Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết đây là hội thảo chính thức và quy mô về luật công đầu tiên của trường. “Một trong những sứ mệnh của UEL là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực luật và triển khai thường xuyên các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, khi nhắc lĩnh vực luật tại UEL, mọi người thường biết đến với thế mạnh về luật tư - liên quan đến các mối quan hệ và lợi ích giữa các cá nhân. Hội thảo là cơ hội để chúng tôi thể hiện trách nhiệm đóng góp cho lĩnh vực luật công, tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, người làm thực tiễn và cả người học có môi trường để trao đổi, thảo luận về trách nhiệm hiến pháp, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự. Từ đó có những tham mưu, kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” - PGS.TS Lê Vũ Nam chia sẻ.
Các vấn đề về trách nhiệm hiến pháp, bảo hiến, kiểm duyệt tư pháp, trách nhiệm hình sự, hình phạt... được các báo cáo viên, nhà khoa học trình bày và thảo luận sôi nổi. Hội thảo gồm 2 phiên, phiên thứ nhất do PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng khoa Luật, UEL; PGS.TS Trịnh Tiến Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Giảng viên cao cấp, UEL điều hành, với 3 tham luận: “Trách nhiệm hiến pháp đối với người giữ chức vụ nhà nước” do Th.S Lưu Đức Quang - Khoa Luật, UEL trình bày; “Bảo hiến, kiểm duyệt tư pháp - cơ sở của trách nhiệm hiến pháp, trách nhiệm hành chính” do PGS.TS Đỗ Minh Khôi - Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP.HCM trình bày; “Bàn về trách nhiệm hiến pháp” do PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp - Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật TP HCM trình bày.
Phiên thứ hai tập trung vào trách nhiệm hình sự với 2 tham luận của PGS.TS Trịnh Tiến Việt về “Trách nhiệm hình sự và hình phạt: Tiếp cận mối liên hệ dưới khía cạnh liên ngành triết học - luật hình sự và những định hướng tiếp tục hoàn thiện pháp luật”; và tham luận của TS Cao Vũ Minh - Trưởng bộ môn Luật Hành chính nhà nước, Khoa Luật, UEL về “Tính chất cưỡng chế đặc biệt của biện pháp cai nghiện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người chưa thành niên”.
Trong phiên 2, ngoài sự điều hành của PGS.TS Cảnh Hợp, còn có GS.TSKH Lê Văn Cảm - Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật TP.HCM và TS. Lê Nguyễn Gia Thiện, Phó Trưởng Khoa Luật, UEL.
Phát biểu tại hội thảo, ThS Lưu Đức Quang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho biết trách nhiệm hiến pháp với tư cách những hậu quả bất lợi mà chính quyền buộc các chủ thể vi phạm hiến pháp phải gánh chịu hầu như chỉ đề cập trong một số chuyên khảo hoặc tạp chí khoa học.
Việc kém phổ biến trách nhiệm hiến pháp có thể xuất phát từ việc chủ thể tham gia quan hệ trách nhiệm hiến pháp chủ yếu là cơ quan nhà nước và người giữ chức vụ nhà nước…
Hiến pháp năm 2013 quy định trách nhiệm hiến pháp đối với các chức danh cao cấp của Quốc hội và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập, thẩm phán, tướng lĩnh các lực lượng vũ trang, quan chức ngoại giao, Chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Thực tiễn truy cứu trách nhiệm hiến pháp bằng hình thức miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức đối với người giữ chức vụ cao cấp của nhà nước những năm qua cho thấy một số bất cập về xử lý kỷ luật đối với một số người từng giữ chức vụ nhà nước nhưng bị phát hiện sai phạm nghiêm trọng khi đã hết nhiệm kỳ hoặc về hưu.
Bởi vì, một người đã nghỉ việc, nghỉ hưu thì không còn là cán bộ, công chức; không còn giữ chức vụ, không còn trong biên chế và cũng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Từ đó cũng đặt ra vấn đề về tính phù hợp về hình thức xử lý kỷ luật đối với những người này. Và điều này chỉ có thể được giải quyết thấu đáo nếu áp dụng trách nhiệm hiến pháp.
