Trong bối cảnh đặc biệt, cần có các giải pháp đột phá

06/12/2021 08:53

Cần tập trung tăng tổng cung và cầu, ưu tiên nhiều hơn cho tổng cung, phối hợp linh hoạt chính sách tài khoá và tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, lộ trình khoảng 2 năm 2022-2023 với các mục tiêu cụ thể, dễ dàng trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tính khả thi, nhanh chóng và kịp thời.

5-1638755547.jpeg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tập trung tăng tổng cung và cầu, phối hợp linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Phát biểu tại phiên bế mạc “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”, chiều 5/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, các tổ chức quốc tế, được kết nối với 57 điểm cầu các địa phương và tại Mỹ, Pháp, Thuỵ Sỹ và Thái Lan.

Các diễn giả, chuyên gia, nhà học định chính sách, điều hành tập đoàn kinh tế đã chia sẻ kinh nghiệm, về dư địa phát triển trên các lĩnh vực như: Chính sách tài khoá, tiền tệ, lao động việc làm, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp... Theo Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến sẽ được tập hợp đầy đủ để gửi đến cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội, nhà quản lý hoạch định chính sách nghiên cứu, tham khảo.

Phân tích tình hình kinh tế nước ta trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Tác động của dịch bệnh là bất ngờ, chưa có tiền lệ và chưa biết khi nào chấm dứt khi biến thể mới lại xuất hiện, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, 2 năm qua, kinh tế nước ta ước thiệt hại trực tiếp khoảng 37 tỷ USD.

Vì vậy, trong bối cảnh đặc biệt, cần có các giải pháp đột phá, tập trung tăng tổng cung và cầu, ưu tiên nhiều hơn cho tổng cung, phối hợp linh hoạt chính sách tài khoá và tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, lộ trình khoảng 2 năm 2022-2023 với các mục tiêu cụ thể, dễ dàng trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tính khả thi, nhanh chóng và kịp thời, vừa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô cho giai đoạn phát triển mới.

Các đại biểu đều cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm quốc gia với các tổ chức quốc tế.

Theo đó, các chính sách tổng thể cần tập trung hỗ trợ các ngành, lĩnh vực quan trọng và các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi đại dịch, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện phục hồi kinh tế, đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn đối với các ngành có khả năng tăng trưởng cao với mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, chuyển đổi số, tạo ra tác động lan toả.

51-1638755547.jpeg

Chủ tịch Quốc hội đề nghị bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế là yêu cầu bắt buộc để an toàn nền kinh tế. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Điểm lại một số ý kiến của diễn giả trao đổi về phát triển trong bối cảnh bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước, cụ thể hoá kết luận Hội nghị lần thứ 4 của BCH Trung ương khoá XIII và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khoá XV.

Trong đó, bảo đảm tính ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế, tập trung tăng tổng cung và tổng cầu; giảm thuế, giãn thuế, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; linh hoạt và chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; có quy mô đủ lớn, mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, đủ liều lượng để giải quyết được vấn đề cấp bách để nền kinh tế có khả năng hấp thụ được ngay; bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế bởi đây là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm an toàn của nền kinh tế; đánh giá kỹ tác động của chính sách, độ trễ của chính sách; có thể chấp nhận một số thay đổi ngắn hạn như tăng bội chi, nợ công, giảm thêm một số lệ phí và thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp…

Đồng thời, chú trọng mối quan hệ hữu cơ giữa ngân sách nhà nước, ngân hàng và nhu cầu của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp và người dân tạo ra của cải vật chất, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo ra dòng tiền. Do vậy, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp là nuôi dưỡng nguồn thu cho Nhà nước và phát triển hệ thống ngân hàng./.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn bài viết: https://m.baochinhphu.vn/story.aspx?did=455164

Bạn đang đọc bài viết "Trong bối cảnh đặc biệt, cần có các giải pháp đột phá" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin