Trung Quốc đang làm gì để vực dậy nền kinh tế?

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nền kinh tế Trung Quốc suy thoái mạnh nhất trong vòng 60 năm trở lại đây. Quốc gia này đã bắt đầu kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đang cố gắng từng bước khôi phục lại nền kinh tế.

Một công nhân đóng gói hàng tại trung tâm hậu cần ở Bắc Kinh. Ảnh CNN

Để kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, từ việc hạn chế người dân đi lại đến việc cho tạm ngừng tất cả các hoạt kinh doanh và sản xuất… Và cho đến nay, số ca nhiễm bắt đầu giảm mạnh, tâm chấn của đại dịch Covid-19 là Vũ Hán cũng đã được gỡ bỏ lệnh phong tỏa…

Tuy nhiên, các biện pháp chống dịch khiến phần lớn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tê liệt. Tăng trưởng GDP Trung Quốc co lại xuống thấp nhất trong nhiều thập kỷ. So với ba tháng trước, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ giảm gần 10% và cả năm có thể giảm 6%. Ngoài ra, dự báo tăng trưởng cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều sẽ giảm 10% trở lên trong tháng 3, nối dài những sự sụt giảm của 2 tháng đầu năm. Triển vọng thương mại toàn cầu cũng không có gì xán lạn hơn. Giờ đây, chính phủ Trung Quốc đang nóng lòng tìm mọi cách để khôi phục lại nền kinh tế của mình.

Cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều giảm trong tháng 3.

Một trong những động thái mới nhất, đó là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa đưa ra thông báo cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) cho các tổ chức tài chính xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, trong nỗ lực vực dậy "sức khỏe" cho nền kinh tế.

Cụ thể, PBOC tuyên bố cắt giảm 20 điểm cơ bản trong lãi suất cho vay trung hạn một năm (MLF) đối với các tổ chức tài chính, từ 3,15% xuống còn 2,95%, mức thấp nhất kể từ khi công cụ thanh khoản này được giới thiệu vào tháng 9/2014. Việc hạ lãi suất này của PBOC đã giúp khơi thông 100 tỷ nhân dân tệ (14,19 tỷ USD) vào thị trường tài chính.

Ngoài ra cùng với PBOC, trong vài tuần qua, một loạt các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã triển khai các biện pháp kích thích được đánh giá là chưa từng có, bao gồm cắt giảm mạnh lãi suất và bơm hàng nghìn tỷ USD vào thị trường để hỗ trợ nền kinh tế khi nhiều quốc gia đã buộc phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nhân viên văn phòng Trung Quốc đeo khẩu trang bảo vệ khi họ băng qua đường trong giờ cao điểm. Ảnh CNN.

Hiện nay, kế hoạch giải cứu nền kinh tế Trung Quốc dựa trên một loạt các chính sách và chiến dịch nhằm khuyến khích người lao động trở lại làm việc, cải thiện niềm tin kinh doanh trong và ngoài nước và cứu các công ty đang trượt tới bờ vực phá sản. Ngoài hàng tỷ USD đã chi cho vật tư y tế và điều trị, chính phủ Trung Quốc bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng để tạo công ăn việc làm. Bắc Kinh cũng giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và yêu cầu ngân hàng hoãn thu nợ của các hộ gia đình hoặc công ty gặp khó khăn.

Thêm vào đó, hiện nay ít nhất 30 thành phố trên khắp Trung Quốc tham gia vào phong trào phân phát thẻ quà tặng miễn phí cho người dân để kích thích tiêu dùng cá nhân trong bối cảnh người dân vẫn còn ám ảnh bởi dịch Covid-19.

Thị trường ô tô Trung Quốc đang gặp phải những khó khăn lớn. Nguồn: CNN.

Được biết, ngành công nghiệp ô tô đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Thu nhập của hơn 40 triệu người trong nước dựa vào ngành sản xuất này. Chế tạo ô tô tạo ra doanh thu hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm, tương đương 10% sản lượng sản xuất của Trung Quốc. Tuy nhiên theo số liệu mới được công, doanh số bán ô tô của nước này đã giảm 48,4% trong Quý I so với một năm trước.

Trung Quốc đang thực hiện các bước để cố gắng tăng doanh số trở lại. Bắc Kinh tháng trước tuyên bố sẽ gia hạn trợ cấp và giảm thuế cho các phương tiện năng lượng mới, như xe điện hoặc xe hybrid, trong 2 năm nữa. Chính quyền các địa phương cũng đang vào cuộc. Ít nhất 10 tỉnh, thành đã khuyến khích người dân mua ô tô, chủ yếu bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp tiền mặt lên tới 1.400 USD cho mỗi xe.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/quoc-te/trung-quoc-dang-lam-gi-de-vuc-day-nen-kinh-te-509131.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin