Tướng Bosnia tự tử khi xét xử, tòa quốc tế siết chặt lại an ninh

Vụ tự tử bằng độc dược giữa phiên toà xử cựu lãnh đạo quân sự người Bosnia Slobodan Praljak khiến nhà chức trách hối hả rà soát quy trình an ninh để ngăn chặn sự việc tương tự.

Giây phút tội phạm chiến tranh uống thuốc độc tại tòa quốc tế Ông Slobodan Praljak, một cựu chỉ huy quân đội người Bosnia, uống thuốc độc ngay sau phán quyết của Tòa quốc tế về Tội phạm chiến tranh Nam Tư cũ ở Hà Lan hôm 29/11.

Cảnh sát Hà Lan quyết định tiến hành cuộc điều tra riêng về quy trình an ninh tại toà, trong khi Toà án Quốc tế về Tội phạm Chiến tranh Nam Tư cũ (ICTY) cũng bổ nhiệm thẩm phán người Gambia, ông Hassan Jallow, để tìm hiểu bằng cách nào mà Praljak lại có được chất độc kali xyanua.

Kẽ hở về quy trình

Cuộc điều tra dường như sẽ bắt đầu từ lỗ hổng rõ ràng nhất: không hề có bất kỳ nhân viên an ninh nào ở khoảng cách đủ gần với nghi phạm để có thể tước bỏ chất độc từ tay Praljak, qua đó ngăn chặn màn tự tử gây sốc này.

Thông thường, tất cả những phiên xét xử ở toà án quốc tế đều có hai nhân viên an ninh đứng cùng mỗi nghi phạm tại khu vực dành cho bị cáo. Quy trình này được thực hiện đầy đủ tại phiên toà hồi tháng trước, khi một cựu tướng quân sự Bosnia khác là Ratko Mladic bị kết tội diệt chủng.

Tuy nhiên, phiên toà xét xử tội ác chống lại cộng đồng Hồi giáo trong chiến tranh Bosnia của Praljak thì không hề có người nào được phái đến bảo vệ xung quanh từng bị cáo. Nghi phạm ra hầu toà và ngồi cùng với 4 đồng phạm khác.

Thậm chí không ai để ý rằng Praljak đang cầm một lọ chất lỏng trong tay.

Chỉ đến khi nghe thẩm phán tuyên bố mức án 20 năm tù giam, Praljak đứng dậy và tuyên bố rõ ràng rằng: “Slobodan Praljak không phải là tội phạm chiến tranh. Tôi bác bỏ phán quyết này”; rồi y dốc hết lọ thuốc vào miệng.

Chỉ đến khi Praljak ngồi sụp xuống ghế, như đã ngấm thuốc, thều thào “tôi đã uống thuốc độc” thì các vị quan toà mới vội vã phản ứng.

“Quy trình an ninh thông thường đã không được thực hiện trong phiên toà này. Báo chí Croatia cho rằng do đã là ngày xét xử cuối cùng nên việc thực hiện các luật lệ có phần lỏng lẻo”, một quan chức người Croatia nói với Guardian.

 Không có nhân viên an ninh nào xung quanh để ngăn chặn kịp thời vụ tự tử. Ảnh: CNN.
Không có nhân viên an ninh nào xung quanh để ngăn chặn kịp thời vụ tự tử. Ảnh: CNN.)

Độc dược được đưa đến phạm nhân bằng cách nào?

Một câu hỏi lớn thứ 2 là bằng cách nào Praljak có được chất độc và cầm nó vào đến bên trong phòng xử án, dù quy định về khám xét và soi chiếu X-quang bị cáo vào và rời căn phòng này rất chặt chẽ.

Không chỉ phạm nhân mà những người ra vào trụ sở như pháo đài của toà án quốc tế ở The Hague đều phải trải qua soi chiếu an ninh nghiêm ngặt. Tất cả các chất lỏng đều bị cấm. Tuy nhiên, toà án chưa ban hành quy định khám xét thân thể chặt chẽ hơn do ngại bị dư luận phản đối.

Dựa vào độc tố cực mạnh của kali xyanua có thể giết người trong chớp mắt, những người có mặt trong phiên toà hôm ấy có thể thở phào khi Praljak quyết định chỉ dùng toàn bộ chất độc cho một mình y.

Điều mà các nhà điều tra đang cố gắng ngăn ngừa là những đồng phạm của Praljak có thể cố gắng bắt chước y để tự tử trong phiên toà tuyên bố phán quyết tiếp theo, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2018.

Tự kết liễu không phải là chuyện xảy ra lần đầu với những bị cáo bị tuyên là tội phạm chiến tranh vì những hành vi khủng khiếp mà họ gây ra trong các cuộc chiến ở Bosnia, Croatia và Kosovo. Nhà tù Scheveningen ở vùng ven biển Hà Lan từng ghi nhận hai tù nhân của toà The Hague đều là người Serbia đã treo cổ tự tử trong buồng giam.

 Toà án Quốc tế về Tội phạm Chiến tranh Nam Tư cũ (ICTY). Ảnh: UN.
Toà án Quốc tế về Tội phạm Chiến tranh Nam Tư cũ (ICTY). Ảnh: UN.)

Ông Slobodan Milosevic, cựu tổng thống Serbia và là phạm nhân cao cấp nhất, đã lén lút mang vào tận phòng giam một loại thuốc kháng sinh khiến bệnh tim mạch của ông trở nặng; dẫn đến kết thúc cuộc đời của cựu lãnh đạo này vào năm 2006.

Nhiều ý kiến lo ngại việc các cái chết vì tự tử sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín và nỗ lực của toà án quốc tế ICTY, nơi giam giữ hàng chục tội phạm chiến tranh và chuyên kết án những phạm nhân diệt chủng, thảm sát sắc tộc…

Slobodan Praljak là một nhân vật gây tranh cãi, tạo ra 2 luồng quan điểm trái ngược rõ rệt về những hành vi của y trong quá khứ. Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic chính là lãnh đạo một chính phủ châu Âu đầu tiên lên tiếng để đứng về bị cáo, cho rằng bản án với Praljak là “bất công sâu sắc”.

“Vụ tự tử của Praljak chỉ càng củng cố thêm ý kiến của một bộ phận dư luận về phiên toà. Tại Serbia và Croatia, giới truyền thông và chính khách kỳ cựu quan tâm nhiều đến những bị cáo hơn là các nạn nhân”, Mina Vidakovic, chuyên viên lưu trữ dữ liệu về toà án quốc tế của hãng tin Sense, nói.

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Tim Judah của tờ Economist cho rằng vụ tự tử của Praljak “sẽ không làm ảnh hưởng đến toàn cục và những thành công mà toà án đã đạt được" trong việc vạch trần và buộc tội các bị cáo.

Theo Zing

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin