(Pháp lý) - Theo PGS.TS Định Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), áp thuế doanh nghiệp toàn cầu là một trong những biện pháp để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng cũng như đảm bảo nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Từ đó có thể đánh thuế một cách công bằng với các doanh nghiệp đa quốc gia. Với thoả thuận này, Chính phủ các nước sẽ có thêm hàng nghìn tỷ USD ngân sách thu được từ thuế để chi tiêu vào các mục đích xã hội. Đồng thời, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng; nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp.”. Vậy trước thỏa thuận lịch sử này, Việt Nam cần làm gì?
Thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp
Ngày 5/6/ 2021 vừa qua, các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã công bố một thỏa thuận nhằm thúc đẩy khả năng tăng thuế đối với các tập đoàn toàn cầu.
Hai trụ cột của thỏa thuận này là: thứ nhất, thuế suất doanh nghiệp tối thiểu của các nước ở mức 15%; và thứ hai, các công ty “toàn cầu” (global firms) có lợi nhuận biên ít nhất 10% sẽ bị đánh thuế ở quốc gia mà họ có hoạt động kinh doanh (thay vì ở quốc gia mà họ đặt trụ sở) đối với phần lợi nhuận cao hơn mức 10%.
Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng tài chính G7 nêu rõ: "Chúng tôi cam kết đạt được một giải pháp công bằng về quyền áp thuế, theo đó các nước có quyền áp thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá biên độ 10% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và sinh lời nhiều nhất".
Tuyên bố cũng khẳng định G7 sẽ tiến hành điều phối hợp lý giữa việc áp dụng các quy định thuế quốc tế mới với việc xóa bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự đối với tất cả các công ty.
Ngoài ra, các bộ trưởng tài chính G7 cũng nhất trí tiến tới buộc các công ty phải công bố về những tác động đối với môi trường theo cách tiêu chuẩn hơn để các nhà đầu tư có thể dễ dàng ra quyết định có đầu tư vào các công ty này hay không.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết thỏa thuận này sẽ tạo một "sân chơi bình đẳng" cho các công ty trên toàn cầu.
Ông Sunak nêu rõ: "Sau nhiều năm thảo luận, các bộ trưởng G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số". Ông nhấn mạnh rằng nhu cầu áp thuế dịch vụ kỹ thuật số ở cấp quốc gia sẽ không còn cần tới một khi giải pháp toàn cầu này có hiệu lực.
Thỏa thuận cải cách thuế doanh nghiệp có thể là cơ sở cho một thỏa thuận toàn cầu tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp diễn ra vào tháng 7 tới.
Hai trụ cột của thỏa thuận này là: thứ nhất, thuế suất doanh nghiệp tối thiểu của các nước ở mức 15%; và thứ hai, các công ty “toàn cầu” (global firms) có lợi nhuận biên ít nhất 10% sẽ bị đánh thuế ở quốc gia mà họ có hoạt động kinh doanh (thay vì ở quốc gia mà họ đặt trụ sở) đối với phần lợi nhuận cao hơn mức 10%.
Thỏa thuận này được cho là chấm dứt một thập kỷ "chạy đua xuống đáy", trong đó các nước cạnh tranh để thu hút các tập đoàn bằng cách áp mức thuế rất thấp hoặc miễn thuế, khiến ngân khố thất thu hàng trăm tỉ USD. Việc bù đắp khoản thất thu này hiện nay rất cấp thiết để các nước trang trải những khoản chi lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Các bộ trưởng tài chính G7 cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo nhất và các quốc gia dễ bị tổn thương trong việc giải quyết các thách thức về y tế và kinh tế liên quan đến đại dịch Covid-19 khi tuyên bố ủng hộ và yêu cầu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sớm thực hiện việc phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 650 tỷ USD vào ngay cuối tháng 8 này.
Thoả thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu tác động thế nào?
Trao đổi với PV Pháp lý, chuyên gia tài chính, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, khi nói đến thuế doanh nghiệp toàn cầu thì đó là một trong những mong muốn của nhiều quốc gia trên thế giới. Từ đó có thể đánh thuế một cách công bằng với các doanh nghiệp đa quốc gia. Đặc biệt là những “ông lớn” trong lĩnh vực mới như các công ty công nghệ, truyền thông lớn trên thế giới…
“Đây là một trong những biện pháp để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng cũng như đảm bảo nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Và với thoả thuận này, Chính phủ các nước sẽ có thêm hàng nghìn tỷ USD ngân sách thu được từ thuế để chi tiêu vào các mục đích xã hội. Đồng thời, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng; nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp.” - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, thoả thuận thu thuế doanh nghiệp toàn cầu không chỉ dừng lại ở các công ty công nghệ mà tất cả các doanh nghiệp đa quốc gia lớn. Các doanh nghiệp công nghệ số có một đặc tính khác hẳn với các doanh nghiệp truyền thống, đó là các công ty này chỉ cần mở ở quốc gia nào đó mà trong lĩnh vực này quy định thuế rất thấp hoặc không thu thuế và nó kết nối mạng và có thể kinh doanh khắp mọi nơi. Điều này khiến Chính phủ các nước trên thế giới mất một khoản thu rất lớn. Ví dụ như Facebook, Google tại Việt Nam, Các doanh nghiệp này không cần hiện diện mà vẫn có thu doanh thu, nhưng Chính phủ Việt Nam khó thu được thuế của họ…
Chuyên gia tài chính, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, áp thuế doanh nghiệp toàn cầu là một trong những biện pháp để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng cũng như đảm bảo nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Từ đó có thể đánh thuế một cách công bằng với các doanh nghiệp đa quốc gia. Với thoả thuận này, Chính phủ các nước sẽ có thêm hàng nghìn tỷ USD ngân sách thu được từ thuế để chi tiêu vào các mục đích xã hội. Đồng thời, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng; nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Việt Nam cần làm gì?
Cũng theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, do chưa có tin tức gì về việc Việt Nam tham gia với các nước khác trên thế giới trong cuộc đàm phán thuế toàn cầu nêu trên, nên có thể suy ra rằng Việt Nam vẫn đứng ngoài một thỏa thuận toàn cầu về thuế doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 01/7/2020, Việt Nam đã và đang thực thi một số biện pháp để buộc các công ty đa quốc gia như Google hay Facebook… phải trả thuế phát sinh do có người sử dụng dịch vụ của các công ty này ở Việt Nam, gồm buộc thanh toán dịch vụ qua Napas, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, khai báo nộp thuế nhà thầu, và có trách nhiệm khấu trừ thuế tại nguồn với các cá nhân liên quan…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điểm của Nghị định 126, theo đó đẩy trách nhiệm đánh thuế các công ty công nghệ Mỹ sang cho các ngân hàng thương mại bằng cách quy định các ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay tiền thuế nếu các công ty này không kê khai và nộp thuế bán hàng cho các cá nhân tại Việt Nam.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, với sự thống nhất của 7 nước công nghiệp trong nhóm G7 và sau này sẽ là nhóm G20 với những nước phát triển và những nước mới phát triển… Chúng ta cũng hy vọng đó sẽ là một đòn bẩy để từ đó các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đều có thể thống nhất việc đánh thuế với các ông lớn trên thế giới, đặc biệt ở các lĩnh vực mới như là công nghệ số.
Đặc biệt, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đối với Việt Nam cũng phải có sự chuẩn bị, cần tập trung vào theo dõi tiến độ và kết quả của cuộc thương lượng quốc tế đang diễn ra, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để ban hành hoặc sửa đổi các điều khoản pháp luật có liên quan để việc đánh thuế các công ty đa quốc gia lớn tại Việt Nam đảm bảo phù hợp với luật pháp và các thỏa thuận quốc tế mới sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Phải tìm hiểu các nước G7 quy định trên cơ sở nào? tính toán ra sao?… Cũng như nhu cầu đàm phán với các doanh nghiệp toàn cầu ra sao để từ đó chúng ta có thể quản lý được một cách tốt nhất, đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi cho các cho doanh nghiệp toàn cầu.
“Trên cơ sở là tiền lệ của cái chung mà các quốc gia trên thế giới đang có, chúng ta có thể vận dụng vào thực tế của Việt Nam, để có quy định rõ ràng cụ thể về cách thức đánh thuế, cách thức thu và mức thuế như thế nào là hợp lý…” .” - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh kiến nghị.
Điều tiếp theo là chúng ta cũng phải có sự chuẩn bị trong việc thống kê, cũng như xem xét mức doanh thu mà các nghiệp toàn cầu thu được từ thị trường Việt Nam để có cơ sở tính thuế. Đây là việc rất quan trọng, bởi theo như thoả thuận của nhóm G7, đánh thuế tối thiểu 15% đối với doanh nghiệp toàn cầu là đánh thuế trên doanh thu…
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đối với Việt Nam cũng phải có sự chuẩn bị, cần tập trung vào theo dõi tiến độ và kết quả của cuộc thương lượng quốc tế đang diễn ra, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để ban hành hoặc sửa đổi các điều khoản pháp luật có liên quan để việc đánh thuế các công ty đa quốc gia lớn tại Việt Nam đảm bảo phù hợp với luật pháp và các thỏa thuận quốc tế mới sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Đinh Chiến