“Trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt”: Kinh nghiệm pháp lý của Mỹ và một số gợi mở cho Việt Nam

20/09/2021 16:45

(Pháp lý) – Vệ sinh an toàn thực phẩm là mối quan tâm đặc biệt của người dân  trong những năm gần đây, khi ngày càng xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, nghi có chất cấm trong thực phẩm…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tài chính của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hiện nay là cơ chế pháp luật để xử lý các thương nhân, pháp nhân  vi phạm vẫn còn chưa nghiêm khắc, đồng thời người sử dụng thực phẩm kém chất lượng vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng. Do vậy trong thời gian tới đây, pháp luật Việt Nam cần bổ sung một số quy định liên quan để tiến tới xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân vi phạm và có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hậu quả của mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tài chính của người tiêu dùng, điển hình là các vụ ngộ độc Pate Minh chay, các vụ ngộ độc của công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp… Rồi mới đây dư luận một lần nữa lại được phen hoảng hốt vì tin tức hãng mì tôm Hảo hảo (một loại mì gói thông dụng trên toàn quốc) và mì Good thuộc hãng Acecook Việt Nam bị Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi.

Chắc nhiều người dân đến nay vẫn còn nhớ và rất bức xúc vụ Pate Minh Chay. Theo thông tin từ Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, từ ngày 13/7-18/8/2020 xuất hiện nhiều người nhập viện do ngộ độc thực phẩm xảy ra tại nhiều địa phương, đáng chú ý đã có một bệnh nhân nam 70 tuổi tử vong vì sử dụng loại thực phẩm này tại Hà Nội. Điều tra dịch tễ cho thấy các bệnh nhân này đều sử dụng pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới. Công ty này trụ sở tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội sản xuất và kinh doanh qua mạng xã hội.

image001-1630980048.jpg
Tháng 8/ 2020, Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo sản phẩm Pate Minh Chay có chứa độc tố độc lực mạnh.

Kết quả kiểm nghiệm khi đó cho thấy một số sản phẩm pate Minh Chay, thuộc các lô khác nhau, nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinumtyp B. "Đây là vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử. Độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ gây tử vong", Cục An toàn thực phẩm cho biết.

Ngay mới đây, theo thông tin từ website của Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) đăng tải vào ngày 20/8, một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất có chứa chất Ethylene Oxide. Đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh châu Âu (EU).

Trong danh sách thu hồi có 3 sản phẩm, trong đó có mì Hảo Hảo tôm chua cay (77g, hạn sử dụng 24-9-2022) và miến Good (56g, hạn sử dụng 10-11-2022) là của Công ty Acecook Việt Nam. Còn lại sản phẩm mì hải sản Yato (120g, hạn sử dụng 30-11-2022) có xuất xứ từ Trung Quốc. FSAI nói rõ dù việc tiêu thụ sản phẩm bị nhiễm chất này không gây ra rủi ro cấp tính, nhưng việc tiêu thụ Ethylene Oxide trong thời gian dài có thể gây ra vấn đề về sức khỏe. Tuy chưa có thông tin chính thức từ Bộ Công thương Việt Nam về vấn đề này, song thông tin trên cũng khiến dư luận trong nước lại một lần nữa hoang mang về vấn đề an toàn thực phẩm. 

Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong.

Mất vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng tiêu cực rất lớn sức khỏe người tiêu dùng. Ở cấp độ nhẹ có thể là các triệu chứng bệnh như rối loạn hệ tiêu hóa, co giật thần kinh nhẹ, rồi loạn cấp tính có thể tự chữa khỏi hoặc tự khỏi được. Ở cấp độ nặng có thể gây nên những bệnh về nhiễm độc cơ thể: nếu mức độ nhiễm độc quá cao có thể dẫn đến các bệnh như ung thu, không sinh sản được (vô sinh), sinh quái thai, rối loạn các chức năng của cơ thể, thậm chí là dẫn đến tử vong như trường hợp bệnh nhân sử dụng thực phẩm pate Minh chay). 

Tiếp đến về mặt xã hội, mất vệ sinh an toàn thực phẩm gây ra xáo trộn cuộc sống, làm thay đổi thói quen sinh hoạt trong gia đình. Những cá nhân bị nhiễm độc vệ sinh an toàn thực phẩm gây tốn kém tiền bạc trang trải về viện phí, làm mất thời gian trong công việc của người bệnh và người thân đồng thời làm giảm khả năng lao động có thể làm ảnh hưởng về tâm lý cho cả những người thân.

image002-1630980083.jpg
 Lực lượng chức năng kiểm tra ATTP tại một cửa hàng

Đối với nền kinh tế, sản xuất lương thực thực phẩm là một trong những chiến lược trọng yếu của việc phát triển kinh tế đối với Việt Nam và nhiều nước đang phát triển. Ngoài việc mang ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế, nó còn có ý nghĩa chính trị, xã hội rất quan trọng. Việc vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường cả trong nước và thị trường quốc tế.

