TS Lê Hồng Sơn: Sao lại có BOT ở đường huyết mạch?

Xác định chuẩn về đầu tư BOT, nhà nước phải loại trừ việc đầu tư BOT ở những tuyến quốc lộ huyết mạch tồn tại hàng trăm năm nay.

LTS:- Hiện tượng tài xế trả tiền lẻ, phản đối BOT đặt trạm thu phí đặt sai vị trí, thu phí không đúng gây bức xúc cho người dân không còn là hiện tượng cá biệt nữa. Vậy nguyên nhân vì đâu? Hướng xử lý thế nào và giải pháp khắc phục ra sao...? TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp đề cập chi tiết trong bài viết ông gửi cho Báo Đất Việt dưới đây.

 Tài xế trả tiền lẻ để phản đối BOT Cai Lậy. Ảnh: VNN
Tài xế trả tiền lẻ để phản đối BOT Cai Lậy. Ảnh: VNN)

Về BOT hiện đang còn nhiều vấn đề phải bàn, phải xử lý. Người dân phản ứng ở một số điểm thu phí BOT là có cái lý của họ.

Một vấn đề nữa đó là hiện đang có chủ trương kiểm toán toàn bộ các dự án BOT và phải có báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phía người dân cũng có phản ứng, phía các cơ quan có thẩm quyền cũng đang vào cuộc thanh tra, kiểm tra các dự án BOT. Rõ ràng là có vấn đề. Mà theo tôi là vấn đề lớn chứ không phải nhỏ.

Dư luận đã nghi ngờ một cách có cơ sở rằng đây là một chùm khế ngọt, lâu nay người ta đang lao vào để trục lợi.

Ví dụ, từ chủ trương cho đến xác định nhà đầu tư; từ các mục chi, khoản chi đầu tư rồi đến việc tính toán xác định mức phí thu ở từng trạm. Có khá nhiều vấn đề. Có chuyện chỉ định thầu không? Chuẩn đã có rồi như kết luận thanh tra đã chỉ rõ, có việc chỉ định thầu, vi phạm nguyên tắc về công khai, minh bạch, bình đẳng, vi phạm quy định về đấu thầu.

Việc tính toán mức chi đầu tư, mức và thời gian thu phí cũng là cả một vấn đề mà dư luận đang hết sức hoài nghi. Tại sao cơ quan quản lý nhà nước lại đứng ra quyết định tăng hay giảm mức thu phí? Nếu mọi việc vào chuẩn một cách đúng đắn thì nhiều việc lình xình như vừa qua đã không xảy ra.

Rõ ràng ở đây có vấn đề giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư và với người dân sử dụng dịch vụ trả phí. Tôi rất hoan nghênh chủ trương thanh tra, kiểm tra một cách toàn diện các dự án BOT trong phạm vi toàn quốc. Nếu làm một cách nghiêm chuẩn thì chắc chắn sẽ phát hiện ra rất nhiều tiêu cực, rất nhiều vi phạm.

Tôi rất đồng ý với ý kiến của luật sư Trần Quốc Thuận rằng, nếu làm kỹ thì đây là một đại án chứ không hề đơn giản. Trong các vi phạm và sai phạm đã xảy ra thời gian vừa qua đối với các dự án BOT thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn.

Vấn đề là chúng ta có chỉ ra được hay không và có biện pháp xử lý thật chính xác, nghiêm túc để giữ kỷ cương, phép nước.

Ở một loại sai phạm khác, như tôi đã nói ở trên, hiện nay có khoảng gần chục trạm thu phí BOT đang bị người dân phản ứng. Tôi thấy, phản ứng của người dân là có lý. Việc xử lý của cơ quan có thẩm quyền cũng nhiều lúc không đạt chuẩn, có những sai sót ở chỗ này, chỗ khác.

Một ví dụ điển hình đó là, tại một số trạm loại này, tại sao lại có chuyện đầu tư dự án BOT ở đường quốc lộ, đường huyết mạch đã tồn tại hàng trăm năm nay? Tại sao lại có chuyện đầu tư 2 trong 1? Vừa đầu tư ở những tuyến đường đặc định lại vừa đầu tư ở tuyến quốc lộ liền kề để rồi đặt trạm thu phí tại đường quốc lộ?

Về nguyên tắc, khi xác định chuẩn về đầu tư BOT, nhà nước phải loại trừ việc đầu tư BOT ở những tuyến quốc lộ huyết mạch tồn tại hàng trăm năm nay. Và cũng phải loại trừ việc đầu tư theo kiểu 2 trong 1 để rồi thu phí lẫn lộn, thiếu minh bạch.

Người dân ai cũng đồng tình với quan điểm cho rằng việc đặt trạm là sai địa điểm, sai chỗ để thu phí không chính xác. Như tại trạm BOT Cai Lậy, BOT quốc lộ 5, trạm thu phí Lương Sơn - Hòa Bình... và một số trạm khác tương tự, việc đặt trạm ở đường quốc lộ để thu phí theo kiểu 2 trong 1, thiếu rạch ròi, minh bạch.

Rõ ràng ở đây có một loạt những vấn đề cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, đó là tính chuẩn mực, công khai, minh bạch khi đấu thầu. Vấn đề có lợi ích nhóm và thiếu minh bạch khi thu phí; việc đặt vị trí sai, nhập nhèm của các trạm BOT.

Không tôn trọng lợi ích của người dân khi cố tình bỏ qua sự đóng góp của họ để có được những tuyến đường quốc lộ huyết mạch đó là người dân đã đóng thuế, đóng phí bảo trì và các loại đóng góp khác từ nhiều năm nay.

Một vấn đề khác cũng phải được xem xét một cách thấu đáo đó là, khi nhà nước có những thay đổi về địa điểm đặt trạm thu phí cũng như mức thu phí gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì phải xác định rõ trách nhiệm từ cả hai phía trong việc xác lập, ký kết hợp đồng.

Nếu nhà đầu tư cố tình ký những hợp đồng thiếu minh bạch, thiếu chuẩn mực thì họ cũng phải chịu rủi ro, chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái của mình. Riêng phía nhà nước, nếu có những thay đổi so với hợp đồng đã được xác lập giữa hai bên gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì nhà nước cũng phải có trách nhiệm bồi thường cho nhà đầu tư. Thậm chí cho cả những thiệt hại mà người dân phải chịu.

Xin bàn về 3 phương án của Bộ GTVT đưa ra đó là: hoặc xử lý tình hình rối loạn ở từng trạm và giữ nguyên vị trí đặt trạm cũng như mức thu phí hoặc dẹp các trạm BOT bất hợp lý hoặc lập trạm ở cả hai nơi đường quốc lộ và đường tránh.

Cả 3 phương án này đều có những điểm bất hợp lý, có cái giá phải trả ở từng phương án. Theo tôi, thực hiện theo phương án 2 đó là, dẹp những trạm BOT đặt sai vị trí đồng thời tính toán trách nhiệm bồi thường của nhà nước khi để nhà đầu tư BOT vào những điểm không được phép đầu tư.

Cái giá phải trả ở đây là khá lớn nhưng đó là cái giá phải trả trong phương án khả dĩ nhất. Nhà nước phải bồi thường cho nhà đầu tư, phải trả tiền cho nhà đầu tư ở những đoạn đầu tư BOT không đúng, không phù hợp.

Kèm theo đó, phải xem xét xử lý rất nghiêm túc trách nhiệm của những người cho phép đầu tư BOT ở những điểm này. Thậm chí kể cả trách nhiệm bồi thường của công chức khi thi hành công vụ.

So với những thiệt hại mà nhà nước phải gánh chịu, người dân phải gánh chịu thì tôi nghĩ mức độ kỷ luật đối với những người có sai phạm khi thi hành công vụ ở đây không hề nhẹ một chút nào, thậm chí là cách chức, buộc thôi việc và kể cả phải tịch thu toàn bộ tài sản xung công quỹ.

Có như vậy mới giữ nghiêm được kỷ cương phép nước trong lĩnh vực này, ngăn chặn sự tùy tiện, trục lợi một cách trắng trợn trong lĩnh vực này từ trước tới nay.

Xử lý hậu quả của việc đầu tư BOT sai, gây những điểm nóng trong xã hội lâu nay thì theo tôi trước hết phải xử lý một cách hợp lý, đúng đắn ở từng trạm đã có những sai trái, nếu cần phải di dời các trạm thu phí đã đặt sai vị trí.

Tiếp theo nữa, cần phải xem xét trách nhiệm, xử lý vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức quản lý lĩnh vực này, bất kể người đó là ai và phải xử lý thật nghiêm như tôi đã nói ở trên.

Và giải pháp có tính căn cơ lâu dài đó là, lập ra hệ thống thể chế rõ ràng, minh bạch, cụ thể về đầu tư BOT, không để việc sai phạm, việc áp dụng một cách tùy tiện tiếp tục xảy ra như lâu nay.

Người dân cũng như quan điểm chung của nhà nước là hoàn toàn không phản đối BOT mà ngược lại coi đây là một dạng đầu tư hợp lý, hợp tình ở nước ta trong điều kiện hiện nay.

Những BOT đã triển khai thực hiện một cách khuất tất, gian dối, có biểu hiện của lợi ích nhóm, của tham nhũng thì phải xử lý minh bạch theo pháp luật.

Theo Bao Datviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin