thỏa thuận với các quốc gia ASEAN để tránh các cuộc đụng độ ở biển Đông và nhằm tạo ra "bộ quy tắc ứng xử" để giải quyết các căng thẳng. Tuy nhiên, các nhà bình luận cũng tranh cãi liệu đây có phải là nước cờ mà Trung Quốc hướng tới nhằm câu kéo thời gian, thu hút nhiều quyền lực hơn tại khu vực Thái Bình Dương hay không.

Điều này sẽ đặt ông Trump vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đài Loan đã và đang là một quân cờ trong mâu thuẫn Mỹ - Trung Quốc. Trung Quốc muốn làm cái mà họ gọi là "thu hồi Đài Loan" theo chính sách "Một Trung Quốc". Về phần mình, trước đây, ông Trump không coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Nhưng hiện tại ông đã đổi ý. Tuy vậy, trong năm 2017, Mỹ cũng đã bán lượng vũ khí trị giá 1,42 tỉ USD cho Đài Loan.

Vấn đền an ninh mạng

Mỹ đã có bằng chứng rằng Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đã liên tiếp tấn công mạng nhằm vào chính quyền và doanh nghiệp Mỹ, kể cả nhằm thu thập tình báo hoặc cản trở hoạt động. Các hacker và chuyên gia mạng xã hội bị cáo buộc là do chính phủ Nga hậu thuẫn được cho là đã tổ chức các cuộc tấn công có hệ thống nhằm làm giảm uy tín, phá hoại và gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Trong khi Mỹ không cung cấp nhiều thông tin cho công chúng và Tổng thống Nga Vladir Putin cũng phủ nhận cáo buộc, thì nhiều người vẫn tin rằng, dường như Nga đã tìm cách làm tổn hại chính quyền Mỹ và giúp ông Trump được bầu làm tổng thống.

Người Trung Quốc cũng bị buộc tội trục lợi tài sản trí tuệ từ các doanh nghiệp và thông tin từ 4 triệu quan chức Mỹ.

Trong động thái tương tự, Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đã buộc tội Mỹ tấn công hệ thống máy tính của họ. Trung Quốc cũng đã bắt được các nghi phạm trong vụ tấn công mạng quan chức nước họ.

Ai sẽ là người chiến thắng

Hiện tại, Mỹ dường như nắm ít lợi thế, nhưng những quân cờ của Mỹ có thể đe dọa nghiêm trọng kế hoạch của Trung Quốc. "Chiếu tướng" Mỹ không hề là điều dễ dàng.

Hơn nữa, trò chơi chiến lược của Trung Quốc dường như phụ thuộc hoàn toàn vào việc hạ gục tất cả những người chơi khác.

Nhưng nếu Trung Quốc gây ra gián đoạn kinh tế, gây bất ổn khu vực, vươn quyền điều hành quá rộng, rất có khả năng Trung Quốc sẽ tự làm hại chính mình.

Chiến lược của Trung Quốc cũng bỏ qua những hậu quả không lường trước, có thể kể đến sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc, khủng hoảng bất động sản, các doanh nghiệp nhà nước chìm trong nợ nần.

Và chiến lược này cũng chứa nhiều rủi ro: liệu Trung Quốc có thể ngăn chặn Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân hay không? Hay Triều Tiên đã tính toán sai ý định của Mỹ? Trung Quốc có thể thực sự điều khiển nguồn vốn trị giá hàng nghìn tỉ USD để củng cố nỗ lực chiếm ưu thế thương mại và mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự trên thế giới hay không? Liệu mô hình kinh tế mới có tạo ra các trung tâm quyền lực mới ganh đua với chính Trung Quốc hay không? Và liệu Trung Quốc có thể giảm thiểu thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ hay không?

Như vậy, Trung Quốc và Mỹ sẽ phải từ bỏ nhiều thứ để đạt được mục đích của mình. Đài Loan sẽ luôn chịu sự rủi ro lớn. Trung Quốc luôn ‘khao khát’ Đài Loan sẽ "trở về với đại lục". Liệu ông Trump có hi sinh Đài Loan để kiểm soát Triều Tiên hay không? Ông Trump có đưa Mỹ trở lại TPP để đối đầu với tham vọng thương mại của Trung Quốc hay không? Trung Quốc có bao giờ từ bỏ các đảo nhân tạo (trái phép - ND) trên biển Đông hay không?

Các câu hỏi chưa có lời đáp xác đáng. Nhưng chắc chắn là, điều tuyệt vời nhất chỉ tới nếu các quốc gia hợp tác vì lợi ích chung thay vì làm tổn hại lẫn nhau.

Theo Thời đại

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin