Trường Đại học Luật Huế: Hội thảo khoa học trực tuyến: “Hòa giải các tranh chấp dân sự và kinh doanh thương mại”

(Pháp lý) – Sáng nay 29-12, Trường Đại học Luật Huế phối hợp cùng Trung tâm Hòa giải thương mại Công Minh tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến về “Hòa giải các tranh chấp dân sự và kinh doanh thương mại”. Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu là các chuyên gia luật có học vị PGS, TS, ThS đang giảng dạy tại Trường Đại học Luật Huế, Trường Đại học Luật TPHCM, Học viện Hành chính quốc gia; và đang làm việc tại TAND các cấp và các văn phòng luật sư…
11-1640788069.jpg
                Quang cảnh Hội thảo khoa học

Đặc biệt có sự hiện diện của ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - Quyền giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam; PGS.TS Bành Quốc Tuấn - Chủ tịch HĐKH Trung tâm trọng tài thương mại phía Nam; ông Lại Văn Trình – Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng; ông Nguyễn Thế Vinh – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, HN&GĐ Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng; TS Nguyễn Hải An – Phó vụ trưởng Vụ giám đốc, kiểm tra về dân sự, kinh doanh, thương mại TAND tối cao; PGS.TS Đỗ Văn Đại – Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Luật TP HCM, Phó Chủ tịch HĐKH Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam…

22 tham luận xoay quanh chủ đề “Hòa giải các tranh chấp dân sự và kinh doanh thương mại” được chia thành 2 nhóm vấn đề (hòa giải ngoài tố tụng và hòa giải trong tố tụng) do các chuyên gia luật trình bày công phu có độ dày 251 trang đã được chuyển đến các đại biểu tham dự hội thảo qua đường link: tinyurl.com/2p9bb968.  Trong nhóm vấn đề hòa giải ngoài tố tụng, đáng chú ý là tham luận gợi mở: “Hòa giải ngoài tố tụng các tranh chấp hợp đồng” của đồng tác giả PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Huế và ThS. Lê Bá Hưng; tham luận: “Hòa giải thương mại trực tuyến và khả năng phát triển tại Việt Nam” của đồng tác giả PGS.TS Bành Quốc Tuấn, ThS. Trịnh Tuấn Anh; “Một số bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hòa giải thương mại” của LS. Đỗ Thanh Hà… Ở nhóm vấn đề hòa giải trong tố tụng, đáng chú ý là các tham luận: “Hòa giải trong tố tụng trọng tài” của PGS.TS. Đỗ Văn Đại; “Hòa giải trực tuyến trong tố tụng để giải quyết tranh chấp dân sự” của TS. Nguyễn Hải An và ThS. Chu Thị Thơm; “Tiêu chuẩn đối với hòa giải viên theo Luật Hòa giải đối thoại tòa án năm 2020” của đồng tác giả Nguyễn Thị Thúy Hằng và ThS. Hồ Minh Thành…

12-1640788069.jpg
 PGS.TS Nguyễn Duy Phương – Hiệu phó Trường ĐH Luật Huế khai mạc Hội thảo

Nhiều vấn đề bất cập về hành lang pháp lý trong hòa giải các tranh chấp về dân sự và kinh doanh thương mại do các chuyên gia luật trình bày đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo. Đó là: Luật Hòa giải ở cơ sở không đặt ra cơ chế bắt buộc thực hiện đối với kết quả hòa giải thành sau khi được lập biên bản. Theo quy định của Luật này, các bên đã đạt được thỏa thuận có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận đó và hòa giải viên có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành nhưng không đặt ra vấn đề hậu quả pháp lý của việc một bên hoặc các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản sẽ phải gánh chịu hậu quả gì. Điều này có thể dẫn đến tình trạng sau khi đạt được thỏa thuận và lập biên bản hòa giải thành thì một bên cố tình không thực hiện thỏa thuận nhằm kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp với mục đích tẩu tán tài sản.

Hay các hợp đồng về chuyển quyền sử dụng đất khi xảy ra tranh chấp thì phần lớn các bên thường yêu cầu UBND cấp xã giải quyết trước. Trong trường hợp tranh chấp được hòa giải thành tại cấp cơ sở mà kết quả hòa giải thành một bên không tự nguyện thực hiện, thì bên còn lại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bên không thực hiện phải thực hiện kết quả đó hay không, và nếu là hòa giải trực tuyến thì có thể khởi kiện được hay không, vấn đề này hiện nay pháp luật còn có khoảng trống. Hiện nay pháp luật chỉ cho phép xã hội hóa đối với hoạt động hòa giải thương mại mà chưa cho phép xã hội hóa đối với hoạt động giải giải các tranh chấp dân sự nói chung. Do đó, các tranh chấp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có thể có loại tranh chấp các bên được lựa chọn hòa giải tại trung tâm hòa giải thương mại và có loại tranh chấp các bên chỉ có thể lựa chọn hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại Tòa án theo phương thức tiền tố tụng trong tố tụng. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại thực hiện hoạt động hòa giải do phải đối mặt với nhân vật trung gian mang quyền lực nhà nước. Việc này sẽ làm tăng nguy cơ các bên không lựa chọn phương thức hóa giải để giải quyết tranh chấp…

13-1640788069.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo có mặt tại Trường ĐH Luật Huế

Để nâng cao chất lượng hòa giải tranh chấp dân sự và kinh doanh thương mại, PGS.TS Đoàn Đức Lương cho rằng, tính chuyên nghiệp là yếu tố then chốt để hòa giải thành công. Để có tính chuyên nghiệp cần thiết có những mô hình đào tạo, tập huấn hòa giải viên như viện/trung tâm hòa giải, các chuyên gia nước ngoài có kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm truyền đạt cho các hòa giải viên hoặc sẽ là hòa giải viên. Trong khi đó TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng cho rằng, việc hoàn thiện, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện đối với hoà giải viên là yêu cầu cấp bách hiện nay, cần sớm mở rộng phạm vi đối tượng có thể đươc bổ nhiệm làm hoà giải viên, cần quy định cho tiết những yêu cầu về bảo vệ bí mật cũng như vấn đề giải thích luật trong quá trình hoà giải.

Hòa giải trực tuyến đã được minh chứng thực tế ở các nước phát triển trên thế giới cùng với những lợi ích mà phương pháp này mang lại như tiết kiệm thời gian, chi phí, tiện lợi. Tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có khung pháp lý hoàn thiện để điều chỉnh và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trực tuyến. Chính vì vậy, PGS.TS Bành Quốc Tuấn cho rằng về lâu dài, cần có quy tắc và hướng dẫn riêng dành cho hòa giải trực tuyến, và pháp luật cũng cần hoàn thiện theo hướng ủng hộ và tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp bằng phương pháp này. 

Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tòa án và trọng tài ngày càng được phổ biến là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường, do có nhiều ưu điểm (thủ tục nhanh gọn, linh hoạt giúp các bên tiết kiệm thời gian công sức, các bên có quyền tự định đoạt và giữ được bí mật kinh doanh và vấn đề tranh chấp). Tuy nhiên để khắc phục các vấn đề còn bất cập trong hoà giải thương mại, diễn giả Đỗ Thanh Hà trong bài tham luận: “Một số bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hòa giải thương mại” cho rằng, trước hết cần sửa đổi quy định của Bộ luật TTDS theo hướng thời gian tiến hành giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hạn tố tụng theo quy định của Bộ luật TTDS…

Minh Trung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin