Từ 1/1/2018: Gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt tới 10 năm tù.

Trong những năm gần đây, nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm trục lợi, gian lận tiền BHXH, BHTN đã được các cơ quan chức năng phát hiện.

[caption id="attachment_187840" align="aligncenter" width="410"]Anh minh hoa (Nguon Internet) Anh minh hoa (Nguon Internet)[/caption]

Nhiều hình thức gian lận tinh vi để thụ hưởng các chế độ BHXH

Đó là những hành vị như: làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy khám thai hoặc sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy tờ này hoặc móc nối với cơ sở y tế để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy khám thai không đúng quy định làm căn cứ thanh toán tiền trợ cấp ốm đau, thai sản.

Ngoài ra, còn có hiện tượng thành lập doanh nghiệp “ma”, sau đó làm hợp đồng tuyển dụng lao động khống cho nhân viên nữ để đăng kí đóng BHXH hoặc hợp đồng tuyển lao động phụ nữ có thai. Thực tế, họ không làm việc mà vẫn đăng kí đóng BHXH đầy đủ 6 tháng theo quy định. Người vi phạm lập hồ sơ BHXH khống và làm thủ tục đề nghị thanh toán chế độ thai sản, chiếm đoạt tiền BHXH. Trong đó, điển hình như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2015. Lê Thành Thắng cấu kết với một số đối tượng thành lập 10 doanh nghiệp “ma”, sau đó làm khống hồ sơ tuyển nhân viên nữ làm việc trong các doanh nghiệp do mình điều hành và đăng ký đóng tiền BHXH cho các nhân viên này từ 6 - 8 tháng rồi ngưng đóng. Sau đó, lập hồ sơ cho nhân viên nghỉ sinh đẻ hoặc cho thôi việc, sau đó làm thủ tục để nghị thanh toán chế độ ốm đau, thai sản với số tiền chiếm đoạt trên 1,3 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực chi trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trượng hợp hợp thức hóa những tai nạn không thuộc diện tai nạn lao động thành tai nạn lao động để hưởng được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp. Thủ đoạn này luôn có sự cấu kết giữa trợ cấp tai nạn lao động hoặc đăng kí tham gia BHXH sau khi đã xảy ra tai nạn để người lao động và người sử dụng lao động thể hiện ở việc khai báo không trung thực về thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn, ngụy tạo hồ sơ để hợp thức hóa các tai nạn rủi ro thành tai nạn lao động, để chiếm đoạn tiền chế độ tai nạn lao động.

Đặc biệt có trường hợp làm hồ sơ khống để hoàn thiện hồ sơ thủ tục hưởng chế độ hưu trí cho một số người chưa đủ thời gian tham gia BHXH, như: xác nhận khống thời gian làm việc và tham gia BHXH để làm giải quyết chế độ hưu trí; đề nghị điều chỉnh lại ngày tháng năm sinh tăng lên hoặc giảm xuống theo hướng có lợi cho bản thân khi giải quyết chế độ…

Thực tế trong hoạt động chi trả chính sách, chế độ cho người lao động cơ quan chức năng đã phát hiện hình thức trục lợi từ việc thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH. Khi người lao động nghỉ việc, doanh nghiệp có trách nhiệm chốt sổ BHXH và trả lại cho người lao động. Nếu sau 12 tháng, người lao động không đến nhận thì doanh nghiệp trả cho cơ quan BHXH lưu giữ nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp không ý thức chốt và trả sổ; người lao động ít khi nhận sổ sau khi nghỉ việc do thời gian làm việc ngắn hoặc đi xa... Điều này đã tạo điệu kiện cho đối tượng ngoài xã hội thông đồng với doanh nghiệp thu gom, mua sổ BHXH, sau đó làm giả, lập khống hồ sơ BHXH đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần nhằm chiềm đoạt tiền BHXH.
Từ thực tế nêu trên, pháp luật đã kịp thời điều chỉnh nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp về chế độ cho người lao động tham gia BHXH.

Gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt tới 10 năm tù.

Điều 214. Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 215. Tội gian lận bảo hiểm y tế

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Thành Chung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin