Đó là một trong những nội dung lưu ý trong công văn mới đây của Sở Tư pháp TP HCM được gửi đến các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP HCM.
[caption id="attachment_208733" align="aligncenter" width="410"]
TPHCM siết chặt trong việc lập vi bằng để chống sai phạm. Ảnh Tiền Phong[/caption]
Cụ thể, thừa phát lại không được cố tình lập vi bằng việc mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
Thừa phát lại không được lập vi bằng để xác nhận sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật nhằm mục đích chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu. Khi tiến hành lập vi bằng, thừa phát lại phải giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng do thừa phát lại lập cho người yêu cầu lập vi bằng biết, tránh “ngộ nhận” vi bằng với văn bản được công chứng, chứng thực.
Sở cũng lưu ý các văn phòng thừa phát lại phải chú ý đến việc ký quỹ hoặc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho thừa phát lại trong trường hợp tiếp nhận thừa phát lại mới. Về địa điểm hoạt động của văn phòng thừa phát lại là văn phòng này theo quy định pháp luật thì phải có một trụ sở và không được phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện. Từ đó, các trưởng văn phòng không được tự ý đặt thêm các địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của văn phòng…
Với văn bản này, lập tức dư luận cho rằng Sở Tư pháp TP HCM lại rơi vào vòng xoáy “không quản được thì cấm”. Tuy nhiên, ở góc độ người làm thực tiễn, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình (Hà Nội) Nguyễn Văn Lạng cho rằng, TP HCM phát sinh nhiều tranh chấp liên quan đến đất đai từ việc lập vi bằng của thừa phát lại, từ đó phải ra văn bản đề nghị như trên.
Kinh nghiệm của Hà Nội là không ban hành văn bản tương tự bởi theo ông Lạng, các thừa phát lại phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và văn bản này có thể khiến người dân bức xúc khi chưa được tuyên truyền.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Phan Thị Bình Thuận thì khẳng định Sở Tư pháp không “cấm” thừa phát lại mà chỉ yêu cầu văn phòng thừa phát lại lập vi bằng theo đúng quy định của pháp luật và công văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đây là việc Sở Tư pháp đã thực hiện nhiều năm, mỗi năm Sở đều nhắc lại để các văn phòng thừa phát lại làm đúng quy định, coi như cảnh báo để nếu phát hiện ra vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc.
Trong một diễn biến liên quan, cũng tại TP HCM, UBND quận 12 đã đưa ra thông báo cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mua bán nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng. Thủ đoạn của những đối tượng này là “nhờ” các văn phòng thừa phát lại lập vi bằng nhằm tăng sự tin tưởng với những căn nhà không có giấy chứng nhận được mua bán bằng giấy tay rồi xây nhà, rao bán bằng vi bằng để trục lợi. Nhiều nạn nhân “dính” vào nhà đất tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép khiến cuộc sống khó khăn.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở thì hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (gồm cả nhà ở, nhà ở thương mại) phải được công chứng, chứng thực theo quy định.
Còn vi bằng do thừa phát lại lập theo trình tự, thủ tục chỉ có giá trị ghi nhận sự kiện, hành vi dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp luật khác. Không những thế, theo quy định hiện hành, Sở Tư pháp có quyền từ chối vi bằng do văn phòng thừa phát lại lập.
Vì vậy, thông báo của quận 12 nêu rõ, vi bằng bị từ chối sẽ không có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; không là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Qua đây, UBND quận 12 khuyến cáo nhân dân trên địa bàn quận không thực hiện mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để tạo lòng tin, lừa đảo mua bán đất phân lô, nhà không đủ điều kiện pháp lý để giao dịch, bởi vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực theo quy định; vi bằng không chứng nhận, xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, các giao dịch về nhà đất…
Hơn nữa, việc lập vi bằng mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức ghi nhận việc giao nhận nền đất; lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền là để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/tu-phap/tp-ho-chi-minh-de-nghi-khong-lap-vi-bang-doi-voi-nha-dat-chua-co-so-454624.html