Để cạnh tranh được trên thị trường quốc tế thì thực phẩm cần phải được sản xuất, chế biến, bảo quản phòng tránh ô nhiễm các loại vi sinh vật. Đồng thời không được chứa các chất hóa học tự nhiên tổng hợp hay vượt quá mức quy định cho phép theo của tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn quốc gia….để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

“Trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt”: Câu chuyện tại Mỹ và Việt Nam

Tại Mỹ, mọi tổ chức và cá nhân tham gia vào chuỗi sản xuất thực phẩm từ nông trại và đến bàn ăn đều phải có trách nhiệm đối với vệ sinh an toàn của thực phẩm. Hệ thống an toàn thực phẩm của Mỹ bao gồm người sản xuất, người chế biến, người gửi hàng, người bán lẻ, người chế biến thực phẩm và cuối cùng là người tiêu dùng. Chính phủ đóng một vai trò quan trọng bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn và giám sát việc thực thi chuỗi hệ thống này. Bên cạnh đó, vai trò hỗ trợ được thực hiện bởi các tổ chức thương mại, tổ chức tiêu dùng, các tổ chức nghề nghiệp và cơ sở học thuật tham gia vào nghiên cứu và giáo dục trong lĩnh vực.

Việc không đảm bảo an toàn thực phẩm có thể gây tốn kém cho ngành công nghiệp thực phẩm. Ở hầu hết các tiểu bang trên toàn nước Mỹ, người tiêu dùng bị tổn hại sức khỏe được hưởng lợi từ học thuyết về trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt và không phải chứng minh bất kỳ lỗi nào từ phía nhà sản xuất hoặc nhà phân phối nếu thực phẩm gây ra thiệt hại. 

image003-1630980110.jpg
“ Trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt” của Mỹ  buộc thương nhân phải thực sự quan tâm đến chất lượng của hàng khi xuất ra thị trường

Theo trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt, thương nhân sẽ bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối hay nhà bán sản phẩm đều phải chịu trách nhiệm đối với những sản phẩm khuyết tật gây ra đối với sức khỏe người tiêu dùng. Việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt với mục đích bảo vệ người tiêu dùng đến mức tối đa vì nó buộc thương nhân phải thực sự quan tâm đến chất lượng của hàng khi xuất ra thị trường. Đây là một chế định trung tâm của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tại Mỹ. Bên cạnh hệ thống án lệ truyền thống với các quy định luật thành văn về bảo vệ người tiêu dùng nằm phân tán trong các bộ luật, đạo luật cấp liên bang hoặc tiểu bang, phản ánh quan điểm, cách thức bảo vệ người tiêu dùng. 

Các tiêu chí để xác định trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt được các Tòa án Mỹ dựa vào các giải thích tại mục 402A của Tuyển tập án lệ thứ hai để xác định sản phẩm khuyết tật, chủ thể phải bồi thường thiệt hại, chủ thể được bồi thường và điều kiện để bồi thường, cụ thể: 

Thứ nhất, tiêu chuẩn xác định sản phẩm khuyết tật gây nguy hiểm bất hợp lý: Theo hướng dẫn tại Mục 402A thì sản phẩm trong tình trạng khuyết tật gây nguy hiểm bất hợp lý chính là các sản phẩm khuyết tật tạo ra mối nguy hại vượt qua hình dung hợp lý của người dùng ví dụ như: khuyết tật do lỗi thiết kế hoặc lỗi sản xuất; sản phẩm không có cảnh báo phù hợp; không đóng gói thích hợp; nguy hiểm không trách được.

Thứ hai, chủ thể trong quan hệ bồi thường thiệt hại: Người bán-chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Tại khoản a Mục 402A (1) giải thích rằng thuật ngữ “người bán” bao gồm tất cả những cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Do vậy, nếu xảy ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường sẽ bao gồm: nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, các thương nhân trung gian, nhà bán buôn bán lẻ với mức độ khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn mà những người này tham gia. 

Người tiêu dùng-người được bồi thường Tại khoản b Mục 402A (1) giải thích khái niệm “người tiêu dùng” được mở rộng cả người dùng sản phẩm và người mua sản phẩm trong quan hệ tiêu dùng, họ không nhất tiết phải là người giao kết hợp đồng với người bán hàng.

Thứ ba, nguyên nhân và thiệt hại, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ cần chứng minh rằng sản phẩm khuyết tật chính là nguyên nhân gây ra thiệt hại bất hợp lý (có thể là sức khỏe, tiền bạc, hay cả hai) và từ đó dẫn đến yêu cầu đòi bồi thường. Trong đó đặc biệt yêu tố lỗi không phải là điều kiện bắt buộc, ngay cả trong trường hợp người bán đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý khi thiệt hại xảy ra.

Theo “ Trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt” của Mỹ, thương nhân sẽ bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối hay nhà bán sản phẩm đều phải chịu trách nhiệm đối với những sản phẩm khuyết tật gây ra đối với sức khỏe người tiêu dùng. Việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt với mục đích bảo vệ người tiêu dùng đến mức tối đa vì nó buộc thương nhân phải thực sự quan tâm đến chất lượng của hàng khi xuất ra thị trường. Đây là một chế định trung tâm cúa pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tại Mỹ. 

Tại Việt Nam, thuật ngữ “trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt” chưa được ghi nhận một cách chính thức trong hệ thống pháp luật. Tuy vậy, trong pháp luật dân sự và bảo vệ người tiêu dùng cũng đã có những “hạt nhân” pháp lý để áp dụng loại trách nhiệm pháp lý này. 

Đó là tại chương XX của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có những quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà người gây ra thiệt hại phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý dù cho không có lỗi. Trong các trường hợp: Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; Điều 602. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường; Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra; Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra; Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra; Điều 605. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.

Hay tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng đã ghi nhận tiền đề để áp dụng loại trách nhiệm pháp lý đặc biệt này, tại Điều 23: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật”. 

Tuy nhiên để áp dụng được điều luật của pháp luật VN đối với thương nhân theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là không dễ dàng, không xuất phát từ nghĩa vụ do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa cụ thể. Để nhận diện được những sản phẩm hàng hóa khuyết tật gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì cần phải có hướng dẫn áp dụng cụ thể, thông qua án lệ. 

Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 khẳng định “Tòa án không được từ chối vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, vấn đề này cũng đã được Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định Tòa án được quyền áp dụng các nguyên tắc pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để xét xử khi mà luật chưa quy định hay các bên không có thỏa thuận khác và không có tập quán được áp dụng. Do đó nếu trong trường hợp “khó” tìm ra luật trong nước để áp dụng thì Tòa án hoàn toàn có thể lựa chọn loại trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt để xử lý vụ việc theo như luật pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên để làm được điều này thì phụ thuộc rất lớn vào năng lực chuyên môn và bản lĩnh của Hội đồng xét xử trong việc vận dụng và giải thích luật sao cho phù hợp với bối cảnh trong nước. 

Tiếp đến, mặc dù Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về trách nhiệm của thương nhân đối với quyền lợi người tiêu dùng như: Hệ thống văn bản pháp luật trực tiếp Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các Nghị định hướng dẫn thi hành; Hệ thống văn bản pháp luật gián tiếp như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các Nghị định hướng dẫn thi hành trong hoạt động sản xuất, bán hàng và bảo vệ người tiêu dùng…. 

Dù có nhiều luật như vậy nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Quy định hiện hành chưa có chế tài đặc thù đủ để xử lý các vi phạm pháp luật của thương nhân, do vậy mà trong nhiều trường hợp thương nhân không tuân thủ pháp luật và gây bất lợi cho người tiêu dùng; Quy định pháp luật chưa xây dựng được một cơ chế giải quyết các khiếu nại, tranh chấp hữu hiệu để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình; Các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nặng tính hình thức, khó đưa vào thực tiễn thi hành.

Một số gợi mở cho các nhà quản lý và lập pháp của VN

Từ kinh nghiệm pháp lý của Mỹ trong vấn đề quản vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể thấy trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt là một chế định rất thiết thực trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cộng đồng trong vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng. Trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt ràng buộc người sản xuất phải có khả năng nhận thức và trách nhiệm mẫn cán đối với hàng hóa, sản phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng. 

Hiện nay dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã đề cập đến một số khái niệm pháp lý có liên quan, song để tiến tới phòng ngừa và xử lý hữu hiệu đối với các vi phạm thì rất cần thiết trong thời gian tới đây Việt Nam có thể tham khảo chế định trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt của một số nước, để bổ sung vào hệ thống pháp luật quốc gia. Đó là bổ sung các tiêu chí, trường hợp để xác định trách nhiệm nghiêm ngặt, thông qua đó sẽ giúp cơ quan chức năng thực hiện chuỗi quy trình tố tụng một cách thuận lợi đồng thời người tiêu dùng cũng dễ dàng hơn trong việc khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường. 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện về cơ chế chính sách, quy định chi tiết và cụ thể quyền và nghĩa vụ của thương nhân trong chuỗi cung ứng hàng hóa đối với người tiêu dùng. Nâng chế tài xử lý nghiêm khắc để trừng trị, răn đe đối với những trường hợp vi phạm, tạo cơ chế hiệu quả để bảo đảm thực thi pháp luật về nghĩa vụ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Đồng thời, cấn bổ sung các quy định về bảo hành trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; bổ sung các quy định về hợp đồng mua bán, bởi vì trong thực tế thì người tiêu dùng thường là đối tượng dễ bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia vào quan hệ cung ứng với thương nhân. 

Cuối cùng, cần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật của người tiêu dùng. Nâng cao vị trí của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ người tiêu dùng như thành lập các chi cục, tổ chức tại địa phương; tạo cơ chế phối hợp rõ ràng giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực mà các cơ quan này quản lý. 

Vũ Thủy
 

Bạn đang đọc bài viết "“Trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt”: Kinh nghiệm pháp lý của Mỹ và một số gợi mở cho Việt Nam" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin