Chỉ 1 ngày sau khi được Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) thông qua, Luật Tình báo bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28-6. Đạo luật này được thông qua vào chiều 27-6, tại phiên bế mạc kỳ họp của Quốc hội (được tổ chức 2 tháng/lần).
32 điều trong Luật Tình báo chủ yếu gồm các quy định chung, tổ chức và nhiệm vụ của các cơ quan tình báo, và hình phạt cho những hành vi sai trái.
Công cụ mới
Theo Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang, đạo luật này sẽ tạo ra sự hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng tình báo, đồng thời hối thúc các cơ quan triển khai thực thi và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Luật Tình báo.
Đạo luật này yêu cầu các cơ quan tình báo và nhân viên tình báo phải đảm bảo nhân quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức; đồng thời, trao cho nhà chức trách các cơ sở pháp lý mới để giám sát và điều tra các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Các tổ chức, cá nhân ủng hộ công tác tình báo sẽ được bảo vệ; những ai có đóng góp sẽ được trọng thưởng. Và những đối tượng rò rỉ bí mật quốc gia, bí mật thương mại hoặc thông tin cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trước khi thông qua Luật Tình báo, đã có nhiều tranh cãi bởi các cơ quan tình báo và nhân viên tình báo được tăng quyền theo dõi, điều tra và huy động dân thường trong phòng chống gián điệp, cũng như cảnh báo công chức về việc hẹn hò với người nước ngoài.
Hơn 1 tháng trước (16/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã công bố bản dự thảo công khai đầu tiên của Luật Tình báo và kêu gọi người dân đóng góp ý kiến cho đạo luật này tới ngày 14/6. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nỗ lực luật hóa việc thu thập thông tin tình báo.
Nhiều xáo trộn
Theo giới chuyên môn, hệ thống tình báo quân đội Trung Quốc chịu nhiều xáo trộn lớn sau khi các cấu trúc chỉ huy bị thay đổi trong cuộc cải tổ lớn. Việc này diễn ra sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thành lập 3 Bộ tư lệnh mới.
Theo ông Peter Mattis, chuyên gia thuộc Chương trình Trung Quốc tại Quỹ Jamestown, cơ quan đầu não của tình báo quân đội Trung Quốc đều nằm tại Bộ Tổng tham mưu, do đó bất cứ thay đổi nào đối với cơ quan này đều làm đảo lộn cả hệ thống tình báo.Tổng cục II trực thuộc Bộ Tổng tham mưu là đơn vị điều hành các hoạt động ngầm và tình báo con người (HUMINT), chịu một phần trách nhiệm đối với hoạt động nghiên cứu ảnh vệ tinh Trung Quốc và các thiết bị tình báo trên không.
Sau khi Bộ Tư lệnh Hỗ trợ Chiến lược được thành lập, nhiều khả năng các chức năng tình báo vũ trụ kể trên được chuyển giao cho cơ quan này. Ngoài Tổng cục II, Bộ Tổng tham mưu còn điều
Tổng cục III, cơ quan tình báo tín hiệu quốc gia (SIGINT), có chức năng tương đương với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ hay GCHQ của Anh.
Tổng cục III chịu trách nhiệm bảo vệ hệ thống mạng và các đường dây thông tin liên lạc của chính phủ. Tổng cục IV là đơn vị phụ trách hoạt động tình báo điện tử (ELINT) và tác chiến điện tử (EW), là cơ quan tình báo quân đội trẻ nhất. Sau khi Trung Quốc quyết định thành lập Bộ Tổng tư lệnh Lục quân để đảm đương vai trò của Bộ Tổng tham mưu, hệ thống tình báo quân đội của nước này phải thay đổi để thích ứng với cấu trúc chỉ huy mới.
Giới truyền thông cho rằng, cơ cấu tổ chức của Bộ An ninh gồm nhiều Tổng cục và các vụ, cục, đơn vị trực thuộc như Cục 1 (nội địa), Cục 2 (tình báo ở hải ngoại), Cục 3 (hoạt động ở Hongkong, MaCao và Đài Loan), Cục 4 (kỹ thuật nghiệp vụ), Cục 5 (địa phương), Cục 6 (phản gián), Cục 7 (phân tích và xử lý tin), Cục 8 (nghiên cứu), Cục 9 (an ninh nội bộ), Cục 10 (kinh tế), Cục 11 (điện tử và an ninh mạng...
Hơn 2 năm trước (17-2-2015), Thiếu tướng Hình Vận Minh, nguyên Trưởng phòng liên lạc của Tổng cục Chính trị đã bị bắt để điều tra do nghi ngờ tham nhũng. Theo giới truyền thông, ông Hình Vận Minh là người phụ trách các vấn đề tình báo ở nước ngoài của quân đội Trung Quốc.
Theo Bao Phapluat