Từ sai phạm của Tiktok tại Việt Nam: Nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực dịch vụ xuyên biên giới

15/10/2023 08:11

(Pháp lý) – Tại Việt Nam thời gian qua có các nền tảng xuyên biên giới hoạt động từ cung cấp dịch vụ đến kinh doanh thu tiền như Facebook, Google hay TikTok, NetFlix, Telegram. Nhưng đáng lưu ý đến nay vẫn chưa có tổ chức nào đặt văn phòng đại diện trong nước theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thực tế này gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Từ câu chuyện sai phạm của Tiktok tại Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố mới đây, đòi hỏi cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh.

1-1697173857.jpg

Bộ Thông tin và Truyền thông họp báo công bố kết quả kiểm tra về loạt sai phạm của Tiktok

Không xử phạt được vì không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam

Sau hơn 04 tháng triển khai kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố kết quả kiểm tra tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10. Kết luận đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Văn phòng đại diện TikTok Pte. Ltd tại thành phố Hồ Chí Minh (Văn phòng Tik Tok) tại Việt Nam và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam (Công ty TikTok Việt Nam). Trong đó đáng quan tâm nhất là về cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em, TikTok đã lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam tại các máy chủ CDN tại Việt Nam như thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em; quy trình kiểm duyệt nội dung chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam…

Tuy nhiên, soi chiếu với qui định pháp luật hiện hành, Đoàn kiểm tra chỉ có thể áp dụng các biện pháp chế tài: (1) Yêu cầu Văn phòng TikTok chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua ứng dụng TikTok; (2) Yêu cầu Công ty TikTok Việt Nam được TikTok Singapore ủy quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam; (3) Kiến nghị đối với các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Kết luận kiểm tra và tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam của TikTok Singapore.  

Đoàn kiểm tra không thể xử phạt hoạt động của Tiktok tại Việt Nam vì các hoạt động cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam được thực hiện trực tiếp bởi TikTok Singapore thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok. Văn phòng TikTok chỉ phải liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm trong thực hiện thủ tục đăng ký thiết lập “Sàn giao dịch thương mại” thông qua ứng dụng TikTok theo ủy quyền của TikTok Singapore. Theo đó, TikTok Singapore mới là đơn vị chịu trách nhiệm về việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Tuy nhiên đến thời điểm này TikTok Singapore vẫn chưa chính thức đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.                                                                  

Cục trưởng Lê Quang Tự Do nhận định các nền tảng xuyên biên giới hiện là ""cái ổ"  phát tán các luồng thông tin xấu, độc. Thách thức đối với cơ quan quản lý là phải tìm ra những cách đấu tranh kiểu mới để đạt mục tiêu. "Để đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới, cần có hậu thuẫn lớn, kết hợp nhiều lĩnh vực và đồng bộ với nhau" - ông Lê Quang Tự Do nhìn nhận.

Bất cập của pháp luật và sự thiếu vắng chế tài

Ngoài TikTok, đến thời điểm này các nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam từ cung cấp dịch vụ đến kinh doanh thu tiền như Facebook, Google hay NetFlix, Telegram…, nhưng đáng lưu ý là vẫn chưa có đơn vị nào đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cũng như TikTok, Facebook và Google đều dùng văn phòng ở Singapore để quản lý các dịch vụ cung cấp ở Việt Nam.

Trong khi đó, Luật An ninh mạng, đặc biệt là Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet đều có quy định yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ phải đặt máy chủ tại Việt Nam, xin giấy phép và đóng thuế. Bên cạnh đó, Nghị định 13/2013/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng quy định dữ liệu của người dùng Việt Nam phải được đặt ở trong nước và không được chuyển ra nước ngoài, nhưng các dịch vụ xuyên biên giới đều chuyển dữ liệu của người dùng Việt ra nước ngoài…

Qui định đã có, vậy vì sao các nền tảng xuyên biên giới chưa đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam?

Nghiên cứu Luật An ninh mạng 2018 là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất đề cập đến an ninh mạng tính đến thời điểm này, nhưng chúng tôi thấy chưa có điều khoản chế tài nào đặt ra nếu không đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Mặc dù tại khoản 3 Điều 26 có quy định: “Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân… dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp ngoài nước quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”.

Trước đó liên quan đến lĩnh vực phát thanh, truyền hình, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý phát thanh truyền hình, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Theo đó lần đầu pháp luật Việt Nam có bộ quy định chế tài để xử lý các OTT, các nhà cung cấp phát thanh truyền hình xuyên biên giới không có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình tại Việt Nam…

Tương tự, Luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 (khoản 4, Điều 42), quy định về kê khai thuế: “Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”. Với sự điều chỉnh này các tổ chức, cá nhân hay nói cách khác nhà cung cấp ở nước ngoài không có văn phòng chính đặt tại Việt Nam có quyền tùy nghi về nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Nếu quyền lợi thu được từ dịch vụ TMĐT mà họ cung cấp cho người dùng Việt Nam lớn thì họ chấp hành và ngược lại.

Không chỉ là câu chuyện thất thu thuế, hay cung cấp thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em… việc các chủ thể nền tảng xuyên biên giới phớt lờ đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam còn gây nhiều bất lợi, cạnh tranh không bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn để một bộ phim được chiếu tại Việt Nam, doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn về cộng đồng, từ hình ảnh trẻ em tới các cảnh “nhạy cảm”, giới tính, ma tuý, thuốc lá, hay về chủ quyền biển đảo… nếu như vi phạm thì ngay lập tức sẽ bị xử phạt. Trong khi đó các doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ của nước ngoài như NetFlix có thể chiếu một cách vô tư, khi bị ý kiến thì cùng lắm là bị gỡ xuống.

Trước mắt, sau công bố hàng loạt sai phạm của TikTok tại Việt Nam, trong đó có dịch vụ sàn TMĐT đã và đang khiến cho một số nhà bán hàng trong nước lo lắng về tính hợp pháp đối với khoản đầu tư của mình trên nền tảng TikTok. Bởi trong số các yêu cầu chấn chỉnh hoạt động do Đoàn kiểm tra liên ngành đưa ra có nội dung đề nghị Bộ Công thương bổ sung và hoàn thiện Hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ TMĐT cho TikTok Shop.

2-1697173866.jpg

Ảnh minh họa

Một số đề xuất, kiến nghị

Từ loạt sai phạm của TikTok và của các nền tảng khác thời gian qua, thiết nghĩa cơ quan chức năng cần sớm có những quy định cụ thể về kiểm duyệt nội dung cũng như cần thiết có những chế tài thật nghiêm khắc đối với những sai phạm tương tự. Tuy nhiên từ thực tế cho thấy, mọi giải pháp đều không thể giải quyết tận gốc nếu như việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật tới đây không buộc được các chủ thể cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã công bố công khai Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời đang lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan. Tuy nhiên liên quan đến việc quản lý nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, dự thảo cũng chỉ quy định yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam. Đối với yêu cầu cung cấp cho Bộ TT&TT về địa điểm đặt máy chủ tại Việt Nam, dự thảo (tại khoản 17 Điều 01 về sửa đổi bổ sung Điều 22) cũng chỉ dừng lại quy định thông báo thông tin (tức không bắt buộc): “Tên tổ chức, tên giao dịch; mã số doanh nghiệp (nếu có); địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ; địa điểm đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam (nếu có)”…

Điểm mới của Nghị định dự thảo còn quy định tổ chức, cá nhân khi phát hiện thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội do tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới cho người dùng tại Việt Nam gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền tại Việt Nam theo quy định của pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Tuy nhiên nếu như các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới không có văn phòng tại Việt Nam thì việc giải quyết các vấn đề khiếu nại của người dùng, đặc biệt là về bản quyền, các đơn vị này sẽ phản hồi rất lâu và cũng rất khó để phối hợp giải quyết.

Như vậy theo chúng tôi, giải pháp lâu dài để ngăn chặn có hiệu quả chỉ có thể là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh (trong đó chủ yếu là Luật An ninh mạng 2018 và các văn bản dưới luật) theo hướng bắt buộc các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Nếu tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài không chấp hành thì phải chịu chế tài của pháp luật Việt Nam và chế tài phải thật nặng đảm bảo đủ sức răn đe không dám tái phạm.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các “cánh tay nối dài”, các “vệ tinh” của các nền tảng xuyên biên giới không có văn phòng đại diện tại Việt Nam (giống như cách làm của Đoàn kiểm tra vừa qua đối với Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam); và áp dụng biện pháp chế tài thật nặng (gấp nhiều lần so với các nền tảng có văn phòng đại diện), nếu như phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.

Thậm chí cần thiết cũng phải tính đến giải pháp mạnh như Indonesia sử dụng (trước đó, cuối tháng 9/2023, quốc gia này đã ban hành lệnh cấm giao dịch TMĐT trên các nền tảng mạng xã hội, nhằm bảo vệ thương nhân và thị trường kinh doanh truyền thống. Quyết định này đã khiến TikTok quyết định đóng tính năng giao dịch trực tuyến trên TikTok Shop từ ngày 4/10). Ở chiều ngược lại, pháp luật Việt Nam đặc biệt là Luật Quản lý thuế cũng cần có quy định, chính sách về thuế theo hướng kích cầu, khuyến khích các chủ thể nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cần thiết đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để được thụ hưởng quyền lợi./.

Ông Trần Viết Quân, CEO của Tanca cho rằng, các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ vào Việt Nam hiện nay rất nhiều, từ mạng xã hội, game, đến phần mềm… do vậy cần xem xét tính khả thi khi yêu cầu tất cả đều đặt văn phòng ở Việt Nam. Dù vậy chúng ta cũng nên quy định cho những nền tảng có lượng truy cập lớn, quản lý dữ liệu người dùng và quy mô kinh doanh lớn, cần phải đặt văn phòng để phối hợp làm việc với cơ quan chức năng hay người dùng khi có vấn đề xảy ra.

 

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam – NCS cho rằng, Các nền tảng xuyên biên giới có thu thập dữ liệu của người dùng Việt Nam, thu lợi từ các hoạt động tại Việt Nam nên phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ dữ liệu người dùng, hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, cũng như phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý các trường hợp vi phạm. Việc đặt văn phòng tại Việt Nam thực ra sẽ là cần thiết để các công ty xuyên quốc gia có thể đáp ứng, tuân thủ đúng, đủ các nghĩa vụ nói trên.

Vũ Lê Minh
Bạn đang đọc bài viết "Từ sai phạm của Tiktok tại Việt Nam: Nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực dịch vụ xuyên biên giới" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin