Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN
Phải bắt đúng bệnh để có đối sách phù hợp
Chiều 17-3, góp ý về dự án Luật nhà ở (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ quyền sở hữu nhà chung cư là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, có ý kiến rất khác nhau.
Ông nói Chính phủ, Bộ Xây dựng đưa ra hai phương án, sau đó gút lại một phương án trình. Cơ quan thẩm tra cũng có hai loại ý kiến về vấn đề này.
Theo ông Huệ, quy định quyền sở hữu chung cư có thời hạn như phương án Chính phủ trình, mục đích hướng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.
Song cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở chính trị vững chắc, căn cứ Hiến pháp, quy định pháp luật liên quan như Bộ luật dân sự xác lập quyền sở hữu, trên cơ sở đánh giá thực tiễn hiện nay.
"Tinh thần phải xem vướng gì, vì sao vướng và vướng ở đâu xử ở đó", ông Huệ nêu và nhấn mạnh cần xem vướng mắc trong cải tạo xây dựng lại nhà chung cư có phải do quy định về sở hữu hay không? Từ đó "phải bắt đúng bệnh để có đối sách phù hợp".
Ông Huệ yêu cầu các cơ quan lắng nghe, có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét.
Theo ông Huệ, hiện đa số ý kiến thường trực Ủy ban Pháp luật - cơ quan chủ trì thẩm tra, các ý kiến phản biện chính sách đều rất lăn tăn và không tán thành quy định này.
Chủ tịch Quốc hội sau đó gợi ý nên chia ra các trường hợp, điều kiện khác nhau với chung cư, khu chung cư bắt buộc phải phá dỡ, cải tạo.
Chẳng hạn phân chia trường hợp, điều kiện chung cư bắt buộc phải phá dỡ do bất khả kháng vì thiên tai, hỏa hoạn hoặc do nguy hiểm, trong đó lưu ý trường hợp chung cư nguy hiểm có thể khi chưa hết thời hạn sử dụng nhưng xuống cấp, cần tháo dỡ.
Ngoài ra cần phân biệt tháo dỡ, cải tạo hay tiêu hủy tòa chung cư độc lập, cụ thể nào đó nằm trong khu dân cư hoặc cải tạo cả khu chung cư như Hà Nội, một số địa phương đang làm.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà như trong dự thảo luật chưa đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, đồng thời gây mâu thuẫn ngay trong quy định tại dự thảo.
Các ý kiến của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét kỹ quy định này.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Ảnh: GIA HÂN
Quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ
Giải trình sau đó, về quy định sở hữu nhà chung cư như dự thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay việc trình phương án này vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân khi công trình mất an toàn, không đảm bảo điều kiện sử dụng.
Ông dẫn lại các căn cứ pháp lý đưa ra phương án này là theo quy định của Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự về việc quyền con người, dân sự bị hạn chế theo quy định của luật trong một số trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, Bộ Luật Dân sự cũng có quy định các trường hợp chấm dứt quyền sở hữu tài sản, trong đó có tài sản bị tiêu hủy hay trường hợp khác do luật quy định.
Đồng thời quy định trường hợp nhà chung cư bị tiêu hủy thì quyền chủ sở hữu thực hiện theo quy định của luật.
Ông Nghị nói thêm dự thảo quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ, chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt.
Đồng thời, đề xuất này xuất phát từ việc cải tạo chung cư cũ hiện nay ở Hà Nội, TP.HCM và trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế.
Tuy nhiên, qua ý kiến của cơ quan thẩm tra, ông Nghị nhấn mạnh ban soạn thảo sẽ nghiêm túc rà soát, quy định kỹ, rõ hơn nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như mục tiêu cải tạo chung cư cũ...
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định “chốt lại”, quá trình thảo luận, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan cơ bản đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Tuy nhiên cần có quy định cụ thể việc nhà nước có quyền quyết định và có trách nhiệm tổ chức thực hiện di dời, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư không còn an toàn vì mục đích bảo đảm sức khoẻ, tính mạng, tài sản cho người dân.
Ông Định nêu rõ nếu Chính phủ tiếp thu ý kiến thì trình phương án hôm nay, Thường vụ Quốc hội thảo luận và có kết luận.
Nếu tiếp tục có phương án riêng thì đề nghị Chính phủ trình hai phương án, nêu rõ ưu nhược điểm của từng phương án làm cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận.