Chuyên gia Phạm Sanh cho rằng dự án cầu Thủ Thiêm 4 và 16 lô đất dự kiến đổi phải được đấu thầu công khai.
Bàn luận về chủ trương của UBND TP HCM muốn thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 và 7) theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Theo dự kiến, thành phố sẽ sử dụng 11 lô đất thuộc khu chức năng số 3,4 (khu đô thị mới Thủ Thiêm) với tổng diện tích gần 100.000 m2 (ước tính giá trị khoảng 3.200 tỷ đồng) để thanh toán chi phí xây lắp và thiết bị của cầu Thủ Thiêm 4.
Ngoài ra, thành phố sẽ sử dụng 5 lô đất khác nằm rải rác trên địa bàn thành phố để cân đối thanh toán cho phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng phía quận 7 và các chi phí khác.
TS Phạm Sanh đề nghị UBND thành phố nói rõ lại chủ trương của thành phố là "đổi đất lấy hạ tầng" hay thực hiện theo hình thức BT.
Ông Sanh cho biết, nếu UBND thành phố định áp dụng cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" thì thành phố có thể phạm luật.
Cụ thể ông nói: "Khái niệm "đổi đất lấy hạ tầng" đã bị loại bỏ khỏi Luật đất đai năm 2003, do cơ chế này được cảnh báo ẩn chứa quá nhiều nguy cơ tham nhũng''.
Bởi theo vị chuyên gia, với hình thức đầu tư trên chủ đầu tư đã có cơ hội bỏ một đồng vốn nhưng thu lợi tới nhiều lần.
''Cụ thể là lợi nhận đất mà không cần đấu giá đất. Riêng ở điểm này cũng đã nhìn thấy rất rõ những nguy cơ thất thoát, tham nhũng như: Ai là người xác định giá trị đất? Giá trị đất được xác định dựa trên cơ sở, đơn giá nào?
Giá đất để đổi lấy hạ tầng được tính khi chưa có hạ tầng, thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Đúng ra, giá đất phải được định giá theo thị trường sau khi có hạ tầng. Nếu làm như vậy, giá trị đất phải tăng lên gấp 5 thậm chí cả 10 lần giá giao cho doanh nghiệp.
Tiếp đến là lợi thầu thi công mà tránh đấu thầu. Đây cũng là kẻ hở lớn có nguy cơ gây thất thoát lớn. Như việc xác định giá trị của hạ tầng như thế nào? Có kiểm toán kỹ thuật chặt chẽ không? Có đánh giá chất lượng nghiêm túc không? Nhiều bài học thất thoát từ việc tính giá hạ tầng dựa trên dự toán giấy, dựa trên đề xuất của chủ đầu tư đã được chỉ rõ rồi", ông Sanh nói.
Vị chuyên gia lấy ví dụ để chứng minh: "giá trị của cây cầu chỉ đáng 2.000 tỷ, nhưng giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý có sự móc nối, đẩy giá trị cây cầu lên tới 3.000 tỷ. Như vậy, họ đã có ngay 1.000 tỷ để chia nhau", ông Sanh nêu.
Chính những nguy cơ đó, ông Sanh cho biết Luật Đất đai năm 2003 đã không chấp nhận cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng". Như vậy, nếu thành phố áp dụng cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" có thể phạm luật.
Còn nếu UBND thành phố muốn áp dụng cơ chế BT để thực hiện dự án trên thì phải tổ chức đấu giá đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
"Thời gian qua có nhiều dự án thực chất là sử dụng cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" nhưng được khoác trên mình chiếc áo mới nhờ cơ chế BT.
Cụ thể tại nhiều dự án BT của Hà Nội (Hà Tây cũ) đã bị thanh tra và dư luận đã lên án mạnh mẽ bởi cách làm trá hình này.
Tôi không phản đối thành phố áp dụng cơ chế BT để thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4 nhưng UBND thành phố phải làm rõ ràng: B (trong BT) là phải đấu thầu dự án có sử dụng quỹ đất, còn T là đấu giá đất. Nhà đầu tư nào trả giá cao sẽ được giao dự án", chuyên gia Phạm Sanh nói rõ.
Tới đây, ông lại phải nhấn mạnh "đấu thầu là phải đấu thầu công khai, minh bạch, có giám sát độc lập chứ không phải là thông thầu".
Ông lý giải, có những dự án nói là áp dụng cơ chế đấu thầu công khai nhưng thực chất lại bị giới hạn nhà thầu hoặc áp dụng những "chiêu thức" để cá nhà thầu khác không thể tham gia ngoài những nhà thầu đã được chỉ định.
Đây thực chất là hình thức thông đồng, cấu kết, thông thầu với nhau để trục lợi. Hình thức này cũng nguy hiểm không kém hình thức chỉ định thầu.
Theo Bao Datviet