Bên cạnh đó, việc bỏ phiếu tín nhiệm là một thủ tục để Quốc hội thực hiện quyền miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi người đó không xứng đáng với trọng trách được trao. Tuy đây không phải là một hình thức trách nhiệm hiến pháp nhưng việc thể chế hóa hoạt động này góp phần quan trọng để truy cứu trách nhiệm hiến pháp.
ThS Lưu Đức Quang đề nghị cần minh định hình thức xóa tư cách giữ chức vụ nhà nước là một biện pháp trách nhiệm hiến pháp nhằm khắc phục lỗ hổng trong vấn đề xử lý kỷ luật đối với một số người từng giữ chức vụ nhà nước nhưng bị phát hiện sai phạm khi đã hết nhiệm kỳ, về hưu; Cũng như đảm bảo nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào" trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay ở nước ta.
Bên cạnh đó, cần rành mạch và hợp lý hệ quả pháp lý của hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhằm hướng tới việc xác định rõ trách nhiệm hiến pháp đối với chủ thể này.
Trách nhiệm hiến pháp cũng phát sinh khi chủ thể phạm tội
Theo PGS-TS Nguyễn Cảnh Hợp, Trường Đại học Luật TP.HCM, Điều 119 Hiến pháp 2013 quy định mọi hành vi vi phạm hiến pháp đều bị xử lý. Về bản chất, xử lý vi phạm hiến pháp chính là truy cứu một loại trách nhiệm gọi là trách nhiệm hiến pháp.
Những biện pháp xử lý trách nhiệm hiến pháp cụ thể được Luật Hiến pháp các nước cũng như Luật Hiến pháp Việt Nam quy định gồm: Bãi bỏ văn bản trái hiến pháp, phế truất tổng thống, giải tán nghị viện, hủy kết quả trưng cầu ý dân, tước các phần thưởng và các danh hiệu vinh dự nhà nước…
Với một số biện pháp xử lý vi phạm hiến pháp nói trên, có thể thấy biện pháp xử lý trách nhiệm pháp lý hiến pháp là chủ yếu. Tuy nhiên, trách nhiệm hiến pháp cũng phát sinh khi chủ thể phạm tội hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật khác. Tương tự như cán bộ, công chức nếu phạm tội hay vi phạm hành chính thì ngoài trách nhiệm hành chính còn phải chịu trách nhiệm kỷ luật.
Có thể định nghĩa trách nhiệm hiến pháp là một loại trách nhiệm pháp lý, thể hiện bằng các biện pháp cưỡng chế được Luật Hiến pháp quy định, có thể áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật hiến pháp hoặc trong một số trường hợp có thể đồng thời áp dụng khi chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ngoài các báo cáo viên, hội đồng chủ toạ khoa học như đã nêu, hội thảo “Mối liên hệ giữa trách nhiệm hiến pháp, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự” còn có sự tham gia của các khách mời từ các cơ quan tư pháp khác như Thẩm phán Đặng Thị Tám - Toà án nhân dân Gò Vấp, Kiểm sát viên Nguyễn Hoài Thương - Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM.
Đặc biệt, hội thảo có sự góp mặt của hơn 100 nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên, chấp hành viên, sinh viên của các tổ chức hành nghề luật, Đoàn Luật sư TP.HCM và các trường đại học như Trường Đại học Luật TPHCM, Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kiên Giang…
Trong phần thảo luận, các khách mời, học giả là những người đang công tác thực tiễn trong lĩnh vực luật công đã cùng tranh luận, phản biện và nhấn mạnh vai trò quan trọng của hiến pháp và trách nhiệm hiến pháp trong thực tiễn hành nghề cũng như quá trình tranh tụng xét xử.
Qua 2 tháng mời tham luận, ban tổ chức hội thảo nhận được 65 bài tham luận của các học giả từ khắp các đơn vị trên cả nước và chọn 41 bài tham luận đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học “Mối liên hệ giữa trách nhiệm hiến pháp, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự”.
Được biết từ năm 2022, Trường Đại học Kinh tế - Luật lần đầu tiên tuyển sinh trình độ đại học chương trình Luật và Chính sách công hướng đến mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vị trí công việc tại cơ quan nhà nước, cả trung ương và địa phương trong lĩnh vực hành chính công.
Nguyễn Đức – Đức Quang