Vai trò của giảng viên lý luận chính trị trong đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin

04/05/2020 07:14

(Pháp lý) - Chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nay đã liên tục đi trên con đường không bằng phẳng. Hơn 100 năm qua, tư tưởng của các nhà kinh điển đã vượt qua thử thách của thời đại cũng như sự phê phán, công kích của các thế lực đối lập, thù địch. Bài viết tập hợp một số luận điệu xuyên tạc về học thuyết hình thái kinh tế xã hội và học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác – Lênin, trên cơ sở đó, nhóm tác giả Trường Đại học Thái Nguyên đưa ra những luận cứ nhằm tiếp tục bảo vệ, khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin và sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Từ đó củng cố niềm tin cho sinh viên về tính đúng đắn, khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Hội thảo khoa học “Công an nhân dân đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới” (ảnh minh họa)

Các học giả tư sản cho rằng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội không phải là một tinh thần cơ bản của chủ nghĩa Mác, rằng trong tư duy của Mác, xã hội loài người trải qua ba hình thái xã hội: hình thái tiền kinh tế (không có hàng hóa), hình thái kinh tế (có kinh tế thị trường, điểm đỉnh là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa) và hình thái hậu kinh tế (giai đoạn cao của nó là chủ nghĩa cộng sản).

Mục đích đưa ra luận điệu này nhằm hướng lái dư luận đánh giá thấp học thuyết của Mác, lảng tránh không muốn nói đến học thuyết hoàn bị, chặt chẽ, khoa học nhằm để chứng minh rằng học thuyết này đã mất tính tất yếu, mất tính hợp lý, mất quyền tồn tại. Bên cạnh đó, họ muốn nhấn mạnh vấn đề kinh tế thị trường, lờ đi, không nói tới yếu tố xã hội của vấn đề; không muốn thấy quá trình phát triển lịch sử - tự nhiên của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa (hình thái tất yếu phải bị thay thế bởi hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa). Đó chẳng qua là thuật ngụy biện và chủ nghĩa triết trung, hòng che lấp sự thật lịch sử, lảng tránh việc thừa nhận hình thái kinh tế - xã hội là một cơ thể hoàn chỉnh, sống động trong các mối quan hệ biện chứng giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng – những nhân tố hợp thành hình thái kinh tế - xã hội.

Về học thuyết giá trị thặng dự, kẻ thù của chủ nghĩa Mác – Lênin và các thế lực thù địch luôn tập trung xuyên tạc, bóp méo rằng: chính máy móc tạo ra giá trị, còn sức lao động của người công nhân nếu được trả công sòng phẳng đúng với giá trị của anh ta thì nhà tư bản không có cái gọi là bóc lột công nhân mà họ chỉ làm giàu chính đáng nhờ bóc lột máy móc. Từ xuyên tạc phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư, họ dẫn đến kết luận giai cấp công nhân không còn bị bóc lột nữa; ngày nay, giai cấp công nhân đã trung lưu hóa, cho nên công nhân áo xanh không còn đại biểu cho lực lượng sản xuất hiện đại, đại biểu cho nền kinh tế tri thức chỉ có thể là tầng lớp trí thức; do đó, vai trò lãnh đạo xã hội, sứ mệnh lịch sử phải thuộc về tầng lớp trí thức.

Về luận điệu xuyên tạc sự lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lênin là một sai lầm và thực tế hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin. Họ cho rằng việc du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là nguyên nhân của mọi tai họa, đưa đất nước vào vòng tối tăm, trì trệ. Cần khẳng định đây là một luận điệu xuyên tạc, sai sự thật thể hiện rõ quan điểm thù địch, đi ngược lại lập trường, quan điểm, lợi ích giai cấp công nhân và lợi ích dân tộc Việt Nam. Mưu đồ của chúng là nhằm xuyên tạc, phủ nhận và hạ bệ chủ nghĩa Mác – Lênin

Với Đảng ta, chủ nghĩa Mác - Lênin là “cái la bàn”, “trí khôn”, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhờ tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm được con đường đi đúng, đất nước có cơ hội tiến hành giải phóng dân tộc, cách mạng nước ta giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin, đất nước đã vượt qua khó khăn, tiến hành đổi mới và đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng. Chúng ta từng bước ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình và hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỉ (Đảng Cộng sản Việt Nam, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII, 2016, tr.221) và hiện nay có bước phát triển khá (năm 2018: GDP tăng 7,08% - là mức tăng cao nhất từ năm 2008 trở về đây, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 244,7 tỷ USD, cả nước có 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút 3.046 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 17.976,2 triệu USD, hoạt động du lịch đạt được kết quả ấn tượng với số khách quốc tế đến nước ta đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt người, đời sống dân cư năm nay nhìn chung được cải thiện – thu nhập bình quân một người một tháng ước tính đạt 3,76 triệu đồng (Tổng Cục Thống kê, tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018, nguồn: gso.gov.vn).

Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, luôn luôn vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, trước hết là đổi mới tư duy lý luận, điển hình là:

Một là, quán triệt và vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra và lãnh đạo thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là vấn đề chiến lược lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển; là động lực chủ yếu giải phóng sức sản xuất; … Không trình tự trải qua năm hình thái kinh tế - xã hội mà quyết định bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa với tư cách là chế độ người bóc lột người, nhưng không bỏ qua các khâu trung gian, các yếu tố xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam coi xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là hình thức tối ưu thực hiện quyền lực của nhân dân. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội” (Đảng Cộng sản Việt Nam, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII, 2016, tr.221).

Hai là, quán triệt và vận dụng quan điểm về mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phải tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ với chất lượng và hiệu quả cao hơn” (Tổng Cục Thống kê, tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018, nguồn: gso.gov.vn). Trong quá trình đổi mới thì : Đổi mới kinh tế là trọng tâm, tùy theo thành quả và yêu cầu của đổi mới kinh tế mà từng bước đổi mới về chính trị. Thực hiện chủ trương này, ta đã chuyển biến nền kinh tế về cơ bản dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và tập thể đối với tư liệu sản xuất thành nền kinh tế dựa trên sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất; đổi mới cơ chế quản lý sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; từng bước chuyển sang nền kinh tế hàng hóa và hình thành một hệ thống kinh tế mở. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mạnh dạn, chủ động sử dụng rộng rãi các hình thức, phương pháp của chủ nghĩa tư bản nhà nước như: Chấp nhận tự do cạnh tranh và mở rộng liên doanh liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa trong nước với ngoài nước. Đảng ta đã quyết tâm từ bỏ mô hình kinh tế bao cấp sơ cứng chỉ có hai thành phần kinh tế (quốc doanh và tập thể); không thị trường, không cạnh tranh… thay thế bằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế tham gia, sử dụng quan hệ hàng hóa – tiền tệ làm phương thức vận động, thực hiện trao đổi mua bán sản phẩm trên thị trường theo đúng quy luật giá trị - quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất hàng hóa. Chủ trương này đã đạt được những thành công lớn trong phát triển kinh tế ở nước ta mấy mươi năm qua.

Tất cả những chủ trương trên chính là tuân thủ những nguyên tắc và tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công trong vận dụng, bổ sung phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn đang là và sẽ là ngọn đuốc soi đường cho Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta đi tới.

Trong giảng dạy chính trị, các giảng viên cần kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin (ảnh minh họa)

Như vậy, trong khi chủ nghĩa Mác – Lênin càng khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng và nhân văn bao nhiêu thì lại càng vấp phải sự xuyên tạc, công kích, bài bác của các thế lực thù địch bấy nhiêu. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các thế lực thù địch lại càng có điều kiện thuận lợi để thực hiện điều này, làm cho cuộc đấu tranh bảo vệ, phát triển và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin càng trở nên cấp thiết. Do đó, nhiệm vụ của người giảng viên lý luận chính trị là phải kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, củng cố niềm tin cho sinh viên về tính đúng đắn, khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin, về sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.

ThS. Hồ Thị Thủy; ThS.Nguyễn Phương Thủy;
ThS. Cao Thị Thu Lương; ThS. Nguyễn Thị Hoài Thanh
(Đại học Thái Nguyên)

Bạn đang đọc bài viết "Vai trò của giảng viên lý luận chính trị trong đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin